Ngày nay, việc một cầu thủ Việt Nam xuất ngoại ra nước ngoài thi đấu không còn tạo được sự chú ý nhiều từ dư luận như cách đây hơn chục năm, thời Lê Công Vinh sang chơi ở Bồ Đào Nha hay Nhật Bản nữa. Bởi lẽ gần đây, những chuyến “xuất khẩu” cầu thủ Việt thường không đem lại nhiều kết quả khả quan.
Lần lượt Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cho đến Văn Hậu hay thậm chí Quang Hải hiện tại, đều chưa thật sự thành công về mặt chuyên môn. Cầu thủ Việt không thể tìm được chỗ đứng vững chắc, chen chân vào đội hình chính một cách thường xuyên. Đó là điều khiến nhiều người hâm mộ hoài nghi khả năng thành công của Công Phượng và Văn Toàn, hai cầu thủ vừa xác nhận sẽ đến chơi bóng lần lượt tại J-League 1 và K-League 2.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, đây là tín hiệu đáng mừng của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã có Quang Hải, mới nhất là Công Phượng và Văn Toàn, những cầu thủ dũng cảm, họ chủ động tìm kiếm cơ hội ở các nền bóng đá phát triển. Nó thể hiện một điều rằng, cầu thủ Việt Nam đang khao khát, đồng thời bộc lộ tham vọng vươn tầm.
Bản thân nội tại bóng đá Việt Nam không thể tự nó phát triển được. Chúng ta cần chắt lọc, học hỏi từ những nền bóng đá mạnh hơn. Đó là con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc đã đi. Nhật Bản chọn cách đứng trên vai người khổng lồ khi học theo Brazil từ tư duy làm bóng đá đến lối chơi.
Rất nhiều cầu thủ được Nhật Bản gửi sang Brazil học hỏi và quay về phục vụ lại đội tuyển. Vào năm 2013, theo thống kê của nhật báo Yomiuri Shimbun, mỗi năm, Nhật Bản gửi khoảng 800 cầu thủ trẻ ra nước ngoài đào tạo, và 1/3 trong số đó được gửi tới Brazil.
Hiện tại, người Nhật không còn xem Brazil là hình mẫu nữa nhưng họ vẫn xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài đều đặn qua từng năm. Giờ đây, người Việt đã quen với Takehiro Tomiyasu, Maya Yoshida, Kubo Takefusa hay Kaoru Mitoma, những ngôi sao chơi bóng ở trời Âu.
Hệ quả là càng ngày, sức mạnh của Nhật Bản càng thăng tiến. Ở 2 kỳ World Cup gần nhất, người Nhật đều vượt qua vòng bảng. Tất nhiên, để làm được điều đó, họ phải duy trì việc ra nước ngoài thi đấu trong nhiều năm, trải qua nhiều thế hệ.
Việt Nam đang chập chững đi trên con đường đó. Giai đoạn đầu có thể còn bỡ ngỡ, tuy nhiên phải có người tiên phong và duy trì điều đó ổn định xuyên suốt. Phải trải qua thất bại, thậm chí vô số thất bại thì mới mong thành công. Việc xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài có thể mất tới vài thế hệ để gặt hái trái ngọt. Nhưng nếu Hàn Quốc có Son Heung-min, Nhật Bản có Hidetoshi Nakata hay gần với chúng ta hơn, Thái Lan có Chanathip Songkrasin, thì rồi một ngày nào đó, Việt Nam cũng sẽ có một ngôi sao tỏa sáng ở nước ngoài.
Danh thủ từng chơi cho Man Utd, từng có lời khuyên cho bóng đá Việt Nam rằng: “Để bóng đá Việt Nam phát triển hay có thể dự World Cup, các cầu thủ cần tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh ở những CLB lớn”. Đó cũng là con đường duy nhất để bóng đá Việt Nam vươn tầm đẳng cấp ra khỏi Đông Nam Á.
(Bạn đọc: Vương Ngọc)