Trước đó, Công Phượng đã từng khoác áo Mito Hollyhock (J-League 2), Incheon United (K-League 1) và Sint-Truidense (giải vô địch quốc gia Bỉ). Ở những chuyến đi ấy, đều theo dạng cho mượn, ngắn hạn và cả dài hạn. Tuy nhiên, có một kết cục chung rất đáng buồn: Công Phượng đều thất bại. Anh chật vật tìm chỗ đứng, không thể cạnh tranh vị trí chính thức và rốt cuộc phải khăn gói về nước.
Nguyên do thất bại thì có nhiều, từ chuyện khác biệt lớn về văn hóa và ngôn ngữ khi đến môi trường mới, cho đến việc vẫn tồn tại khoảng cách nhất định giữa anh với những ngoại binh đến từ khắp các châu lục hay kể cả các cầu thủ bản xứ. Vả lại, ở 3 đội bóng ngoại quốc trước đó, vì thuộc diện cho mượn, nên vị thế của Công Phượng cũng rất bấp bênh.
Nhưng Yokohama FC lại khác, họ ký hợp đồng chuyển nhượng để sở hữu hoàn toàn cầu thủ gốc Nghệ An. Rõ ràng, người Nhật Bản rất khôn ngoan và chuyên nghiệp, nên có thể xem đây là bản hợp đồng nghiêm túc. Bản thân Công Phượng dù không thành công ở 3 lần xuất ngoại trước đó, song ít nhiều anh đã ghi dấu ấn ở cấp độ đội tuyển quốc gia và bao năm qua vẫn là quân bài quan trọng trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Đó là cơ sở để đội bóng vừa thăng hạng J-League 1 đặt niềm tin.
Từng có thời điểm, Công Phượng được xem là “cầu thủ quốc dân”, với số lượng người hâm mộ đông đảo. Họ yêu mến anh tột bậc và kỳ vọng lớn lao về việc Công Phượng thoát khỏi “ao làng” để bơi ra “biển lớn”, tự lực cánh sinh và khẳng định giá trị bản thân. Họ kỳ vọng cũng đúng thôi, bởi dù còn nhiều mặt hạn chế, thì Công Phượng vẫn là cầu thủ có những phẩm chất đặc biệt, với kỹ thuật cá nhân tốt cùng khả năng tạo đột biến.
Nhưng cuộc đời không như là mơ, và thực tế đôi khi rất phũ phàng. Ngay cả môi trường J-League 2, trong màu áo Mito Hollyhock trước đây, Công Phượng còn không để lại được dấu ấn nào. Anh cũng từng cô đơn và lạc lõng khi đương đầu với thử thách quá sức tại những môi trường bóng đá tiên tiến như Bỉ.
Dù vậy, cũng cần phải lưu ý, trong những lần xuất ngoại trước, Công Phượng còn rất trẻ, chưa có quá nhiều kinh nghiệm để chống chọi lại va đập khắc nghiệt của thế thời. Bây giờ, chàng trai ấy đã 27 tuổi, đang vào độ chín và sung sức nhất của đời cầu thủ. Anh mang theo bên mình vốn liếng hơn 200 trận chơi cho câu lạc bộ và các cấp độ đội tuyển quốc gia.
Từ khi Kiatisuk Senamuang trở lại nắm quyền Hoàng Anh Gia Lai, ông đã uốn nắn và căn chỉnh Công Phượng tiến bộ thấy rõ qua phong cách chơi, dần hạn chế những tình huống rê dắt vô lối và thừa thãi, thay vào đó là lối đá đơn giản và trực diện hơn.
Chuyến xuất ngoại lần này của Công Phượng không quá ồn ào như 3 lần trước đó, nhưng biết đâu chừng, đó lại là điều hay và phần nào giảm tải áp lực dành cho cầu thủ xứ Nghệ. Với Công Phượng, bây giờ, hoặc không bao giờ!
Điều cần làm ngay lúc này là Công Phượng phải tiếp tục học hỏi, nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng khát vọng chinh phục mọi thử thách và biết chắt chiu từng cơ hội khi được trao.
Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tất cả đều mong chờ cầu thủ xứ Nghệ sẽ trụ lại J-League 1 thành công, qua đó mở đường cho những lần xuất ngoại tiếp theo của các cầu thủ nội.
(Bạn đọc: Khải My)