Hai thập niên trước, Hàn Quốc và Nhật Bản đăng cai World Cup 2002, nhưng bóng đá châu Á cũng chỉ có 4 đại diện tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó là giải đấu các đội bóng châu Á gây tiếng vang, khi Hàn Quốc vào đến bán kết còn Nhật Bản lọt vào vòng 16 đội.
Nhưng kể từ năm 2002, thành tích của bóng đá châu Á tại World Cup liên tục đi lùi. Trên đất Qatar vào cuối năm nay, người hâm mộ kỳ vọng các đội tuyển châu Á có thể gây bất ngờ trước những đối thủ mạnh khác trên thế giới. Họ có lợi thế về khí hậu, sân bãi so với các đối thủ, đồng thời năng lực chuyên môn cũng tiến bộ hơn hai thập niên trước.
Niềm hy vọng lớn
Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran và Hàn Quốc dự World Cup 2022 thông qua việc giành 4 tấm vé chính thức ở vòng loại. Qatar được tham gia World Cup nhờ tư cách đội chủ nhà. Chiến thắng của Australia trước Peru ở trận play-off giúp bóng đá châu Á có đại diện thứ 6 dự ngày hội ở Qatar vào cuối năm. Chỉ châu Âu, với 13 đại diện, là khu vực có nhiều đội tuyển tham dự World Cup 2022 hơn châu Á.
“Đây thực sự là thời điểm bóng đá châu Á gây tiếng vang”, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á, Sheikh Salman bin Ibrahim Al Khalifa, nói sau khi Australia vượt qua Peru. “Không có lời khẳng định nào lớn hơn việc 6 đội tuyển của châu lục, lần đầu tiên trong lịch sử, giành quyền dự World Cup 2022”.
Người đứng đầu AFC tin World Cup 2022 sẽ chứng kiến sự cải thiện về mặt thành tích của bóng đá châu Á so với giải đấu năm 2018. Tại giải đấu trên đất Nga 4 năm trước, bóng đá châu Á chỉ có Nhật Bản vượt qua vòng bảng. Ba đại diện còn lại gồm Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia và Iran đều gây thất vọng.
Sau gần nửa thập niên, sức mạnh và tình thế của các đội tuyển châu Á ở World Cup 2022 thay đổi. Trong loạt trận giao hữu vào tháng 6 vừa qua, đoàn quân của HLV Hajime Moriyasu có những kết quả đáng khích lệ như thua Brazil 0-1 trên sân nhà, đánh bại Paraguay và Ghana với cùng tỷ số 4-1.
Họ gây thất vọng ở trận đấu cuối của loạt trận giao hữu, khi để thua Tunisia 0-3 trên sân nhà. Tuy nhiên, xét tổng thể, “Samurai xanh” vẫn cho thấy năng lực của mình.
“Kết quả (thua Tunisia) thật đáng thất vọng”, HLV Moriyasu nói. “Những trận đấu này sẽ có ích trong tương lai và tôi sẽ dùng chúng để làm bàn đạp để cải thiện cho đội bóng”.
Ở World Cup 2018, Nhật Bản gây tiếc nuối khi dẫn trước tuyển Bỉ tới 2-0 sau một giờ đồng hồ đầu tiên thi đấu. Đội bóng xứ sở mặt trời mọc để đối thủ lội ngược dòng đáng tiếc ở phút 90+4. Họ trở thành đại diện gây ấn tượng nhất của bóng đá châu Á giải đấu năm đó.
Tại Qatar vào cuối năm, Nhật Bản được kỳ vọng tiếp tục gây khó khăn cho các đối thủ. Tuy nhiên, việc họ rơi vào bảng đấu có cả Đức lẫn Tây Ban Nha khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Costa Rica, đối thủ còn lại ở bảng đấu, cũng không phải đội bóng dễ chơi.
Hàn Quốc, nền bóng đá hàng đầu châu lục khác, cũng rơi vào bảng đấu khác có thể được coi như “tử thần” ở World Cup 2022. Để giành một trong hai tấm vé vào vòng 16 đội, Son Heung-min cùng các đồng đội phải chạm trán Ghana, Bồ Đào Nha và Uruguay.
Nếu Ghana vừa thua Nhật Bản 1-4 ở trận giao hữu, thì Bồ Đào Nha hay Uruguay lại là hai ĐTQG ở đẳng cấp rất khác. Đội bóng xứ kim chi có lẽ cần một giải đấu xuất thần để vượt qua vòng bảng.
Saudi Arabia xếp trên Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 châu Á, nhưng họ gây thất vọng khi thua Colombia và Venezuela, hai đội không vượt qua vòng loại Nam Mỹ hồi đầu tháng. Việc rơi vào bảng đấu có Mexico, Argentina và Ba Lan khiến cho cơ hội đi tiếp của thầy trò HLV Herve Renard cũng không được đánh giá cao.
Hy vọng lọt vào vòng 16 đội của bóng đá châu Á có lẽ đặt lên vai Iran và Qatar, hai đội bóng rơi vào hai bảng về lý thuyết dễ thở hơn.
Thiên thời và địa lợi
Với ưu thế được xếp vào nhóm hạt giống đầu tiên do tư cách chủ nhà, Qatar chỉ phải tranh vé vào vòng 16 đội với Ecuador, Senegal và Hà Lan. Trong số ba đội bóng này, chỉ Hà Lan trội hơn hẳn phần còn lại. Nếu Qatar tận dụng tốt ưu thế sân bãi, khí hậu và các cổ động viên nhà, họ hoàn toàn có thể tạo ra bất ngờ trước Ecuador hay Senegal.
Để chuẩn bị cho World Cup 2022, tuyển Qatar xây dựng một chiến lược bài bản từ nhiều năm trước và họ gặt hái không ít thành công. Họ có những chuyến du đấu dài ngày ở châu Âu, tham dự Copa America 2019 hay Gold Cup 2021.
Tại giải vô địch khu vực CONCACAF, Qatar vào đến bán kết và chỉ chịu thua Mỹ 0-1. Trong năm 2022, nước chủ nhà World Cup bất bại trong hai trận giao hữu trước Bulgaria (thắng 2-0) và Slovenia (hòa 0-0).
HLV Felix Sanchez dẫn dắt tuyển Qatar từ năm 2017 và là một trong những chiến lược gia nắm rõ đội bóng của mình nhất ở World Cup 2022. Thậm chí nếu tính xa hơn, cựu HLV đội trẻ Barca làm việc ở bóng đá Qatar từ năm 2006. Sự thấu hiểu và mối liên kết giữa ông Sanchez với dàn sao Qatar được kỳ vọng tạo ra sự khác biệt.
Iran phải đối mặt với Anh, Mỹ và Xứ Wales ở bảng B, và họ được kỳ vọng tạo nên bất ngờ. Bởi ngoại trừ Anh, cả Mỹ và Xứ Wales đều không có trình độ quá chênh lệch với đại diện từ Tây Á. Bầu không khí nóng ẩm ở Qatar cũng có thể là lợi thế với Iran, quốc gia tương đồng về khí hậu và điều kiện tự nhiên.
Bóng đá Iran cũng đang sở hữu dàn cầu thủ tài năng chơi bóng ở châu Âu, với những ngôi sao như Mehdi Taremi (Porto), Sardar Azmoun (Bayer Leverkusen), Alireza Jahanbakhsh (Feyenoord) hay Sadegh Moharrami (Dinamo Zagreb). Xét về chất lượng đội hình, Iran không quá thua kém nếu so với Mỹ hay Xứ Wales.
Australia cũng có thể là một ẩn số thú vị. “Socceroos” khiến giới chuyên môn ngạc nhiên khi đánh bại Peru, đội đứng thứ năm ở vòng loại World Cup 2022 khu vực Nam Mỹ, trên chấm luân lưu. Màn trình diễn của đội bóng xứ sở chuột túi cho thấy họ hoàn toàn có thể gây bất ngờ vào cuối năm. Tất nhiên, việc phải chạm trán Pháp, Tunisia hay Đan Mạch ở vòng bảng được cho là quá sức với đại diện châu Á.
Thế nhưng, trong bóng đá, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Phải sau hai thập niên, châu Á mới lại tổ chức một kỳ World Cup. Chưa bao giờ người hâm mộ châu Á kỳ vọng các đội tuyển của họ có thể gây bất ngờ như giải đấu năm nay.