Marca đưa tin: “Ít nhất 127 người thiệt mạng và 180 người bị thương do bạo loạn trong một trận bóng đá ở Indonesia. Khi trận đấu giữa Arema Cronus và Persebaya Surabaya kết thúc, cổ động viên lao xuống sân, buộc cảnh sát phải can thiệp. Tình hình trở nên hỗn loạn và dẫn đến một vụ thảm sát thực sự“.
“Nhiều người hâm mộ chết do chen lấn, chết ngạt hoặc bị đám đông giẫm đạp. Cảnh tượng này gợi lại thảm kịch tại sân vận động Heysel ở chung kết European Cup năm 1985“, Marca miêu tả thảm kịch tại Indonesia.
AP cho biết có 125 cổ động viên và 2 cảnh sát thiệt mạng trong vụ bạo loạn trên sân Kanjuruhan, khi Arema Cronus thua 2-3 trước Persebaya Surabaya tại giải vô địch quốc gia Indonesia tối 1/10.
CĐV của Arema bất mãn khi chứng kiến đội nhà nhận thất bại. Nhiều người đã vượt qua hàng rào, lao xuống sân. Những kẻ quá khích tràn xuống sân ngày càng đông khiến lực lượng an ninh và cảnh sát phải sử dụng đến hơi cay. Điều này khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi đám đông hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau.
Infobae giật tít: “Kinh hoàng ở Indonesia khi 127 người chết trong một trận bóng đá“. Reuters, CBC hay SCMP đều đưa tin.
“Bóng đá Indonesia vừa trải chương đen tối nhất lịch sử khi hàng nghìn người đổ xuống sân hỗn chiến khiến cảnh sát phải dùng hơi cay. Thảm kịch làm 127 người chết này lớn thứ 3 trong lịch sử thể thao thế giới sau vụ làm hơn 300 người chết khi Peru đấu Argentina năm 1964 và cuộc đọ sức giữa Napoli – Bologna làm nhuốm màu bóng đá Italy năm 1994, khiến 152 người thiệt mạng“, Infobae thống kê.
Trang chủ Barca gửi lời chia buồn đến thảm kịch tại Indonesia: “FC Barcelona thương tiếc vì thảm kịch xảy ra trên sân Kanjuruhan. Chúng tôi lên án mọi hành vi bạo lực trong và ngoài sân vận động. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các nạn nhân và gia đình“.
Sau thảm kịch trên sân Kanjuruhan, Liên đoàn Bóng đá Indonesia quyết định hoãn tất cả trận tại giải vô địch quốc gia tuần này. Bên cạnh đó, Arema sẽ không được tổ chức bất kỳ trận nào trên sân nhà trong phần còn lại của mùa giải.