Ngày này năm ngoái, tuyển Italia mang đến sự thất vọng vô bờ dành cho người hâm mộ, khi tiếp đón Bắc Macedonia trong khuôn khổ vòng play-off tranh vé dự World Cup 2022. Được chơi trên sân nhà Renzo Barbera, đội quân thiên thanh tỏ ra lấn lướt, kiểm soát bóng 66% và tung ra đến 33 pha dứt điểm. Tuy nhiên, chỉ có 6 lần họ đưa bóng đi trúng đích và không thể ghi được bàn thắng nào. Bi kịch đến ở phút 90+2, Aleksandar Trajkovski sút tung lưới Gianluigi Donnarumma, mang về bàn thắng duy nhất của trận đấu, khiến tuyển Italia có lần thứ hai ngồi ở nhà xem World Cup.

1 năm sau thảm họa, bóng đá Italia thay đổi ra sao? - Bóng Đá

 Tuyển Italia từng đối mặt với thảm họa cách đây 1 năm.

Đó là một thảm họa thực sự. Nhưng cũng giống như bao lần khác, bóng đá Italia biết cách đứng lên sau thảm họa. Trong suốt một năm qua, nền bóng đá ở đất nước ven bờ Địa Trung Hải đã có sự chuyển biến tích cực. Những cầu thủ không còn động lực cống hiến dần bị gạch tên khỏi mỗi đợt triệu tập hoặc tuyên bố giã từ đội tuyển. Ngược lại, nhiều cầu thủ trẻ được tạo cơ hội ra sân thi đấu nhiều hơn. Nicolo Barella, Gianluigi Donnarumma, Alessandro Bastoni, Manuel Locatelli, Giacomo Raspadori, Matteo Pessina… trở thành trụ cột của đội tuyển. Sandro Tonali, Gianluca Scamacca, Federico Dimarco, Nicolo Zaniolo, Lorenzo Pellegrini thường xuyên được triệu tập.

HLV Roberto Mancini cũng thành lập Azzurri Academy. Cứ hai tháng một lần, ông lại triệu tập khoảng 60 cầu thủ trẻ đến trung tâm huấn luyện Coverciano để trực tiếp làm việc với họ. Điều này giúp các chàng trai tin rằng họ sẽ được tuyển Italia chú ý dù khoác áo bất kỳ đội bóng nào, và bóng đá Italia cũng không bỏ sót nhân tài. Nhờ những lần triệu tập ấy, ban huấn luyện phát hiện ra những viên ngọc thô như Wilfried Gnonto, Fabio Miretti, Giorgio Scalvini, Federico Gatti, Simone Pafundi, Samuele Ricci, Salvatore Esposito. Bây giờ, tất cả dần trở nên quen mặt với người hâm mộ bóng đá Italia và thế giới. Nhờ một đội hình trẻ trung, tuyển Italia đã vượt qua Hungary, Anh và Đức để tiến vào vòng chung kết UEFA Nations League.

Bên cạnh vấn đề cầu thủ trẻ, Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) còn đang giải quyết một vấn đề quan trọng khác, đó là “sân vận động thuộc về các CLB”. Trước đây, các CLB thường phải thuê sân từ chính quyền địa phương trong thời gian ngắn. Điều đó khiến họ không thể tự khai thác những nguồn lợi như tiền bán vé, mua sắm đồ lưu niệm, tham quan sân vận động…, chưa kể mỗi năm còn phải tốn một khoản tiền để sửa chữa tài sản vốn không thuộc về mình. Nhiều đội bóng muốn xây sân riêng thì bị chính quyền gây khó dễ, điển hình như trường hợp của AC Milan và Inter Milan.

1 năm sau thảm họa, bóng đá Italia thay đổi ra sao? - Bóng Đá

 Nhiều cầu thủ trẻ được HLV Roberto Mancini gọi lên tuyển Italia.

Nhưng giờ đây, FIGC đã tìm ra giải pháp. Họ quyết định vận động đăng cai vòng chung kết EURO 2032 và sẽ tổ chức ở các sân bóng trên khắp cả nước. Các địa phương khi ấy có thể khai thác nguồn lợi từ du lịch, thương mại, quảng bá văn hóa. Do đó, họ đồng ý để các CLB tiếp quản sân vận động theo nhiều cách khác nhau. Sân Atleti Azzurri d’Italia được bán lại cho Atalanta. Sân Renato Dall’Ara, Artemio Franchi được chính quyền địa phương cho Bologna, Fiorentina thuê và tự do khai thác trong thời hạn… 99 năm. Cagliari được xứ đảo Sardinia cấp phép xây sân vận động mới, đặt theo tên của huyền thoại Luigi Riva. Spezia cũng đang trình kế hoạch và nhiều khả năng sẽ sớm được thông qua. Một khi đã có sân vận động riêng, các CLB có thể tự đứng trên đôi chân của mình và phát triển bền vững. Juventus, Sassuolo và Udinese chính là nhân chứng rõ ràng cho điều này.

Nhìn chung, bóng đá Italia đang có nhiều tín hiệu vui chỉ trong một năm. Các tifosi có quyền mơ mộng về viễn cảnh tươi đẹp dành cho nền bóng đá mà họ yêu mến. Và họ sẽ chẳng còn nhiều thời gian để mơ nữa đâu, bởi viễn cảnh ấy sẽ sớm trở thành hiện thực.

(Bạn đọc: Thường Châu)

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link