Hơn một năm trôi qua và MU vẫn duy trì cách chơi đó. Việc sở hữu những cầu thủ nhanh, trực diện giúp “Quỷ đỏ” chiếm thế thượng phong ở những tình huống họ muốn triển khai phương án tấn công tức thì khi vừa giành lại bóng.
Lối chơi của MU càng được cải tiến dưới thời Erik ten Hag. Khả năng pressing hiệu quả, cải thiện khâu phản công và tổ chức phòng ngự tốt hơn cho phép CLB chủ sân Old Trafford có nhiều cơ hội cướp bóng để gây tổn thương cho đối phương.
Cách chơi của MU
So với các mùa trước, MU cướp được nhiều bóng hơn ở 1/3 cuối sân, trung bình 3,48 lần mỗi 90 phút. Thông số này nhỉnh hơn các mùa 2021/22 (3,24), 2020/21 (3,08) và 2019/20 (2,74).
Ngay cả khi giành lại quyền kiểm soát bóng ở phần sân nhà, MU có thể xé toạc hàng phòng ngự đối thủ như “cắt một miếng bơ” bằng những pha phản công nhanh, dứt khoát và rất chính xác.
Số pha tấn công trực diện, được định nghĩa là lần lên bóng từ phần sân nhà, sau đó dẫn đến một cú sút hoặc chạm bóng trong vùng cấm đối phương trong vòng 15 giây, mà MU thực hiện trung bình mỗi 90 phút mùa này (3,57) cao hơn so với 4 mùa gần nhất. Họ đứng đầu Premier League với 82 pha tấn công trực diện.
Không ngạc nhiên khi đội bóng của Ten Hag ghi được nhiều bàn nhất từ những pha phản công nhanh ở Premier League từ đầu mùa (6).
Casemiro là chất xúc tác giúp MU giành được nhiều bóng hơn ở khu vực vòng tròn trung tâm, qua đó tạo ra nhiều tình huống chuyển trạng thái hơn. Cộng thêm khả năng đọc trận đấu của Bruno Fernandes và phong độ cao của Marcus Rashford, đối thủ thường đối mặt với nguy cơ cao bị MU chọc thủng lưới mỗi khi mất bóng ở thời điểm đang ép sân.
Bậc thầy chuyển trạng thái
Cách chơi của MU thể hiện rõ khi thắng các đội bóng mạnh mùa này. Tháng 10 năm ngoái, MU đánh bại Tottenham với hai bàn đều đến sau tình huống đoạt lại bóng. Bàn thứ hai của MU vào lưới Liverpool và Arsenal tại Old Trafford hay pha kết liễu Man City cũng diễn ra theo cách tương tự.
Chính những pha chuyển trạng thái giúp MU suýt hạ gục Barcelona tại Camp Nou trước khi Raphinha gỡ hòa. Trong hiệp một, chỉ nhờ có sự xuất sắc của Marc-Andre ter Stegen mới giúp Barca tránh thủng lưới 2 bàn. Cả hai cơ hội đều đến theo cách mà MU thuần thục nhất.
Cú đánh đầu khai thông thế bế tắc của Marcos Alonso từ pha phạt góc không làm MU nao núng. Họ vẫn kiên trì với lối chơi vạch ra và thường xuyên đẩy hàng thủ Barca vào thế chống đỡ vất vả.
Bàn thắng thứ hai của MU cũng khởi nguồn từ một pha chuyển trạng thái tấn công. Sau khi MU mất quyền kiểm soát từ một tình huống đá phạt góc khác, Fred cướp lại bóng nhờ hành động gây sức ép lên Frenkie de Jong. Quả bóng rơi đến vị trí Fernandes chờ sẵn.
Nếu Rashford chính xác hơn, đội khách đã có bàn thứ 3. Khi ấy, mọi thứ có lẽ chấm dứt và Barca khó có cơ hội kết thúc trận với tỷ số hòa 2-2.
Không phải MU không có điểm yếu. Họ cần cải thiện khả năng chống phạt góc và chỉn chu hơn với các đường chuyền trong lúc kiểm soát bóng. Nhiều thời điểm “Quỷ đỏ” chuyền sai địa chỉ và đánh mất lợi thế. Bàn thua thứ 2 trước CLB xứ Catalonia là một minh chứng.
Dù vậy, MU rõ ràng rất nguy hiểm ở thời điểm đối phương đang cố gắng tấn công. Nhiều đội mải mê dâng cao đội hình nên thiếu quân số và không trở tay kịp khi MU thực hiện một pha chuyển đổi trạng thái.
Tất nhiên, “Quỷ đỏ” vẫn có nhiều mảng miếng tấn công khác để mở khóa những hàng phòng ngự chặt chẽ. Nhưng trước các đối thủ mạnh, cách MU đang thể hiện vẫn cho thấy sự hiệu quả.