Messi: Nước mắt và Quả bóng vàng
Mùa giải 2020-21 không thành công với Messi về mặt danh hiệu, khi Barcelona chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính lẫn thể thao.
Những khó khăn với Barca được Messi gạt bỏ trong mùa hè kỳ diệu tại Brazil, nơi anh cùng đội tuyển Argentina giành danh hiệu Copa America.
Messi đã có giải đấu xuất sắc về mặt cá nhân. Màn trình diễn của anh giúp Argentina có danh hiệu đầu tiên sau 28 năm chờ đợi.
Ở Brazil, sau khi chiến thắng đội chủ nhà, Messi đã khóc. Một tháng sau đó, nước mắt lại rơi khi anh tham dự cuộc họp báo nói về tương lai với Barca.
Cầu thủ thành công nhất lịch sử Barca chia tay trong sự nghẹn ngào. Dù Leo chấp nhận giảm lương 50%, CLB xứ Catalunya vẫn không thể ký hợp đồng với anh.
Messi rời Barca, nơi anh đặt chân đến khi mới 13 tuổi, trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của bóng đá quốc tế trong năm 2021.
Chân trời mới mở ra cùng Leo khi anh gia nhập PSG. Một bản hợp đồng làm thay đổi bóng đá Pháp.
Chưa thể hiện 100% trong thời gian khoác áo PSG, nhưng điều đó không thể ngăn Messi giành Quả bóng vàng thứ 7 trong sự nghiệp.
Kỷ lục về số Quả bóng vàng mà Messi thiết lập có thể sẽ không có ai tiếp cận được trong thế kỷ này.
Chiến tích của Italy
Trước khi Messi cùng Argentina nâng cao danh hiệu vô địch Nam Mỹ, ở EURO 2020, Italy trở thành nhà vua của bóng đá châu Âu.
Italy mang hình ảnh hoàn toàn khác, trái ngược với suy nghĩ của người hâm mộ về một đội tuyển chơi thứ bóng đá thực dụng.
HLV Roberto Mancini cho Azzurri triển khai thứ bóng đá tấn công dựa trên khả năng kiểm soát bóng.
Không có một ngôi sao lớn nào, nhưng Italy là tập thể rất gắn kết. Đây là chìa khóa để đội bóng Thiên thanh giành chức vô địch EURO sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi, kể từ 1968.
Cùng với danh hiệu EURO 2020, Italy của Mancini trải qua chuỗi 37 trận bất bại liên tiếp (30 thắng, 7 hòa), một kỷ lục mới trên đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, Azzurri đi xuống sau vinh quang với một loạt trận hòa. Điều này buộc họ và Bồ Đào Nha phải đá play-off tìm vé dự World Cup 2022.
Bóng ma Covid-19
Mùa giải 2020-21, các CLB thiệt hại rất nhiều bởi Covid-19. Barca là một trong những đội tổn thất nặng nhất để rồi phải chia tay Messi.
Ở Premier League mùa 2018-19, mùa giải gần nhất khán giả được vào sân trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu bán vé chiếm 13%.
Chính vì thế, các giải đấu từng bước mở cửa đón khán giả trở lại. Ban đầu là số ghế hạn chế và sau đó cho phép khai thác hết công suất.
Khi tình hình dần lạc quan, làn sóng dịch mới một lần nữa ám ảnh các đội. Premier League – với 103 ca nhiễm trong tuần qua – phải hoãn nhiều trận đấu trước Giáng sinh.
Tại La Liga, Covid-19 cũng đang trở nên phức tạp hơn. Barca mất 10 cầu thủ vì nhiễm virus corona. Cùng với danh sách chấn thương và thẻ phạt, HLV Xavi không có 18 cầu thủ cho trận đầu tiên trong năm 2022.
CLB Bilbao có 4 cầu thủ bị nhiễm trong một ngày, cùng với HLV Marcelino. Granada có 8 trường hợp. Atletico bước vào năm mới mà không có HLV Diego Simeone – người kỷ niệm 10 năm dẫn đội bằng việc phải cách ly, cùng Griezmann, Koke, Joao Felix và Herrera.
Làn sóng dịch thứ 6, với biến thể omicron, đang trở thành vấn đề nghiêm trọng giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm mới.