- Bóng Đá

 Neuza Ines Back là một trong 6 trọng tài nữ tham gia World Cup 2022. Ảnh: @neuzaback.

Lần gần nhất Neuza Ines Back đến Qatar làm việc, cô là thành viên của tổ trọng tài điều khiển trận chung kết FIFA Club World Cup 2020, khi nhà vô địch châu Âu Bayern Munich đánh bại Mexico Tigres với tỷ số 1-0.

Tại lễ trao giải sau trận đấu, Sheikh Joaan bin Hamad Al Thani, thành viên Hoàng gia Qatar, đã vui vẻ bắt tay các cầu thủ nam và quan chức khi họ đi ngang qua ông để nhận huy chương.

Nhưng khi Back và Edina Alves Batista, một trọng tài khác trong trận đấu, đến gần, Al Thani dường như đã bỏ qua hai người phụ nữ.

Đoạn phim về vụ việc nhanh chóng lan truyền. Các nhà tổ chức khẳng định đây là “hiểu lầm nhỏ” liên quan đến các quy định phòng chống Covid-19. Nhưng những người chỉ trích coi đó là bằng chứng cho thấy quốc gia vùng Vịnh với luật pháp nghiêm ngặt của mình không phù hợp để tổ chức các sự kiện thể thao toàn cầu, theo DW. Luật Hồi giáo cấm đàn ông chạm vào cơ thể phụ nữ không phải là thành viên trong gia đình.

Giờ đây, Back, đến từ miền Tây Brazil, trở lại Qatar với tư cách là một trong 6 phụ nữ thuộc đội điều hành gồm 129 thành viên tại World Cup 2022. Cô cùng Kathryn Nesbitt (Mỹ) và Karen Diaz Medina (Mexico) đảm nhận vai trò trợ lý trọng tài. Còn Stephanie Frappart (Pháp), Yoshimi Yamashita (Nhật Bản) và Salima Mukansanga (Rwanda) là những nữ trọng tài chính đầu tiên tại giải đấu.

 - Bóng Đá

 Neuza Ines Back từng tham gia các giải đấu lớn như World Cup nữ 2019. Ảnh: @neuzaback.

Con dao hai lưỡi

Mặc dù tỷ lệ trọng tài nữ so với trọng tài nam tại World Cup 2022 vẫn còn rất thấp, các nhà phân tích cho rằng sự góp mặt của 6 nữ trọng tài rất có ý nghĩa.

Erin Blankenship, người đồng sáng lập của Equal Playing Field, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy sự đại diện của phụ nữ trong thể thao, cho biết: “Điều này xảy ra ở Qatar là một tuyên bố mạnh mẽ. Tôi không mong đợi World Cup có sự phân chia giới tính 50/50, nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc giới tính của bạn không còn quan trọng nữa: Nếu bạn làm tốt công việc của mình, bạn có quyền tham gia vào lĩnh vực đó. Đối với tôi, đó mới là mục tiêu”.

Tuy vậy, không phải ai cũng coi sự bổ sung trọng tài nữ tại World Cup là thay đổi tích cực.

Một số người hâm mộ bóng đá, đặc biệt là nam giới, đã chế giễu các trọng tài vì “dám tiếp quản không gian của đàn ông”.

Trong số 6 trọng tài nữ tại World Cup 2022, Stephanie Frappart là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Người phụ nữ 37 tuổi này là một trong những trọng tài hàng đầu của Pháp và trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành trận chung kết Siêu cúp UEFA nam (Liverpool – Chelsea) vào năm 2019, cũng như một trận đấu tại UEFA Champions League của nam (Juventus – Dynamo Kyiv) vào năm 2020.

 - Bóng Đá

 Stephanie Frappart là một trong những trọng tài hàng đầu của Pháp. Ảnh: Reuters.

Frappart, với dáng đi nhanh nhẹn và khuôn mặt nghiêm nghị, cũng có tên trong danh sách trọng tài quốc tế của FIFA trong hơn một thập kỷ qua và điều hành các trận đấu đỉnh cao như trận chung kết World Cup nữ 2019 giữa đội tuyển Mỹ và Hà Lan.

Nhưng thành công của Frappart là con dao hai lưỡi. Thành tích càng cao, sự chỉ trích càng lớn.

Ngày trước World Cup 2022, cựu tuyển thủ Pháp Jerome Rothen thậm chí còn dành hẳn một chương trình radio để hạ thấp uy tín của Frappart. Rothen nói rằng nữ trọng tài “không đủ trình độ” để tới giải đấu lớn nhất hành tinh.

“Mọi người nói như vậy vì họ nghĩ rằng phụ nữ sẽ không bao giờ đủ giỏi cho những giải đấu hay nhất, thường là những trận đấu của nam giới. Nhưng những phụ nữ đã tiến xa đến mức này thường là những người sẵn sàng dẹp bỏ định kiến và vượt qua các ngọn núi vô hình”, Blankenship nhận định.

Chiến thắng nỗi sợ hãi

Trong khi Frappart tiếp tục đấu tranh với những đồng hương ghét bỏ mình, đồng nghiệp của cô, Salima Mukansanga, cũng phải đối mặt với những thách thức khác ở Rwanda.

Khi còn nhỏ, Mukansanga xem các trọng tài, người điều khiển trận đấu, là những nhân vật quan trọng nhất trong bóng đá. Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học năm 15 tuổi, cô bắt đầu theo đuổi ước mơ trở thành người cầm còi, dần dần tiến lên từ các giải đấu địa phương đến những sân chơi quan trọng nhất trên thế giới.

Đầu năm nay, Mukansanga (33 tuổi) gây chú ý khi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm trọng tài hai trận tại Africa Cup of Nations (giải vô địch châu Phi) ở Cameroon.

 - Bóng Đá

 Salima Mukansanga là trọng tài nữ đầu tiên bắt chính hai trận tại Africa Cup of Nations. Ảnh: Reuters.

Trước khi trận đấu bắt đầu, Mukansanga đã rất lo lắng. Sự ủng hộ của những cổ động viên Rwanda nhiệt thành đã khiến cô rất áp lực.

Nhưng Mukansanga đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Những bước chạy nước rút theo các cầu thủ và đôi mắt sắc lạnh theo dõi từng đường bóng của nữ trọng tài khiến khán giả ấn tượng.

Khi một tiền đạo người Guinea huých vào cánh tay Mukansanga để đề nghị cô xem xét lại thẻ vàng dành cho đồng đội của mình, trọng tài 33 tuổi nói: “Bạn có muốn nhận lấy một thẻ không?”. Tiền đạo nhanh chóng rời đi.

Eva Lotta Lockner, trọng tài nghiệp dư ở thành phố Hamburg của Đức, cho rằng 6 trọng tài nữ tại World Cup năm nay là sự xác nhận rằng trình độ chuyên môn được ưu tiên hơn tất cả.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi thực sự có cơ hội được chọn tham gia các giải đấu lớn dành cho nam nếu nỗ lực và thể hiện tham vọng”.

Blankenship nói thêm mặc dù động thái của FIFA là đáng khen ngợi, những gì xảy ra sau World Cup Qatar cũng quan trọng không kém. “Tôi rất vui khi điều này đang xảy ra. Nhưng chúng ta hãy chịu trách nhiệm về các rào cản thể chế đối với phụ nữ và tìm cách loại bỏ nó”.

Đối với Neuza Ines Back, trọng tài người Brazil, những tranh cãi và định kiến gần như đã trở thành một phần của công việc. Cô kể mình từng bị một cổ động viên nhảy vào sân và túm lấy cổ áo hay đọc những bình luận quấy rối trên mạng xã hội.

“Trong những tình huống như vậy, tôi sẽ đưa ra câu trả lời ngay trên sân đấu, nơi tôi phải làm tốt vai trò của mình và chứng tỏ bản thân có đủ năng lực”, Back nói.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link