Đầu năm mới, bóng đá xứ tỷ dân đón một tin không vui. Vũ Hán Trường Giang (Wuhan Yangtze River) thông báo giải thể. Đội bóng trước đây có tên là Wuhan Zall từng là cái tên quen mặt ở giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League – CSL) trong gần nửa thập niên qua. Tuy nhiên, kết cục của họ thực tế đã được dự báo từ trước khi CSL 2022 khởi tranh.
Thực tế khắc nghiệt
“Việc Vũ Hán FC giải thể không phải điều gì sốc”, Yuan Bi, nhà báo của Titan Sport Plus nói với Zing News, “Mọi người đều biết họ gặp khó khăn tài chính kể từ đầu mùa giải 2022 và việc ban lãnh đạo CLB cố gắng hoàn thành nốt CSL mùa giải vừa qua (xếp vị trí thứ 16 trên tổng số 18 đội) đã là một nỗ lực”.
Thậm chí, ban lãnh đạo Vũ Hán Trường Giang còn có màn chia tay khá êm đẹp khi thanh toán phần lớn khoản lương thưởng nợ cầu thủ sau giải thể. CLB chỉ hoãn chi trả cho những trường hợp cầu thủ và HLV đang bị điều tra vì nghi án tham nhũng và gian lận liên quan đến Li Tie (Lý Thiết), người từng dẫn dắt Vũ Hán FC.
Vũ Hán Trường Giang trở thành CLB Trung Quốc lớn thứ hai trong một năm qua tuyên bố giải thể. Hồi tháng 5/2022, Trùng Khánh Lực Phàm (Chongqing Liangjiang Athletic) cũng tuyên bố giải tán đội vì khó khăn tài chính. Năm 2021, Giang Tô Tô Ninh (Jiangsu Suning) giải thể khi đang là đương kim vô địch Trung Quốc.
Những CLB lớn kể trên không phải trường hợp cá biệt khi nhiều đội bóng nhỏ thuộc các giải đấu hạng dưới của Trung Quốc cũng tuyên bố giải thể trong hai năm qua. Năm 2023 hứa hẹn tiếp tục là một năm khó khăn với nhiều CLB bóng đá Trung Quốc. Sau khi Vũ Hán Trường Giang giải thể, hai CLB khác là Thương Châu Hùng Sư (Cangzhou Mighty Lions FC) và Thâm Quyến (Shenzhen FC) cũng đang gặp rắc rối tài chính.
Thương Châu Hùng Sư và Thâm Quyến bị tố nợ lương cầu thủ và dù đã trụ hạng CSL 2022, không ai đảm bảo họ chắc chắn tham dự mùa giải 2023. Với Quảng Châu (Guangzhou FC) và Hà Bắc (Hebei FC), hai đội xuống hạng CSL 2022, khả năng họ giải thể trước khi mùa giải năm nay khởi tranh vẫn rất lớn.
Ban lãnh đạo Quảng Châu và Hà Bắc thừa nhận họ phải nỗ lực để giải quyết khó khăn tài chính dù mùa giải 2022 đã kết thúc. Evergrande Group, công ty bất động sản sở hữu Quảng Châu, suýt phá sản vào tháng 9/2021 và gần như không còn có thể tài trợ số tiền lớn cho CLB.
Ngay cả những đội có nền tảng tài chính vững chắc bậc nhất giải cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong và sau đại dịch. Sơn Đông Thái Sơn (Shandong Taishan) khép lại mùa giải 2022 thành công với chức vô địch FA Cup. Đây cũng là đội bóng hiếm hoi còn giữ chân được các ngoại binh chất lượng trước đại dịch như Marouane Fellaini, Crysan hay Moises.
Tuy nhiên, bước sang mùa giải 2023, Sơn Đông Thái Sơn nhiều khả năng chia tay Fellaini và các ngoại binh chất lượng khác. Dù phải tham dự AFC Champions League mùa tới, Sơn Đông Thái Sơn chưa có dấu hiệu cho thấy sẵn sàng chi đậm trở lại trên thị trường chuyển nhượng.
Các CLB giàu có khác của Trung Quốc như Cảng Thượng Hải (Shanghai Port), Chiết Giang (Zhejiang Professional FC), Vũ Hán Tam Trấn (Wuhan Three Towns) cũng chưa có những hoạt động tích cực trên thị trường chuyển nhượng. Đây là ba đội còn lại sẽ đại diện cho bóng đá Trung Quốc ở AFC Champions League mùa này.
Ngay cả khi có đủ tiềm lực, giới hạn quỹ lương và chuyển nhượng từ Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) cũng là rào cản lớn khiến các đại gia của bóng đá nước này không còn mua sắm mạnh tay.
Tham vọng phát triển bền vững
“Quy định đó (giới hạn trần lương – PV) là điều đương nhiên. Đã có quá nhiều bong bóng tài chính vỡ’, Pedro Morilla, huấn luyện viên trưởng Vũ Hán Tam Trấn, nói với AS, “Ngay cả với các cầu thủ bóng đá Trung Quốc, giới hạn tiền lương cũng được áp dụng. Đó là điều tích cực, giúp cho các CLB phát triển bền vững”.
Vũ Hán Tam Trấn vừa đi vào lịch sử bóng đá Trung Quốc khi 3 năm liền vô địch 3 hạng đấu cao nhất. HLV Morilla không giấu rằng việc CLB có nguồn lực tài chính hùng hậu là nguyên nhân lớn giúp họ vô địch CSL 2022 ngay trong mùa giải đầu tiên tham dự. “Mùa trước, có lẽ chỉ Sơn Đông đủ khả năng cạnh tranh với chúng tôi sau ở nửa mùa giải”, chiến lược gia người Tây Ban Nha khẳng định, “Ngoại binh của chúng tôi cũng chất lượng hơn phần còn lại”.
Tuy nhiên, thách thức dành cho Vũ Hán Tam Trấn trước khi mùa giải 2023 khởi tranh sẽ rất lớn. Marcao, chân sút chủ lực của CLB ở CSL 2022, vừa chuyển sang Al-Ahli, CLB chơi ở giải VĐQG Saudi Arabia. Đã qua cái thời bóng đá Trung Quốc áp đảo phần còn lại của châu Á về mặt tài chính. Những “tay chơi” từ Saudi Arabia đang khuynh đảo thị trường vào lúc này. Davidson, một ngoại binh chất lượng khác của Vũ Hán Tam Trấn, nhiều khả năng cũng chuyển đến Saudi Arabia trong thời gian tới.
Thế nhưng, Morilla vẫn rất lạc quan. “Mọi thứ sẽ tốt dần lên khi các quy định về dịch bệnh được nới lỏng trong năm 2023”, cựu HLV trưởng Granada dự báo, “CLB sẽ tiếp tục hợp tác với những đội ở Tây Ban Nha để nâng cao chất lượng cầu thủ và phát triển bền vững”.
Guồng quay bóng đá ở Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục. Có người đi, sẽ có người đến. Có CLB giải thể, cũng sẽ xuất hiện những đội bóng mới. Bóng đá Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới khác hoàn toàn trước đây.