- Bóng Đá

HLV Lý Thiết đang bị điều tra vì những cáo buộc nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Cuối tháng 11 năm ngoái, bóng đá Trung Quốc chấn động trước thông tin cựu HLV trưởng tuyển Trung Quốc Li Tie cùng nhiều nhân vật có liên quan bị bắt giữ. Đây là bê bối lớn nhất liên quan đến các nhân vật cấp cao của bóng đá Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây.

Khởi nguồn của bê bối

“Có nhiều tin tức được rò rỉ về lý do bắt ông ấy (Li Tie – PV)”, một nhà báo người Trung Quốc giấu tên chia sẻ với Zing News, “Tuy nhiên, nhận hối lộ và dàn xếp tỷ số là hai cáo buộc rõ ràng nhất về ông ấy, được truyền thông nhà nước đăng tải”.

Phóng viên này tiết lộ “mọi thứ bắt nguồn từ mâu thuẫn cá nhân” khi ông chủ của CLB Vũ Hán Dương Tử (Wuhan Yangtze River – trước đây tên là Wuhan Zall) thu thập bằng chứng sai phạm của Li Tie và tố cáo lên chính quyền.

“Trong thời gian dịch bệnh, ông chủ Nghiêm Trí (Yan Zhi) của Vũ Hán Dương Tử muốn Li Tie giảm lương nhưng HLV này không đồng ý”, phóng viên này chia sẻ, “Li thậm chí gọi điện lên các quan chức của LĐBĐ Trung Quốc để gây áp lực. Điều này chọc giận Nghiêm Trí và ông ấy muốn trả đũa ngay cả khi phải liên đới trách nhiệm”.

Li Tie bị bắt khi đang tham gia khóa đào tạo huấn luyện viên do Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc tổ chức ở Đại Liên, theo Sina. Trước khi bê bối, người từng chơi cho Everton được xem là tượng đài bóng đá Trung Quốc. Cựu tiền vệ sinh năm 1977 nằm trong số những ngôi sao Trung Quốc hiếm hoi được thi đấu tại Ngoại hạng Anh.

Với 92 lần ra sân cho ĐTQG cùng bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ, Li có tầm ảnh hưởng lớn với bóng đá Trung Quốc. Sau khi giải nghệ, cựu sao Everton cũng thành danh trong vai trò HLV Vũ Hán Dương Tử, sau này lên nắm ĐTQG.

Trong một thời gian dài, mối quan hệ giữa Nghiêm Trí và Li Tie là rất tốt. Li Tie đưa CLB Vũ Hán thăng hạng giải VĐQG (Chinese Super League – CSL) sau 5 năm. Đội bóng của cựu danh thủ này thi đấu khó chịu ở CSL và khiến ông chủ Nghiêm mát mặt. Khi Li Tie được gọi lên nắm tuyển Trung Quốc, ông Nghiêm cho phép HLV này được kiêm nhiệm và nhận cả hai khoản lương trong một thời gian dài.

Dịch bệnh xảy ra khiến tình hình kinh doanh của Zall Group, tập đoàn thương mại do ông Nghiêm làm chủ, rơi vào cảnh bê bết. Họ không thể đầu tư tiếp cho CLB Vũ Hán. Mâu thuẫn về việc thanh toán các khoản lương giữa ông Nghiêm và Li Tie nổ ra. Đội bóng đổi tên và sau đó rớt hạng ở mùa giải 2022 trước khi tuyên bố giải thể vào cuối tháng 1/2023.

 - Bóng Đá

Nhiều cầu thủ Trung Quốc được cho là đã hối lộ Li Tie để lên tuyển quốc gia. Ảnh: Reuters.

Những cáo buộc nghiêm trọng

Ba tuần sau khi Li Tie bị bắt, truyền thông Trung Quốc dẫn thông báo từ Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Hồ Bắc, có đoạn viết: “Li Tie, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia Trung Quốc, bị nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và đang bị điều tra bởi Đoàn Kiểm tra và Giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia”.

“Đến thời điểm này, Lý Thiết và nhiều nhân vật liên quan vẫn chưa được thả”, nhà báo Trung Quốc giấu tên chia sẻ với Zing News, “Các cáo buộc ông ấy mắc phải rất nghiêm trọng, bao gồm nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, thậm chí dàn xếp tỷ số”.

Một trong những cáo buộc dàn xếp tỷ số quan trọng được đưa ra là trận đấu ở CSL 2019 giữa Vũ Hán và Thâm Quyến, CLB lúc này được dẫn dắt bởi HLV người Italy, Roberto Donadoni. Vũ Hán của Li Tie dẫn trước 4-1 nhưng sau đó bất ngờ chơi tệ để Thâm Quyến ghi 3 bàn sau 4 phút trong hiệp hai. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 4-4. 1 điểm có được ở trận đấu với Vũ Hán giúp Thâm Quyến trụ hạng vào cuối mùa.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh bên ngoài của cựu sao Everton cũng bị điều tra. Ít nhất 9 công ty ở lĩnh vực đào tạo bóng đá, môi giới cầu thủ và điều hành sân vận động, do Lý Thiết cùng các cộng sự lập ra, vướng sai phạm.

Thậm chí, trong quãng thời gian dẫn dắt tuyển Trung Quốc, Li Tie đòi các cầu thủ phải chi khoảng 400.000 USD/người để được gọi lên ĐTQG. Điều này là có cơ sở bởi ở giai đoạn tuyển Trung Quốc thi đấu vòng loại World Cup 2022, Li Tie nhiều thời điểm rất ít sử dụng các cầu thủ nhập tịch dù trình độ của họ trội hơn hẳn cầu thủ gốc bản địa.

Thực tế, việc các cầu thủ chi tiền cho HLV để được gọi lên ĐTQG Trung Quốc từng xuất hiện vào giai đoạn 2010-2012. Ở thời điểm đó, theo điều tra của Titan Sport, một cầu thủ phải chi khoảng 30.000 USD để được lên tuyển.

Tất nhiên, Li Tie không thể một mình thao túng và lũng đoạn ĐTQG Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo khác của CFA cũng đang bị điều tra. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc không có đại diện nào góp mặt ở hội đồng thành viên LĐBĐ châu Á (AFC) và FIFA trong cuộc bầu cử vào đầu năm nay. Đó dường như là dấu hiệu cho thấy sẽ còn nhiều góc khuất khác của bóng đá Trung Quốc được phơi bày trong thời gian tới.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link