Phút 56 cuộc đối đầu Đài Loan (Trung Quốc), Bích Thùy xuất hiện trong vùng cấm. Cô đón đường chuyền từ Thái Thị Thảo, khống chế gọn gàng rồi đánh bại thủ môn Tsai Ming-jung bằng cú dứt điểm quyết đoán.
Pha bóng này khiến các cầu thủ Đài Loan bất ngờ bởi Bích Thùy nguy hiểm nhất khi có bóng ở khu vực biên phải. Cô chính là cầu thủ chạy cánh hàng đầu của tuyển nữ Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tầm quan trọng của Bích Thùy
Bích Thùy là một trong những cầu thủ mắc Covid-19 sau chuyến tập huấn ở Tây Ban Nha. Cô đến Ấn Độ để hội quân với đồng đội ngay trước cuộc đối đầu quyết định tấm vé vào tứ kết với Myanmar.
Ngay lập tức, HLV Mai Đức Chung đã sử dụng Bích Thùy trong trận đấu này. Phút 33, thời điểm tuyển nữ Việt Nam bị dẫn trước một bàn, cầu thủ này được tung vào sân để cải thiện khả năng tấn công.
Bích Thùy nhanh chóng tạo ra tầm ảnh hưởng. Cô thực hiện nhiều tình huống đột phá, xử lý kỹ thuật khéo léo để loại bỏ đối phương rồi tạt bóng cho đồng đội. Không chỉ vậy, Bích Thùy còn nỗ lực hỗ trợ phòng ngự với 4 lần đánh chặn, con số ấn tượng với một cầu thủ chạy cánh.
Đến các cuộc đối đầu Thái Lan và Đài Loan ở vòng play-off tranh vé dự World Cup, Bích Thùy đều được HLV Mai Đức Chung cho ra sân từ đầu. Như thường lệ, cô vẫn là một mối nguy hiểm bên cánh phải nhờ khả năng đột phát và tạt bóng.
Phía bên trong, đội trưởng Huỳnh Như và Phạm Hải Yến luôn sẵn sàng băng cắt để đón đường chuyền của Bích Thùy. HLV Mai Đức Chung hiểu rõ các học trò và coi các bài đánh biên là phương án tấn công chủ đạo của tuyển nữ Việt Nam.
Ở CLB TP.HCM, Bích Thùy và Huỳnh Như luôn phối hợp ăn ý với nhau bằng những tình huống như vậy. Kịch bản này đã xuất hiện trong trận đấu quyết định ngôi vô địch quốc gia 2021 giữa CLB TP.HCM và Hà Nội. Phút 54, từ pha treo bóng chính xác bên cánh phải của Bích Thùy, Huỳnh Như đánh đầu thoải mái, nâng tỷ số lên 2-0 cho đoàn quân của HLV Kim Chi. Qua đó, CLB TP.HCM hoàn tất cú đúp danh hiệu ở mùa giải 2021.
Tại vòng chung kết Asian Cup nữ 2022, Bích Thùy và Huỳnh Như chưa “tìm thấy nhau” như thường lệ. Song, họ cũng tạo ra những sức ép nhất định về phía khung thành đối phương. Với cá nhân Bích Thùy, cô luôn khiến hậu vệ đội bạn vất vả trong các pha một chọi một.
Trước giải, Bích Thùy cũng có phong độ khá tốt khi ghi 2 bàn vào lưới tuyển nữ Tajikistan ở vòng loại. Trong chuyến tập huấn trên đất Tây Ban Nha, cô cũng để lại một pha lập công.
Trụ cột tuyển nữ
Bích Thùy sinh năm 1994, là một trong những trụ cột, có nhiều kinh nghiệm thi đấu nhất tuyển nữ Việt Nam hiện tại, bên cạnh Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Phạm Hải Yến… Cô chỉ cao 1,53 m, nhưng luôn tạo ra nguồn năng lượng lớn mỗi khi được tung vào sân. Thậm chí, HLV Mai Đức Chung còn gọi người học trò này là một chiến binh.
Vì vậy, tiền vệ cánh phải này có thể chơi tốt ở vị trí hậu vệ. Tại SEA Games 30, Bích Thùy từng chơi ở cả 2 cánh trong hàng hậu vệ. Đa năng cũng là một điểm mạnh của cô khi có thể thi đấu ở 2 cánh lẫn tiền vệ trung tâm.
Bất lợi về thể hình khiến Bích Thùy nỗ lực tập luyện để trở nên nhanh nhẹn, khéo léo hơn. Cô cũng có khả năng xử lý, dứt điểm tốt bằng cả 2 chân.
Những yếu tố đó giúp Bích Thùy luôn có chỗ đứng vững chắc trong đội hình CLB TP.HCM cũng như tuyển Việt Nam nhiều năm qua. Cô gặt hái nhiều nhiều danh hiệu như huy chương vàng SEA Games 29, 30, vô địch giải nữ Đông Nam Á 2019 và vô địch giải VĐQG Việt Nam nhiều năm liền.
Trong màu áo tuyển, Bích Thùy có 37 lần ra sân và ghi được 11 bàn thắng. Đó là con số đáng nể bởi nhiệm vụ chủ yếu của cầu thủ này là kiến tạo. Trong đó, cô tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng như cú sút xa vào lưới Myanmar ở vòng bảng SEA Games 29 và mới nhất là pha dứt điểm gọn gàng trước Đài Loan, mang về tấm vé dự World Cup cho tuyển nữ Việt Nam.
Để đạt được những thành tích đó, Bích Thùy phải khăn gói từ quê nhà Quảng Ngãi vào TP.HCM để tập bóng đá khi mới 13 tuổi. Cô cũng trải qua những khoảnh khắc khó khăn trong sự nghiệp như chấn thương nặng ở đầu gối.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Bích Thùy khi làm nghĩa vụ quốc gia là khi cùng đồng đội chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng Olympic Rio 2016 tại Trung Quốc. Khi đó, bố của Bích Thuỳ đã qua đời vì bệnh ung thư. Cô không thể về nhà để chịu tang, phải nén đau để tiếp tục tập luyện.
Phía sau thân hình nhỏ bé của Bích Thùy là một ý chí, nỗ lực kiên cường. Cô đã vượt qua những khó khăn về mặt sức khỏe, thời tiết để luôn cháy hết mình cùng tuyển nữ Việt Nam. Để rồi cuối cùng, quả ngọt cũng đã đến và Bích Thùy đã chứng tỏ được đẳng cấp của cầu thủ chạy cánh hàng đầu Việt Nam.