Tới 4 triệu CĐV đổ ra đường phố Buenos Aires để vinh danh ĐTQG Argentina mang cúp vô địch thế giới trở về từ Qatar. Họ không chỉ ăn mừng chiến thắng thuần túy, mà còn trèo lên đỉnh tượng đài Obelisk cao 70 m, đèn đường, phá hủy các trạm chờ xe bus, kiosk bán hàng trên đường phố.

Bạo lực trong bóng đá Argentina - Bóng Đá

 Các CĐV đổ ra đường phố Buenos Aires ăn mừng chiến thắng World Cup 2022. Ảnh: AP.

Có đoạn video ghi lại hàng chục người khiêng một chiếc máy ATM lên một chiếc xe tải. Và món vui nhất của họ là đụng độ với lực lượng cảnh sát, ném bất kỳ thứ gì có thể vào hàng rào cảnh sát. Trong ngày ăn mừng đó, có ít nhất 14 người bị bắt, 61 người bị thương, trong đó có 21 cảnh sát và lính cứu hỏa.

Cách đó vài tháng, 6/2022, 16 người bị thương trong một vụ xả súng tại trận bóng đá hạng tư giữa các CLB ở tỉnh Buenos Aires là Club Lujan và Club Alem. Nguyên nhân cuộc đụng độ là do mối thù hằn giữa CĐV của hai đội.

Bóng đá Argentina ẩn chứa nhiều bạo lực nhất thế giới. Điều này đã được kể chi tiết trong một chương cuốn sách “Football, Violence and Social Identity” được biên soạn bởi các tác giả Richard Giulianotti, Norman Bonney, Mike Hepworth.

Cuốn sách đi tìm ra những câu trả lời cho nhiều câu hỏi: Thế nào là côn đồ bóng đá? Những nhóm xã hội nào được xác định là côn đồ bóng đá? Nền tảng nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học của bạo lực trong bóng đá?

Từ cái chết đầu tiên trên sân bóng

Cái chết trên khán đài đầu tiên tại Argentina xảy ra năm 1958. Alberto Mario Linker, một CĐV của Boca Juniors. Trớ trêu thay, anh ta lại không chết khi đi xem CLB mình đá, mà lại qua đời khi đi xem kình địch River Plate thi đấu với Velez Sarsfield. Linker ngồi ở khán đài của các CĐV River.

Bạo lực trong bóng đá Argentina - Bóng Đá

 Cảnh tượng tương tự thường xuyên xảy ra sau các trận bóng ở Argentina. Ảnh: AP.

Trận đấu không có gì đặc sắc, Velez dẫn trước 2-1 vào đầu hiệp 2, thủ môn của Velez bắt đầu câu giờ, tìm mọi cách làm chậm trận đấu. Nhưng khán đài phía sau cầu môn lại của CĐV River. Họ chửi bới, ném đồ vật vào anh ta. Khi gần hết giờ, thủ môn ngã xuống, mặt bê bết máu, bên cạnh anh ta là một con dao nhíp.

Trọng tài quyết định cho dừng trận đấu. Lửa nổi lên trên khán đài, rồi các CĐV River tràn xuống sân. Cảnh sát bắn súng hơi cay vào CĐV dưới sân và trên khán đài. Linker dính một viên đạn nứt hộp sọ và tử vong. Đến nay, đã có hơn 200 CĐV chết bởi bạo lực bóng đá.

Cảnh sát từ chối trách nhiệm trong cái chết của Linker, dẫn đến việc các CĐV River xuống đường biểu tình nhiều ngày sau đó. Về sau có người chứng minh vết nứt trên hộp sọ Linker trùng với kích thước vỏ đạn hơi cay, và có người chứng kiến, anh bị bắn ở khoảng cách dưới 10 m.

Tuần tiếp theo trở thành một ngày được ghi nhớ trong lịch sử bóng đá Argentina: không có bất kỳ cảnh sát có mặt tại bất kỳ trận đấu nào. Căng thẳng đến mức cảnh sát lo sợ bị CĐV tấn công, đã quyết định tránh xa các sân bóng. Và thật ngạc nhiên là không có một cuộc đụng độ nào, dù là nhỏ nhất, diễn ra trong các trận đấu ngày hôm đó.

Không kình địch, cũng xảy ra bạo lực

Bóng đá Argentina sôi động là nhờ các đội bóng kình địch nhau tại các địa phương. Và cũng nhiều bạo lực bởi thế. Tại thành phố La Plata có cặp kình địch Estudientes và Gimnasia y Esgrima, Racing và Independiente ở thành phố Avellaneda, Rosario Central và Newell’s Old Boys ở thành phố Rosario, River Plate và Boca Juniors ở thủ đô Buenos Aires. Ở đây còn có các đội Argentinos Juniors, Barracas, Huracan, Velez Sarsfield, San Lorenzo…

Khi các đội kình địch gặp nhau, khỏi cần nói cũng hình dung được sức nóng đến thế nào. Kể cả khi các đội không phải kình địch gặp nhau, sức nóng cũng có thể đạt đỉnh điểm, ví dụ giữa CLB Quilmes và Boca Juniors. Năm 1978, Quilmes lên ngôi tại giải VĐQG chỉ với 1 điểm nhiều hơn so với Boca. Nhưng điều khiến các CĐV Boca cay cú hơn là người hâm mộ Quilmes sáng tác những câu thơ làm nhục CĐV Boca.

Nội dung thơ đại ý rằng, để trở thành một CĐV Boca, phải thỏa mãn hai điều kiện. Một là phải có túp lều trong khu ổ chuột, hai là phải biết hát Chamame, một loại nhạc dân gian của dân di cư đến từ Paraguay.

Bạo lực trong bóng đá Argentina - Bóng Đá

 Cảnh sát Argentina luôn bận rộn sau các trận bóng đá. Ảnh: AP.

Ngày 26/9/1982, Boca đến chơi ở Quilmes, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 17 km. Cảnh sát khám xét kỹ các CĐV Boca ở cửa SVĐ. Trận đấu hòa 1-1. Trên đường về, các CĐV Boca phá phách nhà cửa, hàng quán bên ngoài sân. 4 chiếc xe Ford Falcon xuất hiện, những người ngồi trên xe nổ súng dọa các CĐV Boca, đuổi họ chạy bán mạng cho đến về tận địa phận Buenos Aires.

Trận lượt về ngày 5/1/1983, thủ lĩnh CĐV Quilmes là Negro Thompson nhận tin nhắn nặc danh gợi ý rằng tốt nhất là ông ta đừng đến sân của Boca. Thompson được cho là điều động 4 chiếc xe Ford kể trên. Thay vì đến sân, Thompson đến đồn cảnh sát trình diện, khẳng định rằng các CĐV Quilmes không muốn gây chiến với các CĐV Boca.

Cảnh sát triển khai lực lượng dày đặc nhằm tách hai bên CĐV cả trong sân lẫn ngoài đường. Khoảng 15 phút trước khi hết trận, các CĐV Boca để những người yếu ở lại khán đài đánh trống, phất cờ. Còn những người hiếu chiến nhất rời sân, lọt qua các hàng rào bảo vệ CĐV Quilmes cảnh sát dựng ngoài đường phố, đến ga xe lửa chờ đối thủ. Một trận tập kích đã xảy ra, CĐV Boca tấn công không thương xót đối thủ của họ.

Các CĐV Quilmes chạy trốn dọc theo đường ray xe lửa. Raul Calixto, 17 tuổi, mắc bệnh hen suyễn đã chết trên đường chạy. Một CĐV khác, Raúl Servín Martinez, 18 tuổi, bị giết bởi một viên đạn xuyên qua ngực.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link