Khác với Nhật Bản hay Hàn Quốc, bóng đá Saudi Arabia không có nhiều những cái tên đang thi đấu ở môi trường châu Âu. Khi ĐTQG Việt Nam đối đầu Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2022, toàn bộ trụ cột của họ đều đang thi đấu trong nước.
Theo dữ liệu của trang thống kê Soccerway, chỉ có 15 cầu thủ Saudi Arabia đang thi đấu ở nước ngoài. Phần lớn trong số đó là cầu thủ trẻ và kém danh tiếng được gửi đi “du học” ở các nền bóng đá như Croatia, Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở giải U23 châu Á tại Uzebkistan, câu chuyện cũng tương tự. Những cái tên sáng nhất của nền bóng đá trẻ nước này hiện chơi ở SPL (Saudi Professional League – giải VĐQG Saudi Arabia). Cầu thủ Saudi Arabia có tố chất không thua kém các đồng nghiệp từ những nền bóng đá hàng đầu châu Á khác. Có nhiều lý do khiến cầu thủ Saudi Arabia ngại ra nước ngoài thi đấu.
Sức mạnh của giải trong nước
Chất lượng chuyên môn không phải lý do lớn nhất cho việc cầu thủ Saudi Arabia ít ra nước ngoài thi đấu. “Nhiều cầu thủ Saudi Arabia đủ trình độ thi đấu ở các quốc gia châu Âu”, nhà báo của Guardian, John Duerden, phân tích với Zing. “Kỹ thuật cá nhân của những cầu thủ đó không hề thua kém các đồng nghiệp khác ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản”.
HLV trưởng ĐTQG, Herve Renard đánh giá: “Bóng đá Saudi Arabia có tiềm năng lớn. Các cầu thủ ở đây có kỹ thuật cá nhân tốt. Giải vô địch quốc gia SPL cũng chất lượng và bạn có thể thấy các CLB tiến xa thế nào ở AFC Champions League”, HLV Renard nói.
Những thành công của Al Hilal tại đấu trường châu lục vài năm qua là minh chứng cho nhận xét của HLV Renard. Gã khổng lồ của bóng đá Saudi Arabia nằm trong số những đội bóng giàu thành tích nhất châu Á. Họ vô địch AFC Champions League hai lần trong 3 mùa giải gần nhất.
Giống như Qatar hay nhiều quốc gia có nguồn tài nguyên giàu có khác tại Trung Đông, Saudi Arabia đổ nhiều tiền nhằm phát triển bóng đá. Với nguồn tài chính của mình, các CLB Saudi Arabia dễ dàng thu hút những cầu thủ và huấn luyện viên chất lượng để nâng cao trình độ.
Môi trường cạnh tranh và thu nhập hậu hĩnh từ giải VĐQG khiến không nhiều cầu thủ Saudi Arabia mặn mà với việc ra nước ngoài chơi bóng. Mức lương trung bình của một cầu thủ đang chơi ở giải SPL rơi vào khoảng 500.000 USD (thống kê từ Salary Sport vào năm 2021).
Để so sánh, các cầu thủ đang chơi cho Freiburg, một đội bóng ở Bundesliga có thu nhập trung bình khoảng 600.000 USD/năm, con số không quá chênh lệch. Thậm chí với những đội nhà nghèo của Bundesliga như Arminia Bielefeld, mức thu nhập trung bình của cầu thủ chỉ ở mức 300.000 USD/năm.
Tất nhiên, tư duy và tâm lý của nhiều cầu thủ Saudi Arabia cũng là rào cản lớn cho việc ra nước ngoài thi đấu. “Nhiều cầu thủ châu Á ngại việc phải thay đổi môi trường sống, ăn đồ ăn không hợp khẩu vị và thích nghi với xứ sở xa lạ, khác biệt về văn hóa”, HLV Steve Darby từng phân tích trên Zing.
Sự khác biệt về văn hóa và lối sống giữa một quốc gia như Saudi Arabia với nhiều nước phương Tây rõ ràng là rào cản lớn. Tuy nhiên, HLV Darby cho rằng nếu một cầu thủ nỗ lực và chịu hy sinh, anh ta hoàn toàn có thể vượt qua mọi thử thách. “Chơi bóng ở các giải hàng đầu châu Âu là cách tốt nhất để nâng trình độ”, cựu HLV trưởng tuyển Thái Lan nói. Ngay cả một quốc gia Hồi giáo như Iran cũng sở hữu vài cái tên nổi bật chơi bóng ở châu Âu.
Mehdi Taremi (Porto) hay Alireza Jahanbakhsh (Feyenoord) vượt qua nhiều khác biệt trong lối sống để tỏa sáng tại Hà Lan hay Bồ Đào Nha. Nhà báo Hamza Al Fhamdi của Goal cho rằng không phải bóng đá nước này chưa từng nghĩ đến ý định để cầu thủ sang nước ngoài thi đấu.
Tháng 1/2018, Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia (SAFF) hợp tác với La Liga đưa 9 cầu thủ sang giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha thi đấu. Trước đó, SAFF cũng vài lần đưa cầu thủ “du học” ở các giải bóng đá khác châu Âu.
Những dự án đưa cầu thủ xuất ngoại kể trên phần lớn thất bại, khi không có nhiều tuyển thủ Saudi Arabia thể hiện và thích nghi được với môi trường bóng đá châu Âu. Salem Al-Dawsari là một cầu thủ như vậy.
“Tôi đã ba lần cố gắng đến chơi ở Tây Ban Nha nhưng không thành”, Al-Dawsari nói vào năm 2018. “Tôi muốn hiện thực hóa ước mơ của mình và tôi nghĩ mình có thể tiếp tục phát triển tại đội một Villarreal”. Chỉ sau hai tháng cập bến Villarreal, cầu thủ sinh năm 1991 phải trở về quê nhà. Anh có lần thứ 4 thất bại khi sang nước ngoài thi đấu.
Thay đổi chiến lược
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo bóng đá Saudi Arabia không thể phủ nhận những bài học bổ ích các cầu thủ nhận được nhờ việc trải nghiệm bóng đá châu Âu. Sau giai đoạn được Villarreal ký hợp đồng theo dạng cho mượn và không để lại nhiều ấn tượng vào năm 2018, Al-Dawsari chơi tiến bộ trong màu áo Al Hilal và ĐTQG Saudi Arabia.
Cựu Chủ tịch SAFF, Quassay Alfawaz, từng khẳng định bóng đá Saudi Arabia cần học theo mô hình bóng đá Anh, để đứng đầu châu Á trước năm 2025. Sau đó, đến năm 2030, họ có thể lọt top 20 thế giới.
Tham vọng ông Alfawaz nói đến nằm trong kế hoạch mang tên “sự trỗi dậy của bóng đá Saudi Arabia”, được SAFF công bố vào tháng 4/2016, hai năm sau khi ĐTQG nước này không vào nổi vòng loại thứ ba World Cup 2014 khu vực châu Á.
Những ý chính trong kế hoạch bao gồm việc tuyển quốc gia vào top 20 thế giới, nước này giành quyền đăng cai World Cup và sở hữu một CLB hàng đầu châu Âu. Đưa cầu thủ sang châu Âu thi đấu cũng là khía cạnh được SAFF quan tâm.
“Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm tốt trong khía cạnh xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài”, ông Alfawaz cho biết. “Các cầu thủ của chúng ta có đủ năng lực để làm điều đó”. Giải VĐQG Saudi Arabia có thể đổi mô hình quản trị và học theo Premier League. Nhiều cầu thủ Saudi Arabia sẽ có thêm nhiều cơ hội chơi bóng ở nước ngoài, sau khi chính quyền nước này mua lại nhiều CLB lớn.
Việc Newcastle United về tay Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) vào tháng 9/2021 không nằm ngoài tham vọng kể trên của SAFF. Rõ ràng, những nhà làm bóng đá của quốc gia Tây Á này thừa hiểu để nền bóng đá vươn tầm, việc những cầu thủ đi xuất ngoại là yếu tố bắt buộc.