Costa Rica nhiều khả năng sẽ bị xem là đội bóng thể hiện tệ nhất tại lượt trận đầu tiên vòng bảng World Cup năm nay. Họ thậm chí còn mềm yếu hơn cả những đội bóng đã gây thất vọng, như chủ nhà Qatar chẳng hạn.
Dĩ nhiên cũng không vì thế mà thắng lợi đậm đà của Tây Ban Nha là không ấn tượng.
“Chơi như một câu lạc bộ”
Các chuyên gia hàng đầu về phân tích thường có chung một cách biểu cảm để mô tả một đội tuyển quốc gia vận hành chiến thuật tốt: họ chơi như một câu lạc bộ.
Bóng đá cấp ĐTQG có những đặc trưng về thời gian tập trung ngắn, các cầu thủ thường là giỏi nhất nhưng lại đến từ nhiều CLB khác nhau, tính nhất quán về danh sách cầu thủ trong các đợt tập trung cũng không đạt được 100%. Chính vì vậy, bóng đá cấp ĐTQG thường ít thể hiện được sự kết dính và phức tạp trong lối chơi so với mặt bằng bóng đá cấp CLB.
Thế nhưng ĐT Tây Ban Nha lại là một thứ gì đó khác biệt. Có quá nhiều lý do để họ có thể chơi bóng như một CLB.
Dễ nhận thấy cái gốc của họ là một thứ bóng đá rất tương tự với Barcelona. Từ thời điểm đội bóng đại diện xứ Catalunya cũng như tuyển Tây Ban Nha chinh phục thế giới trong giai đoạn 2008-2012, cho tới tận bây giờ, La Furia Roja luôn trung thành với phong cách kiểm soát bóng toàn cục, áp đảo không gian và tự cầm nhịp thời gian.
Một nửa đội hình xuất phát của Tây Ban Nha trước Costa Rica là thành viên Barcelona. Cặp trung vệ Rodrigo Hernandez và Aymeric Laporte đang đóng vai trò trụ cột tại Manchester City, một đội bóng của những người con Barca như Txiki Berigistain và Pep Guardiola. Và những người còn lại cũng đã được ông Luis Enrique chọn tận tay và tin tưởng dài lâu, như Unai Simon hay Dani Olmo.
Sự hiểu ý có thể được mô tả ngay bằng một điển hình ở phút thứ 39.
Từ một tình huống Gavi bị phạm lỗi, Rodri đã nhận diện tình huống và lập tức thực hiện nhanh quả phạt, đưa bóng tới chân Pedri. Pedri xoay người và lập tức đưa bóng tới chân Dani Olmo ở biên.
Ở rất nhiều và thậm chí là phần lớn các đội bóng khác, Olmo chắc chắn sẽ (được yêu cầu) thực hiện pha đột phá và hướng tới khung thành đối thủ càng nhanh càng tốt. Costa Rica đã đẩy lên quá cao và bị bất ngờ với cách Rodri, Pedri xử lý.
Nhưng không. Luis Enrique ở đường biên nhanh chóng đưa ra yêu cầu cho Olmo: tiến lên cao hơn cùng bóng và… dừng lại.
Olmo cực kỳ tuân thủ: anh tiến lên một chút, thậm chí dừng hẳn lại, trước khi chuyền về.
Hình ảnh này thể hiện ý đồ chiến thuật cực kỳ rõ ràng: Tây Ban Nha không muốn gia tăng nhịp độ chơi cho tới khi nào cả hệ thống đã cùng nhau di chuyển vào phần sân của đối thủ. Họ muốn cả 10 người cùng có mặt trên nửa sân của Costa Rica, cự ly từ Rodri và Laporte tới các tiền đạo chỉ bằng một đường chuyền ngắn.
Lý do rất đơn giản: khi ấy, nếu có mất bóng, cả hệ thống cũng có thể lập tức gây áp lực để đoạt bóng hoặc ít nhất là trì hoãn pha tấn công của đối thủ, với cự ly chạy chỉ bằng một đường chuyền ngắn mà thôi. Bằng cách đó, Tây Ban Nha sẽ kiểm soát được cuộc chơi và sẽ áp đảo bằng tính tập thể. Họ sẽ xóa nhòa điểm yếu về tranh chấp cá nhân của Gavi, Pedri hay Sergio Busquets.
Một hình ảnh nhỏ và được thực hiện xuyên suốt, không chỉ khi Tây Ban Nha đã ghi bàn mà còn được thể hiện ngay từ những phút đầu tiên và thậm chí là nhiều năm đã qua. Tây Ban Nha chơi bóng như một câu lạc bộ.
Buổi tập tăng tiến bóng
Sơ đồ chiến thuật khi xưa là những công trình đồ sộ của bóng đá thì nay nó chỉ còn là một chiếc khung xương không định hình được rõ da thịt của cuộc chơi. Và nếu không hòa nhịp được với bóng đá hiện đại thì sẽ thua cuộc.
Cũng phòng ngự với sơ đồ 4-4-2 thì Saudi Arabia thắng cả Argentina, còn Costa Rica thì thua bạc nhược. Lý do cũng dễ hiểu: cường độ hoạt động của họ là không đủ, dấu hiệu để áp sát là không rõ ràng, cự ly không đủ tốt để hạn chế khu vực hoạt động của những quái kiệt áo đỏ.
Các tuyển thủ Tây Ban Nha dễ dàng tạo ra những nhóm, khu vực với lợi thế không chỉ về chất lượng mà còn là cả số lượng cầu thủ. Trình độ kỹ thuật thượng thừa và sự tinh quái của họ cũng biến các tuyển thủ Costa Rica đuổi bắt một cách tội nghiệp.
Không ngẫu nhiên mà ở trận đấu này, toàn đội Tây Ban Nha đã chuyền tới tổng cộng 1043 đường chuyền với độ chính xác lên tới 94%, tức 976 đường chuyền chính xác, cấu thành quyền kiểm soát bóng tới 81,8% thời lượng. Đó là một kỷ lục của World Cup.
Sau cùng, sự áp đảo này của Tây Ban Nha sẽ tạo ra một bước đà tâm lý thuận lợi cho họ. Trận đấu thứ hai mới là một thử thách thực sự: Đức đang trong trạng thái buộc phải giành chiến thắng, sau khi để thua Nhật Bản ở lượt đầu tiên.