Bóng đá Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Sau vụ việc cựu HLV ĐTQG Li Tie bị bắt vì cáo buộc tham nhũng hay một trận đấu ở giải U15 bị phanh phui dàn xếp tỷ số, mới đây NHM môn thể thao vua tại đất nước đông dân nhất thế giới lại một lần nữa nhận cú sốc khi CLB Vũ Hán Trường Giang (Wuhan Yangtze River) chính thức giải thể.
Trang chủ CLB Vũ Hán Trường Giang thông báo: “Sau khi có sự cân nhắc kỹ lưỡng, Wuhan Yangtze sẽ giải thể, không còn tham gia vào hệ thống thi đấu của bóng đá Trung Quốc. Bằng tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi sẽ giải quyết hết những khoản tiền lương của toàn bộ cầu thủ và ban huấn luyện. Ngoài ra, CLB cũng cố gắng giúp các HLV và cầu thủ tìm kiếm bến đỗ mới”.
Trước đó, vào tháng 05/2022, sự thiếu hụt về tài chính cũng khiến Trùng Khánh Lực Phàm (Chongqing Liangjiang Athletic) tuyên bố giải tán. Giang Tô Tô Ninh (Jiangsu Suning) cũng chịu chung số phận dù đang là ĐKVĐ Chinese Super League vào năm 2021. Ngoài ra, hàng loạt đội bóng khác vẫn đang gặp rắc rối về ngân sách và rất có thể sẽ nối gót các CLB nói trên trong thời gian tới.
Thực tế, kết cục mà các CLB Trung Quốc đang phải gánh chịu là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước. Đó là hậu quả của chính sách vung tay quá trán, chi tiền mua sắm và trả lương cho nhiều ngôi sao một cách ồ ạt và thiếu sự tính toán. Để rồi, qua thời gian, khi ngân sách ngày càng kiệt quệ, họ đã không thể trụ vững trên bản đồ bóng đá của đất nước đông dân nhất thế giới.
Cách làm của nhiều CLB tại Trung Quốc đã kiềm chế sự phát triển của những cầu thủ bản địa. Họ không quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực kế thừa. Điều này ảnh hưởng đến cả một nền bóng đá. ĐTQG Trung Quốc đang ngày một yếu dần theo thời gian với những kết quả thất vọng. Họ thi đấu kém cỏi tại VL cuối cùng World Cup 2022, trong đó có cả trận thua trước đoàn quân HLV Park Hang-seo tại Mỹ Đình.
Việc không đào tạo ra được những nhân tố đủ tốt khiến khả năng xuất ngoại cầu thủ của Trung Quốc cũng tỏ ra hạn chế. Ngoài Wu Lei phần nào chứng minh được năng lực khi có hơn 100 lần ra sân tại Espanyol (Tây Ban Nha) thì nước này không có nhiều nhân tố quá nổi bật. So với Hàn Quốc hay Nhật Bản, bóng đá Trung Quốc đang kém khá xa về việc tạo ra những gương mặt chất lượng để ra nước ngoài thi đấu.
Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, NHM đang hình dung được viễn cảnh éo le mà bóng đá Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hiện tại và trong tương lai. Con đường vươn tầm đến sân chơi thế giới của ĐTQG nước này vẫn còn khá xa.