Hai thái cực của Theerathon Bunmathan - Bóng Đá

Theerathon Bunmathan mới là cầu thủ thành công nhất của Thái Lan ở Nhật Bản. 

Cho tới lúc này, Theerathon Bunmathan có thể tự hào nói rằng anh là cầu thủ Thái Lan duy nhất vô địch J1 League. Hậu vệ trái này đã khoác áo 2 CLB của Nhật Bản là Vissel Kobe và Yokohama F. Marinos. Trong đó, anh đã cùng CLB Yokohama F. Marinos vô địch giải quốc nội Nhật Bản năm 2019.

Từ cậu bé nhà nghèo tới nhà vô địch J1 League

Tờ Sport Trueid của Thái Lan viết sau khi Theerathon Bunmathan vô địch J1 League: “Nếu ngày trước, người đàn ông này không nỗ lực chiến đấu vượt qua gian khó thì giờ đây chúng ta sẽ không thấy lá cờ Thái Lan tung bay trên SVĐ của Nhật Bản. Tại buổi lễ trao cúp vô địch J1 League, điều khiến các CĐV Thái Lan tự hào chính là cách mà cầu thủ này đã chứng tỏ bản thân. Anh là niềm tự hào của CĐV Thái Lan: Theerathon Bunmathan”.

Theerathon Bunmathan sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Cha của anh làm nghề cắt tóc còn mẹ của Theerathon là công nhân nhà máy kính. Cha của Theerathon muốn con trai mình theo học một trường thể thao, bởi vì những ngôi trường này không chỉ dạy thể thao mà còn cấp học bổng cho các học sinh và có thể giúp gia đình tiết kiệm chi tiêu.

Do vậy Bunmathan đã vào học ở trường Bangkok Sports khi lên cấp ba rồi sau đó gia nhập trường Cao đẳng Assumption Thonburi.

Hai thái cực của Theerathon Bunmathan - Bóng Đá

Theerathon Bunmathan vô địch J1 League với Yokohama F. Marinos. 

Chính tại đây, Theerathon đã cùng thi đấu với Kawin Thamsatchanan. Họ đã cùng nhau giành nhiều danh hiệu ở các giải đấu cho các sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp, Theerathon ký hợp đồng với Rajpracha, đội bóng ở giải hạng 2 vào năm 2008. Tại đội bóng này, Bunmathan nhanh chóng bộc lộ tài năng và thu hút sự chú ý của Buriram United. Sau 1 năm gắn bó với Rajpracha, Theerathon chuyển sang Buriram United.

Ở đội bóng có biệt danh “Lâu đài sấm sét”, Theerathon nhanh chóng trở thành trụ cột và giành được nhiều danh hiệu. Anh đã giành 4 chức vô địch Thai League trong giai đoạn 2010 – 2016. Sẽ không quá lời nếu cho rằng Buriram United chính là bệ phóng cho Theerathon trở thành một ngôi sao.

Tuy nhiên Theerathon đã gây sốc khi quyết định đầu quân cho đối thủ của Buriram United là Muangthong United vào năm 2016. Sau khi giúp Muangthong United giành 1 chức vô địch Thai League, Theerathon có bước nhảy vọt trong sự nghiệp, đó là chuyển tới CLB của Nhật Bản, Vissel Kobe vào năm 2018.

Sau khi gia nhập Vissel Kobe, Theerathon đã thi đấu cùng với những cầu thủ đẳng cấp thế giới là Lukas Podolski, David Villa và Andres Iniesta. Sau 1 mùa giải gắn bó với Vissel Kobe, Theerathon được một đội bóng khác của Nhật Bản là Yokohama F. Marinos mượn vào năm 2019.

Tại Vissel Kobe, Theerathon đã không thể thích ứng với môi trường bóng đá Nhật Bản và lúc mới gia nhập Yokohama F. Marinos, anh thường xuyên ngồi ghế dự bị. Tuy nhiên lần này, Theerathon đã nỗ lực để giành suất đá chính ở vị trí hậu vệ cánh trái.

Cần phải nói rằng Theerathon đã rất cố gắng để chiếm được niềm tin của HLV Ange Postecoglou tại Yokohama F. Marinos. Ban đầu, Theerathon là một hậu vệ cánh truyền thống nhưng dưới bàn tay của HLV người Australia, anh đã phát triển trở thành hậu vệ biên ngược (inverted fullback).

Ban đầu Theerathon lạc lối và không hiểu tại sao cần phải chơi như vậy. Nhờ tới những lời khuyên của người vợ, Theerathon đã vứt bỏ những hoài nghi sang một bên và cố gắng tập luyện, thi đấu theo ý muốn của HLV. Dần dần, Theerathon trở thành lựa chọn số một ở vị trí hậu vệ trái tại Yokohama F. Marinos.

Đến mùa giải 2019, Theerathon góp công giúp Yokohama F. Marinos giành chức vô địch J-League 1. Ở mùa bóng này, hậu vệ người Thái Lan ghi 3 bàn và đóng góp 4 kiến tạo. Trong trận đấu cuối cùng mang tính chất quyết định của mùa giải, Theerathon ghi 1 bàn và thực hiện 1 kiến tạo giúp Yokohama F. Marinos đăng quang. Đó là khoảnh khắc tự hào và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Theerathon.

Cầu thủ gây tranh cãi

Mặc dù Theerathon đã chứng tỏ tài năng ở Nhật Bản nhưng anh luôn là tâm điểm chỉ trích với lối chơi tiểu xảo và hay dùng cùi chỏ ở trên sân.

Tại AFF Cup 2020, Theerathon khiến nhiều CĐV Việt Nam phải “nóng mắt” với tình huống đánh cùi chỏ với Quang Hải, hay như việc hậu vệ này khiêu khích HLV Park Hang-seo.

Sau khi trở về từ Nhật Bản để khoác áo CLB Buriram United, Theerathon Bunmathan gây tranh cãi khi giật cùi chỏ với với cầu thủ Parndecha Ngernprasert của CLB Khon Kaen United trong trận đấu hồi tháng 4 năm ngoái.

Hành động của Theerathon khiến các CĐV Khon Kaen United nổi giận. Một CĐV còn ném quả bóng vào người Theerathon khi anh thực hiện quả đá phạt góc. Sau khi trận đấu kết thúc, Theerathon còn lời qua tiếng lại với các CĐV đối phương.

Cầu thủ này còn viết trên trang cá nhân: “Một CĐV đã sỉ nhục tôi sau trận đấu nhưng ít nhất, tôi còn làm được điều gì đó cho đất nước Thái Lan. Tôi đã tạo dựng tên tuổi là cầu thủ đầu tiên của Thái Lan giành chức vô địch ở Nhật Bản (J1 League). Hãy ghi nhớ điều đó vào đầu và nhìn lại bản thân mình xem đã làm được gì cho Thái Lan chưa?”.

Hai thái cực của Theerathon Bunmathan - Bóng Đá

Theerathon Bunmathan luôn gây ra những tranh cãi. 

Trước đó gần 1 tháng, Theerathon thúc cùi chỏ vào hông của cầu thủ Gleofilo Vlijter trong trận đấu giao hữu giữa Thái Lan và Suriname.

Lối chơi rắn và việc không ngần ngại dùng tiểu xảo của Theerathon bắt nguồn từ tính cách ngang tàng của cầu thủ này. Suwicha Kotami, nhà báo của Goal Thái Lan chia sẻ: “Điều khiến Theerathon khác biệt với những cầu thủ Thái Lan chính là tâm lý thi đấu. Khi có mặt ở trên sân, Theerathon tỏ ra không hề ngán bất cứ ai. Anh ta sẵn sàng chiến đấu và chẳng hề sợ hãi chút nào”.

Với Bunmathan, chiến thắng là trên hết và cầu thủ này sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu đó, từ việc phạm lỗi cho tới dùng những trò khiêu khích. Còn nhớ ở trận đấu giữa Buriram United và Suphanburi ở Cúp quốc gia Thái Lan hồi tháng 5/2022, Theerathon có những hành động khiêu khích cầu thủ đối phương.

Cụ thể, Theerathon đã dùng áo bịt mũi mình lại và lấy tay phẩy qua lại khi một cầu thủ của Suphanburi phàn nàn với trọng tài.

Truyền thông Thái Lan nhận định rằng hành động của Theerathon có hàm ý chế nhạo đối phương rằng: hãy đánh răng đi. Rất nhiều người đã chỉ trích Theerathon và cho rằng anh có hành động không đúng mực. Hành vi của Theerathon còn được báo chí xứ chùa vàng so sánh với việc Diego Costa (Chelsea) xúc phạm Ryan Shawcross (Stoke City) hôi nách ở trận đấu vào năm 2016.

Có một điều lạ lùng rằng khi chơi bóng ở Nhật Bản, Theerathon luôn tỏ ra tôn trọng đối thủ nhưng khi thi đấu ở trong nước và các giải đấu khu vực, hậu vệ trái này lại có những hành động gây tranh cãi.

Ở Theerathon luôn thường trực 2 hình ảnh, thiên thần và ác quỷ. Anh có thể mang lại niềm vui cho các CĐV với màn trình diễn xuất sắc của mình. Nhưng bên cạnh đó, Theerathon sẵn sàng thực hiện những hành động không đẹp mắt ở trên sân khiến khán giả phải phẫn nộ.

Có những ý kiến cho rằng Theerathon cần từ bỏ những trò khiêu khích và tiểu xảo ở trên sân để trở thành tấm gương cho thế hệ kế tiếp giống như Piyapong Pue-on hay Kiatisuk Senamuang. Tuy nhiên Theerathon bỏ ngoài tai và sẵn sàng thể hiện hành động xấu xí trên sân khi cần thiết.

Bất kể thế nào, ở trận đấu tới, tuyển Việt Nam cần phải cảnh giác cao độ trước Theerathon, người đang dẫn đầu danh sách kiến tạo của giải với 4 đường chuyền thành bàn. Các cầu thủ Việt Nam cần phải tỉnh táo nếu như Theerathon tiếp tục dùng tiểu xảo và có những hành động khiêu khích.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link