Đã 12 năm kể từ khi Herve Renard, khi đó còn dẫn dắt ĐTQG Zambia, khoác lên mình chiếc áo này trong trận mở màn giải vô địch Châu Phi (CAN) năm ấy.
Thực ra ông đã chuyển ngay sang màu áo xanh lam trong trận đấu thứ hai gặp Cameroon, nhưng trận đó thì họ đã thua. Thế là Renard trở lại với màu trắng.
Chiếc áo “phép thuật”
Điều quan trọng là ông đã gắn bó với nó đến tận ngày nay. Và với chiếc chiến bào này, ông đã vô địch CAN cùng Zambia năm 2012, cùng Bờ Biển Ngà năm 2015 cũng như dẫn dắt ĐTQG Ma-rốc và giờ là Saudi Arabia lọt vào VCK World Cup.
Điều tương tự xảy ra hồi đầu tuần, nhưng theo cách kinh thiên động địa. Ở trận mở màn của bảng C – World Cup 2022, Những chú đại bàng (biệt danh của Saudi Arabia) đã tung cánh và chọc thủng bầu trời xanh (La Albiceleste – biệt danh của Argentina).
Chả trách sao mà khi trò chuyện cùng tờ The Athletic trước giải, Renard một mực tin tưởng chiếc áo này sẽ tiếp tục mang lại may mắn cho ông.
“Tôi đang mặc chiếc áo sơ mi trắng vì đây là chiếc áo chiến thắng. Phải, như rất nhiều người trong thế giới bóng đá này, tôi hơi mê tín một chút. Thế nên dù ai nói ngả nói nghiêng về chuyện áo sống, tôi cũng không thay đổi. Tôi sẽ mặc chiếc áo này cho đến hết sự nghiệp dù cho không thắng thêm một trận nào nữa. Song tất nhiên rồi, tôi muốn giành thêm một điều đặc biệt nào đó”, Renard bộc bạch.
Với chiếc áo sơ mi ấy, Renard tạo ấn tượng về một HLV có ý thức về hình ảnh hơn một số đồng nghiệp khác, như Jurgen Klopp chẳng hạn – người không đặt nặng về ngoại hình và thường hài lòng với chiếc mũ lưỡi trai và bộ đồ thể dục. Nhưng điều đáng nói là Renard không hề muốn chưng diện. Ngoài lý do mê tín như đã nói, ông còn khẳng định: “Mặc như thế này tôi mới lại thấy thoải mải nhất”.
Thực ra thì ông đã thấy thoải mái với hầu hết chặng đường sự nghiệp của mình. Nhiều người phải chật vật khi đối mặt áp lực khổng lồ của một HLV ĐTQG, để rồi cuối cùng trở về với cấp CLB. Nhưng với Renard, 6/9 lần cầm quân của ông đều là dẫn dắt các đội tuyển (trong đó có hai giai đoạn cầm ĐT Zambia).
Chúng ta sẽ đến với những công việc đó – đặc biệt là lần dẫn dắt Saudi Arabia này, hay hành trình vô địch CAN đầy vinh quang và cảm xúc cùng Zambia – ở phần sau của bài viết. Nhưng trước đó, hãy cùng lội về quá khứ xa hơn để tìm hiểu về những động lực khởi đầu.
Từng dọn vệ sinh để mưu sinh
Như nhiều HLV thành công khác, Renard tự chê cười tài năng của mình ngày còn tự lăn lộn quần đùi áo số. Ông từng chơi 7 năm cho Cannes, thậm chí sát cánh với một Zinedine Zidane trẻ tuổi (“nhưng đã là một cầu thủ xuất chúng” – lời Renard) song lại tạo ra rất ít tiếng vang ở cấp độ hàng đầu. Thế là Renard phải chấp nhận chuyển xuống giải hạng 3 để chơi bóng theo kiểu bán thời gian.
Để trang trải cuộc sống, ông thậm chí từng điều hành một công ty chuyên về dịch vụ vệ sinh tại Cannes. “Dọn dẹp nhà cửa của mọi người; căn hộ cho thuê, giặt thảm, lau cửa sổ, đổ rác… Đó là những dịch vụ chúng tôi cung cấp.
Tôi thì dậy từ 2h30 sáng để dọn dẹp, làm việc đến trưa, ngủ một chút rồi bắt đầu ra sân tập luyện vào buổi chiều. Tôi về nhà, đi ngủ lúc 11 giờ trước khi lại dậy vào 2h30 sáng. Đó là một công việc và một thời gian biểu khó khăn, nhưng cũng là như nhiều người lao động khác”, Renard kể.
Thế nhưng, trong khi vẫn làm việc toàn thời gian và đá bóng part-time, ở đâu đó trong lịch trình này, Renard vẫn cố gắng học để có thể trở thành HLV. Và một cơ hội may mắn đã đến: Claude Le Roy, một chiến lược gia người Pháp từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, đang tìm kiếm một trợ lý đồng hành ở CLB Shanghai Cosco. Một người bạn chung giữa họ, đã đề xuất Renard cho ông. Vậy là hai người họ gặp gỡ, cảm thấy hợp cạ và bất ngờ cùng nhau sang Trung Quốc.
Sau đó thì họ đến Cambridge United, trong thời điểm rất ít HLV nước ngoài làm việc ở nước Anh, ngay cả ở các ông lớn của Premier League.
“Khi ấy, đội còn 8 trận nữa trước khi mùa giải kết thúc nhưng lại đang ngụp lặn ở khu cầm đèn đỏ. Nhưng HLV trưởng lại có việc về Pháp, nên chính tôi đã điều hành các buổi tập”, Renard kể tiếp.
“Tôi nhớ trận đầu tiên trên sân nhà trước Cheltenham Town. Sân vận động rất nhỏ, nhưng bầu không khí ở đó thật tuyệt vời, đặc biệt là các CĐV ngồi ngay sau cabin của chúng tôi. Để rồi chúng tôi đã dẫn trước chỉ sau 10 phút! Một khởi đầu tuyệt hảo. Mùa giải đó, đôi khi HLV trưởng có mặt, đôi khi không, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt để cán đích an toàn ở vị trí thứ 13”.
Cuộc gọi từ Sir Alex
Cuối mùa giải ấy, Le Roy rời đi vì không thể thu xếp công việc cá nhân và rồi Renard chính thức tiếp quản. “Tôi cho John Ruddy trấn giữ khung thành khi cậu ấy mới 17 tuổi, để rồi ngay sau đó, Sir Alex Ferguson gọi cho tôi để hỏi về John. Tôi đã rất tự hào, vì một HLV nhỏ chỉ ở League Two mà lại được Sir Alex gọi điện để hỏi về công việc” – Renard tiết lộ.
Dẫu vậy, ngày vui qua mau. Với tình trạng hỗn loạn về tài chính, Renard và các học trò bước vào một cuộc chiến cầm chắc phần thua, để rồi ông bị sa thải vào tháng 12 khi Cambridge đứng bét bảng.
Nhưng Renard không thất vọng: “Đó là một trải nghiệm rất tốt cho tôi. Bầu không khí của bóng đá Anh thật tuyệt vời. Tôi vẫn nhớ nhiều đứa trẻ đã khoác áo Cambridge United đến trường. Đó là điều rất khó xảy ra với một CLB hạng tư ở Pháp. Ở Anh, mọi người đều yêu CLB của mình. Cho dù đội xuống dốc, cho dù họ có bị dẫn trước 0-3 nhưng khán giả vẫn sẽ hát vì đội bóng”.
Và kể từ đó, Renard khởi đi hành trình của một “HLV du mục”, làm việc ở bất cứ nơi nào mà ông có thể tìm được. Từ đội CLB Nam Định ở V.League của Việt Nam, cho đến quay về quê nhà cầm quân ở Cherbourg. Từ ĐTQG Zambia đến ĐT Angola rồi quay lại cấp CLB dẫn dắt USM Alger ở Algeria.
Tất cả, đều là những hành trang quan trọng trước khi ông trở lại ĐT Zambia và giúp họ vô địch châu Phi.
Chuyên gia dẫn dắt các đội bóng giàu cảm xúc
Đó là một vinh quang đặc biệt diễn ra 19 năm sau thảm họa hàng không Libreville, khiến 18 cầu thủ Zambia tử nạn trên đường sang Senegal đá vòng loại World Cup.
Và ông nói: “Dù không được nhiều người biết đến, Zambia là một đất nước tuyệt vời, yên bình và tôi may mắn được làm việc ở đó. Tinh thần của họ là một điều hiếm thấy”.
“Ở nhiệm kỳ đầu, tôi từng cùng đội vào tứ kết CAN 2010 và thua trong loạt luân lưu trước Nigeria. Vì vậy khi trở lại, tôi đã nói mục tiêu phải là bán kết của CAN 2012. Tôi khẳng định như thế, dù mọi người nói thằng cha này điên mất rồi”.
“Có thể nhiều người không biết, rằng đội Zambia hay nhất trong lịch sử đã qua đời trong vụ tai nạn ấy vào năm 1993. Chủ tịch LĐBĐ Zambia bây giờ – ông Kalusha Bwalya là một cựu cầu thủ của thế hệ ấy. Ông may mắn sống sót khi không lên máy bay vì khi đó đang thi đấu cho PSV Eindhoven. Hãy tưởng tượng: bạn đang ở nhà, bật TV và nhận tin đồng đội của mình vừa tử nạn.
“Chúng tôi muốn thi đấu thành công để tôn vinh các tiền bối Zambia đã mất, chiến đấu cho chính Chủ tịch và tất cả người dân Zambia. Một ngày trước trận chung kết, đội chúng tôi đã đến bãi biển nơi máy bay rơi để tưởng nhớ”.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có nguy cơ các cầu thủ sẽ bị đè nặng bởi cảm xúc không? “Chúng tôi thậm chí còn không nói về điều đó. Chiến đấu cho ký ức của mọi người không phải một nghĩa vụ, mà là điều chúng tôi muốn làm. Về mặt tình cảm, đó là một điều gì đó rất quan trọng đối với chúng tôi”.
“Tinh thần của các cầu thủ đó là điều mà tôi không nghĩ sẽ tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi nhớ sau này khi mình trở lại Zambia, người dân bảo: ‘Ông đã đưa đất nước chúng tôi lên bản đồ thế giới’. Họ quả thật rất tự hào về đội tuyển năm ấy. Chỉ có thể dùng từ đặc biệt để miêu tả đội ngũ đó mà thôi”.
Nhưng Renard không chỉ vô địch CAN một lần. Ông còn lên ngôi cùng Bờ Biển Ngà chỉ 3 năm sau đó. Và sau đó, dẫn dắt Morocco rồi Saudi Arabia vượt qua vòng loại World Cup.
Chỉ có sự đồng lòng tồn tại
Ở World Cup 2018, Morocco của Renard gây tiếc nuối khi chơi tốt nhưng để thủng lưới ở phút bù giờ trước Iran; trước khi thua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều với tỷ số tối thiểu.
“Morocco nhận bàn thua trước Iran từ một tình huống phản công ở phút cuối cùng. Tất nhiên chúng tôi đã làm tốt nhưng vẫn chưa đủ hiệu quả, chưa đủ trình độ để vượt qua vòng bảng. Đó là bóng đá, và là trải nghiệm quý giá ở World Cup”, Renard nhận xét. Đầy đủ hơn, đó còn là trải nghiệm đầu tiên của ông ở đấu trường tối thượng này.
Để rồi khi trở lại, Renard đã có sẵn lời giải khi đội bóng giờ đây của ông – Saudi Arabia cũng đối mặt vấn đề tương tự: Cần áp dụng kỷ luật chiến thuật, cải thiện tính hiệu quả và tinh thần đồng đội bền chặt hơn cho một đội tuyển vốn thi đấu tự do và khá thiếu gắn kết.
Đối đầu Argentina, Những chú đại bàng đã thi đấu hiệu quả, với các bàn thắng trong hiệp hai của Salah Al-Shehri và Salem Al-Dawsari. Hai bàn thắng, dù chỉ sút 3 lần cả trận. Họ cũng đã rất dũng cảm và kỷ luật khi tổ chức hàng phòng ngự dâng cao trước Lionel Messi và các đồng đội thay vì lùi sâu về tận gôn nhà.
Song, họ cũng chỉ làm được những điều đó sau một cơn giận lôi đình để nhắc nhở các cầu thủ về sự tự tin và tận hiến của Renard trong giờ nghỉ.
Và tất nhiên, cả sự đồng lòng nữa: “Các cầu thủ Saudi Arabia có rất nhiều kỹ năng. Đôi khi họ muốn làm điều kỳ diệu nhưng điều chúng tôi cần là chơi như một đội. Đó là điều quan trọng nhất. Ở mọi đội bóng mình dẫn dắt, tôi luôn cố gắng tạo ra sự đoàn kết ở mức thật cao.
Tôi luôn lặp đi lặp lại việc các cầu thủ đừng chơi cho chính mình. Đôi khi, không nhất thiết phải chơi thứ bóng đá tuyệt vời nhất. Chỉ có sự đồng lòng và chiến thắng”, ông khẳng định.