Trước Myanmar trên sân nhà, cặp wing-back số một của ĐT Việt Nam lúc này là Văn Hậu và Tấn Tài trở lại đội hình xuất phát. HLV Park cũng sử dụng Tuấn Hải bắt cặp cùng Tiến Linh trên hàng công bên cạnh sự xuất hiện của Văn Quyết, Hùng Dũng, Quang Hải ở tuyến tiền vệ trong sơ đồ 3-5-2.
Những cầu thủ tấn công tốt nhất
7 phút là quãng thời gian những cá nhân tấn công hay nhất của ĐT Việt Nam cần tạo nên bàn thắng. Tình huống phản lưới nhà của cầu thủ Myanmar đến trong một tình huống triển khai bóng nhịp nhàng của đội chủ nhà, trong chuỗi chuyền bóng kéo dài 15 đường chuyền liên tiếp.
Ở tình huống đó, chỉ 3 cầu thủ không chạm bóng là thủ môn Văn Lâm, trung vệ Việt Anh và tiền đạo Tuấn Hải – người trực tiếp gây áp lực trong vùng cấm địa khiến hậu vệ đối phương mắc sai lầm.
Tình huống dẫn đến bàn thắng mở tỉ số, ĐT Việt Nam bình tĩnh kiểm soát bóng trên phần sân đối phương.
Sự góp mặt của Văn Hậu và Tấn Tài giúp hai hành lang cánh của đội chủ nhà trở nên cơ động hơn. Không chỉ là các nhóm phối hợp ở biên có bóng, các học trò của HLV Park Hang-seo luôn tìm ra các giải pháp chuyển hướng tấn công, chiếm lĩnh khoảng trống ở biên đối diện một cách nhịp nhàng.
Đó có thể xem là hình ảnh khác biệt của ĐT Việt Nam so với những gì chính chúng ta đã thể hiện trước Singapore ở trận đấu gần nhất. Trong cuộc chạm trán với Myanmar, người chơi wing-back cánh phải Hồ Tấn Tài có số lần dứt điểm nhiều thứ 2 trong số các cầu thủ Việt Nam. Trong khi đó, ở cánh đối diện, dù không thi đấu đủ 90 phút, số cơ hội mà Văn Hậu tạo ra cũng chỉ thua kém Văn Quyết và Hoàng Đức.
Sức nặng trong khâu tấn công mà cặp đôi Văn Hậu và Tấn Tài tạo ra là nền tảng cho khả năng tiếp cận khu vực 16m50 đối phương của ĐT Việt Nam.
Đội bóng của HLV Park Hang-seo tỏ ra nguy hiểm hơn ở mỗi đợt lên bóng khi kéo giãn được hệ thống phòng ngự của đối phương ra hai hành lang cánh, đồng thời tạo khoảng trống cho những tiền vệ tấn công và tiền đạo ở khu vực chính diện khung thành.
Vấn đề ở 1/3 sân nhà
Hình ảnh tấn công thuyết phục trên phần sân đối phương của ĐT Việt Nam trước Myanmar có thể xem là hoàn toàn trái ngược so với những gì chúng ta thể hiện khi có bóng ở phần sân nhà trước chính đối thủ này.
Ở đó, tập thể giàu năng lượng và sẵn sàng gây áp lực từ 1/3 giữa sân được dẫn dắt bởi ông Antoine Hey đã khiến đội bóng của HLV Park Hang-seo bộc lộ ra những điểm chưa hoàn thiện.
Thủ môn Đặng Văn Lâm không cho thấy mình là một người có thể xử lý bóng trước áp lực đủ tốt. Trong khi đó, ở bối cảnh Văn Hậu và Tấn Tài thường xuyên dâng cao, khả năng kiểm soát bóng trước áp lực của các trung vệ và tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam cũng không thực sự ấn tượng.
Đội bóng của HLV Park Hang-seo cho thấy hình ảnh của một đội bóng sẵn sàng tạo ra sự áp đặt một khi đưa bóng qua vạch giữa sân, nhưng lại lúng túng trong nhiệm vụ duy trì quyền kiểm soát bóng ở phần sân nhà. Có thể khẳng định, đây là hình ảnh không mới của ĐT Việt Nam.
Trước Malaysia trong trận đấu gần nhất tại Mỹ Đình, ngay cả khi đối không gây áp lực quá lớn, Văn Lâm vẫn thường xuyên lựa chọn các tình huống phất bóng dài lên phía trước khi mà các trung vệ có khoảng trống để xử lý các đường chuyền ngắn. Đó dường như là một quyết định có yêu cầu từ ban huấn luyện nhiều hơn là lựa chọn mang tính cá nhân của thủ thành này.
Hình ảnh minh hoạ rõ nhất cho việc ĐT Việt Nam thiếu phương án triển khai bóng từ tuyến dưới có thể thấy được trong cuộc đối đầu với Singapore. Ở một tình huống Văn Lâm muốn triển khai bóng ngắn, thì cách chọn vị trí của 3 trung vệ lại không hợp lý.
Kể từ khi luật bóng đá được sửa đổi cho các tình huống bóng chết từ thủ môn ở khu vực 5m50 cho phép các cầu thủ của đội có bóng được có mặt trong vòng cấm địa, các đội bóng muốn triển khai từ sân nhà đều cố gắng tận dụng tối đa lợi thế này để khiến khoảng cách của các đường chuyền ngắn gần hơn.
Song, khi Văn Lâm có bóng, cả 3 trung vệ của ĐT Việt Nam lại mở rộng ra ngoài khu vực 16m50, điều dẫn đến hệ quả giúp đối phương có thời gian để tăng tốc, gây áp lực và khiến Quế Ngọc Hải buộc phải phá bóng về phía trước.
Triết lý bóng đá mà HLV Park Hang-seo áp dụng cho các ĐTQG Việt Nam trong 4 năm qua luôn hạn chế những tình huống triển khai bóng ngắn từ phần sân nhà như thế. Những gì đã diễn ra trước Singapore và Myanmar không hẳn là những gì sẽ diễn ra trước Indonesia trong hai trận bán kết.
Song, sự hạn chế này hẳn sẽ là một điểm yếu đáng lưu ý của ĐT Việt Nam, trước một tập thể đầy sức mạnh và tốc độ được dẫn dắt bởi HLV Shin Tae-yong.