Đã từ rất lâu rồi người hâm mộ túc cầu giáo mới được xem trận đấu bóng đá cảm xúc đến vậy. Và sẽ còn phải rất lâu nữa, họ mới được xem trận đấu tương tự. Màn trình diễn rút cạn kiệt cảm xúc của những người yêu trái bóng tròn.
Vẻ đẹp của một trận bóng đá là kịch tính
Bạn yêu bóng đá vì lẽ gì? Bàn thắng, pha bóng, sân cỏ, khán đài, những chàng trai đẹp,…? Rất nhiều lý do để người hâm mộ yêu bóng đá. Nhưng chắc chắn một điều, bạn sẽ yêu trái bóng tròn hơn khi đã xem trận bóng này. Hoặc bạn sẽ bắt đầu yêu trái bóng tròn nếu ghé mắt vào xem trận chung kết giữa Pháp và Argentina.
Bóng đá không chỉ là những bàn thắng, pha bóng, sân cỏ, khán đài, những chàng trai,… Những thứ đó chỉ là phông màn của vở kịch, khung tranh của họa phẩm, khuôn kẻ của bản nhạc. Kịch tính, bất ngờ, những cảm xúc lên xuống, ngang dọc, trái phải, đan chéo, xoắn bện, hoặc kể cả là rối tung rối mù quanh những thứ trên mới thực sự là vẻ đẹp của túc cầu.
Tất cả dồn lại trong một trận cầu. 18/12 sẽ là ngày những người yêu trái bóng tròn nhớ mãi. Trận cầu bất tử đó cứu vãn cả giải đấu với nhiều điều lùm xùm về chủ nhà từ khi họ giành quyền đăng cai cách đây 12 năm, đến tận phút hạ màn, khi khoác cái tấm áo voan mỏng màu đen lên người của Lionel Messi, như cách xâm thực văn hóa, ăn theo vinh quang không giống ai.
Nếu bảo trận cầu này mãn nhãn, điều này không đúng. Một trận chung kết World Cup có đến 3 quả phạt đền không phải trận như thế. Một trận tranh ngôi vương mà một đội “ngủ gật” suốt hiệp một và khá nhiều thời gian trong hiệp hai không phải là trận như thế.
Tuyển Pháp chìm sâu ngay từ quả phát bóng mở màn trận đấu. Có phải virus trong đại bản doanh của họ là yếu tố gây tổn hại đến năng lượng và tinh thần? Nhưng đội hình xuất phát của họ vẫn là tập hợp những gương mặt hay nhất. Sự thật không thể bào chữa.
Nhưng nếu ai bảo trận cầu này mãn nhãn, điều này vẫn đúng. Bàn thắng thứ hai của Argentina còn đẹp hơn cả trong trò PlayStation. 5 cầu thủ khác nhau, 7 lần chạm bóng và 10 giây, Angel Di Maria dứt điểm qua tay Hugo Lloris. Màn trình diễn đẳng cấp.
Cú ngả người volley của Kylian Mbappe trong bàn gỡ 2-2 cho Pháp là ví dụ điển hình cho thấy sự khác biệt của những cầu thủ siêu hạng với những cầu thủ giỏi. Siêu hạng là chỗ anh ta có khả năng lôi một con thỏ ra khỏi cái mũ. Màn trình diễn ma thuật.
Nếu ai bảo trận cầu này kịch tính, điều đó cũng chẳng sai. Không phải kịch tính, đó là siêu kịch tính. Lionel Scaloni, Didier Deschamps, Messi, Mbappe không ai chịu đọc kịch bản, cứ để nó trôi theo sự ngẫu hứng bất tận.
Vẻ đẹp của sự tinh khiết, liều lĩnh và sai lầm
Bất chấp mọi sự tính toán giùm của giới chuyên môn, Scaloni không cần nghe ai, dùng phương pháp gì đặc biệt để đối phó Mbappe, ngăn cản Olivier Giroud hay phong tỏa Antoine Griezmann. Ông “chơi” trận đấu theo cách của mình.
Scaloni đưa vào sân thứ bóng đá tinh khiết, nguyên sơ nhất, sơ đồ 4-4-2, không cần phải dùng cầu thủ thuận chân trái sang phải. Ông chỉ trả Di Maria về với tự nhiên, giỏi chân trái trái đá cánh trái. Và bạn đã biết cựu sao PSG có sức hủy diệt thế nào.
Tinh khiết ở chỗ không cần toan tính phá lối chơi của đối thủ. Julian Alvarez, 22 tuổi, Enzo Fernandez, 21 tuổi, Alexis Mac Allister, 24 tuổi, hồn nhiên chơi bên cạnh Messi 35 tuổi và Di Maria 34 tuổi. Họ vào sân không phải chỉ để chạy, mà để “chơi bóng”.
Khi Di Maria ghi bàn thắng thứ hai cho Argentina, thế trận của Pháp bị phá hủy, giống như trò chơi kết thúc. Không ai thấy Mbappe ở đâu trên sân. Tưởng như sau giờ nghỉ giữa hiệp, mỗi cầu thủ Pháp nhét sẵn một chiếc điện thoại sau quần, để mang ra chụp hình chung với Messi.
Nhưng lại không phải vậy. Scaloni rút Di Maria ra sân sau đó làm nhiều CĐV Argentina bất an. Lại vẫn bài học cũ không thuộc. Tứ kết World Cup 2006, HLV Jose Pekerman rút cầu thủ hay nhất của họ là Juan Roman Riquelme khỏi sân khi họ dẫn trước chủ nhà Đức 1-0. Đức thoát khỏi áp lực, quật khởi, trở lại trận đấu và giành chiến thắng.
Những sự thay đổi của Deschamps liều lĩnh hơn, hệ quả từ sự tuyệt vọng. Nhưng rất đúng trong tình thế tuyệt vọng. Marcus Thuram và Randal Kolo Muani có sức ủi lớn hơn Giroud và Ousmane Dembele để đẩy lùi các tuyến của Argentina lùi xuống, tiết kiệm sức lực cho Mbappe, đẩy Mbappe gần khung thành đối thủ hơn, nơi anh gây sát thương lớn hơn cho đối thủ, và cũng là nơi Deschamps cần học trò làm điều đó.
Thêm vào đó nữa là Kingsley Coman, chính anh đoạt bóng từ Messi để tổ chức bàn gỡ 2-2 cho Pháp. Những thay đổi đó quá chính xác. Deschamps quá lão luyện. Mbappe trở thành cầu thủ đầu tiên sau 56 năm lập một cú hat-trick trong trận chung kết. Một yếu tố mãn nhãn của trận đấu.
Vẻ đẹp của thành tựu
Chung kết World Cup 1986, Argentina dẫn trước Đức 2-0 nhờ các bàn thắng của Jose Luis Brown và Jorge Valdano. Đức gỡ lại 2-2 từ các pha bóng phạt góc nhờ công của Karl Heinz Rummenigge và Rudi Voller. Nhưng cuối cùng, Diego Maradona thần thánh chuyền bóng cho Jorge Burruchaga ghi bàn ấn định tỷ số 3-2. Trong 90 phút.
Kịch tính chỉ đẩy lên thế là cùng. Có thể nào một đội dẫn 2-0 trong trận chung kết World Cup bị thua ngược? Nhưng trận đấu bước vào hiệp phụ. Messi và Mbappe mỗi người ghi một bàn nữa trong hiệp phụ của trận chung kết điên rồ.
Và suýt nữa điều không tưởng xảy ra. Muani đối mặt với Elimiano Martinez ở khoảng cách rất gần, cầu thủ người Pháp sút cú trúng tay thủ môn Argentina ở phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai.
Bàn tay của Martinez như bàn tay của số phận. Cú gạt bóng đó như dự liệu những điều số phận sắp đặt cho Argentina ở loạt thi sút 11 m. Và như người ta vẫn thường gọi, phần còn lại đã là lịch sử
Tuyển Argentina vô địch World Cup 2022 khác với những giải trước. Họ vượt khỏi khuôn khổ của một đội thể thao thông thường vì những cảm xúc nó mang đến. Một câu chuyện tuyệt vời nhất trong bóng đá. Câu chuyện tuyệt vời nhất trong cuộc đời.
Chiến thắng của Argentina khiến mọi người xích lại nhau, thúc giục nhu cầu đoàn kết trong từng tế bào mỗi cá thể. Nó là chiến thắng cho những người luôn có cảm giác mãi mãi bị ghẻ lạnh trong cuộc đời.