1. Maguire ‘lột xác’
Gareth Southgate mặc kệ những hoài nghi để tiếp tục triệu tập Harry Maguire cho World Cup. Ông xếp trung vệ Manchester United đá chính bên cạnh John Stones và số 6 tuyển Anh đã đền đáp niềm tin của HLV trưởng.
Maguire đã có màn trình diễn hết sức thuyết phục khi tỏ ra lợi hại trong việc luân chuyển bóng và tham gia không chiến. Những tình huống đánh đầu của ngôi sao sinh năm 1993 tạo sóng gió cho khung thành Iran và một trong số đó kiến tạo giúp Bukayo Saka lập công.
Ngày thi đấu của Maguire sẽ thật hoàn hảo nếu anh không tập tễnh rời sân nhường chỗ cho Eric Dier ở phút thứ 70. Với những gì Maguire thể hiện ngay trận mở màn, Southgate quả thực đã đúng vì xem trọng trung vệ này.
2. Sao trẻ thăng hoa
2 ngôi sao trẻ lần đầu đá World Cup của tuyển Anh là Jude Bellingham và Bukayo Saka đã cho cả thế giới thấy đẳng cấp chơi bóng. Bellingham không chỉ là người khai thông thế bế tắc mà còn trở thành nhân tố giúp tuyển Anh lên bóng từ trung tuyến. Trong khi đó, Saka tỏa sáng với cú đúp bàn thắng và thể hiện sự tự tin mỗi lần đột phá bên cánh phải.
Là 2 ‘viên ngọc thô’ trong dàn cầu thủ trẻ triển vọng ở xứ sương mù hiện tại, Bellingham và Saka thực sự khiến người xem choáng ngợp sau ra quân trước Iran.
3. Mở đầu lý tưởng
Tuyển Anh đã trải qua hiệp 1 ấn tượng trước Iran. Họ hoàn toàn kiểm soát bóng không cho Iran cơ hội tạo ra nguy hiểm.
Theo Opta, Tam sư thực hiện tổng cộng 366 đường chuyền trong 45 phút đầu, nhiều thứ hai mà một đội thực hiện trong nửa đầu trận đấu tại World Cup kể từ năm 1966, sau 395 đường chuyền của Tây Ban Nha trước Nga năm 2018.
4. Rắc rối trước thềm bóng lăn
Bên cạnh câu chuyện chuyên môn, trận Anh – Iran xuất hiện nhiều tình huống bên lề khiến dư luận chú ý. Harry Kane và tuyển Anh sau cùng đã không đeo băng đội trưởng ‘One Love’ có đặc điểm tương tự với 6 màu trên lá cờ cầu vồng của cộng đồng LGBT. Họ vì sợ trừng phạt nên quyết định chuyển sang băng thủ quân có khẩu hiệu ‘No Discrimination’ có hình dạng trái tim cùng 2 bàn tay bắt tay nhau.
Về phần Iran, họ bất ngờ tứ chối hát quốc ca nhằm phản đối chế độ của đất nước. NHM tại sân vận động Khalifa chế giễu để át đi tiếng quốc ca, thể hiện mong muốn Cộng hòa Hồi giáo trường tồn, cụ thể là đòi hỏi công bằng tự do cho phụ nữ tại Iran.
5. Iran quá yếu, châu Á lâm nguy
Sau Qatar, Iran là đại diện châu Á thứ 2 thua toàn diện trước đối thủ. Dễ dàng nhận thấy chất lượng chơi bóng giữa nền bóng đá châu Á và Nam Mỹ với châu Âu khi kết thúc 2 trận đầu tại World Cup 2022.
Giờ đây, châu Á sẽ mong chờ những gương mặt còn lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập và Úc gỡ lại thể diện. Song, đó là nhiệm vụ không dễ dàng bởi phần lớn trong số họ phải chạm trán các ứng cử viên vô địch.
Ả Rập sẽ gặp Argentina vào ngày mai trước khi Úc đối đầu nhà ĐKVĐ Pháp. Nếu Nhật Bản đụng Đức ở ngày ra quân thì Hàn Quốc cần vượt qua thử thách Uruguay.