Sáng 5/10, ông Dedi Prasetyo, đại diện phía Cảnh sát Indonesia, cho biết: “Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra và đối chiếu dữ liệu từ nhiều nguồn, tính từ ngày 5/10, số người thiệt mạng là 131 người”.
Cụ thể, ông Dedi Prasetyo công bố số liệu cho thấy có 44 người thiệt mạng ở 3 hệ thống bệnh viện thuộc Chính phủ, 75 người tử vong ở 7 bệnh viện tư và 12 nạn nhân qua đời ở các cơ sở y tế khác.
Hôm 3/10, phía Cảnh sát Indonesia xác nhận số người thiệt mạng là 125 người. Vụ bạo loạn diễn ra trong bối cảnh CLB Arema thất thủ 2-3 trước Persebaya tại vòng 11 Liga 1. CĐV không giữ được bình tĩnh và tràn xuống sân tạo ra vụ bạo loạn lớn nhất trong lịch sử nền bóng đá Indonesia.
Ba nhân chứng nói với Guardian rằng cảnh sát không chỉ bắn hơi cay vào các phần tử quá khích tràn xuống sân, những người còn đứng trên khán đài vẫn bị tấn công và không có cảnh báo nào được đưa ra từ trước.
“Mọi người chạy tán loạn xung quanh để cố gắng thoát ra ngoài”, Reihan Zailani, người có mặt tại sân vận động Kanjuruhan tối 1/10 kể lại với Al Jazeera. “Lối ra đã bị khóa và mọi người giẫm đạp nhau ở đó”.
Chuyên gia pháp lý Daniel Alexander Siagian cho rằng các nhà chức trách đã không tuân theo quy trình rõ ràng được khuyến cáo từ trước. “Trận derby Đông Java luôn rất nóng và họ (chính quyền) phải có biện pháp từ trước”, Siagian phân tích. “FIFA từ lâu đã khuyến cáo cảnh sát không được sử dụng hơi cay trong sân vận động nhưng rốt cuộc họ vẫn làm”. Chính phủ Indonesia dự kiến lập ra một Ủy ban độc lập để điều tra vụ việc.
Tối 2/10, người dân cả nước Indonesia tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch ở Malang (tỉnh Đông Java, Indonesia). Cầu thủ CLB Arema và Persebaya cũng như các quan chức của PSSI cũng có những động thái cảm thông và chia buồn tới gia đình những nạn nhân xấu số.