Juventus sẽ kháng cáo. Ban lãnh đạo “Bà đầm già” thành Turin không bao giờ chấp nhận án phạt trừ 15 điểm và cấm nhiều thành viên quan trọng lãnh đạo CLB này tham gia bóng đá từ FIGC vào tối 20/1 (giờ Hà Nội). Bởi lẽ, án phạt hiếm có trong tiền lệ bóng đá Italy (thậm chí là cả châu Âu) kể trên sẽ hủy hoại tương lai của Juventus, ít nhất trong ngắn hạn.
Kết thúc một kỷ nguyên
Cựu chủ tịch Juve, Andrea Agnelli, bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá Italy trong hai năm. Cựu Giám đốc Thể thao Juve, Fabio Paratici, hiện là GĐĐH Tottenham, bị cấm hoạt động bóng đá trong 30 tháng. Với việc chỉ còn 22 điểm trên bảng xếp hạng Serie A, Juve tụt xuống vị trí thứ 10, kém nhóm dự Champions League 12 điểm.
Đó là bước tụt lùi ghê gớm với một đội bóng nửa thập niên trước còn chiêu mộ Cristiano Ronaldo và đặt mục tiêu vô địch Champions League. Nhà Agnelli từng biến Juve trở thành một đội bóng kiểu mẫu ở Italy. Họ xây và sở hữu sân bóng riêng, sẵn sàng thiết kế lại logo trên ngực áo để phù hợp với thời đại mới. Họ muốn biến Juve trở thành người tiên phong.
Kể từ bê bối Calciopoli vào năm 2006, “Lão bà” trỗi dậy và thống trị bóng đá Italy trong thời gian dài. Lúc này, bóng ma của quá khứ quay lại ám ảnh họ. Những án phạt từ FIGC chỉ là đòn đánh tức thì vào bộ mặt và thành tích của CLB mùa này. Vấn đề nghiêm trọng hơn xuất hiện với Juve trong tương lai, khi nền tảng tài chính của đội bị xói mòn.
Thời điểm này năm ngoái, Juve thực hiện đợt phát hành trái phiếu mới (nhằm tăng vốn) thứ hai trong vòng ba năm. Trong cả hai cuộc huy động vốn, cổ phiếu mới của CLB được phát hành với tổng giá trị lên tới 700 triệu euro (723 triệu USD). Đây là nỗ lực nhằm ổn định tình hình tài chính của câu lạc bộ trong bối cảnh đại dịch và những thương vụ mua sắm đình đám trước đó.
Chính những hoạt động chuyển nhượng của Juve khiến họ bị FIGC điều tra. 42 vụ chuyển nhượng cầu thủ của Juventus, nổi bật nhất là vụ trao đổi Miralem Pjanic lấy Arthur Melo của Barcelona, bị cáo buộc gian lận tài chính. Ngoài ra, ban lãnh đạo Juve còn bị tố cố tình làm sai nghiệp vụ kế toán, báo cáo tài chính không đúng và thao túng thị trường.
Khác với vụ án Calciopoli 17 năm trước, cuộc điều tra của chính quyền Italy nhắm vào Juventus chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính. Vì Juve là một đội niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên bất kỳ hoạt động gian lận nào của họ về mặt sổ sách có thể gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Nói cách khác, ban lãnh đạo Juve phải trả giá vì những chiêu trò của mình nhằm trục lợi cho bản thân và CLB. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Juve như thế nào trên sân cỏ? Cấu trúc hoạt động của đội bóng thành Turin phải có sự thay đổi. CLB sẽ chịu những sự giám sát nghiêm ngặt về mặt tài chính hơn trước đây, hệ quả là các hoạt động mua sắm cầu thủ của Juve cũng khó khăn hơn.
Tương lai khó đoán
Nhiều lần ở mùa giải năm nay, HLV Massimiliano Allegri khẳng định ông rất bình tĩnh trước những biến đổi tại thượng tầng CLB. Chiến lược gia người Italy hiểu với những gì đang xảy ra tại Juve, kỳ vọng về một mùa giải thành công không còn. Nhưng cũng chính điều đó giúp Allegri giữ ghế sau các thất bại đáng xấu hổ mùa này.
Tuần trước, họ thua Napoli tới 1-5 nhưng những tin tức về việc Allegri bị sa thải không xuất hiện. Ít nhất cho đến hết mùa giải năm nay, chiến lược gia người Italy vẫn sẽ lèo lái con thuyền Juventus. EXOR, tập đoàn do nhà Agnelli sở hữu, vẫn nắm quyền ở Juve. Những trừng phạt từ FIGC không ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu CLB cũng như tham vọng của EXOR với Juventus.
Vấn đề chủ yếu nằm ở các cá nhân điều hành CLB như Andrea Agnelli hay Fabio Paratici. Tháng 11 năm ngoái, toàn bộ ban lãnh đạo Juventus từ chức. Đầu tuần này, sau khi nắm bắt những tin tức ban đầu về án phạt từ FIGC, EXOR hành động khá nhanh chóng để tái cấu trúc CLB và bổ nhiệm những người lãnh đạo mới.
Hôm 19/1, Gianluca Ferrero trở thành Chủ tịch mới của Juventus, trong khi doanh nhân Maurizio Scanavino nắm quyền điều hành (CEO) đội. Xuất hiện những thông tin về việc Alessandro Del Piero có thể trở lại nắm quyền Giám đốc Thể thao của CLB.
Những động thái kể trên cho thấy EXOR sẵn sàng cho những sự thay đổi. Với doanh thu lên tới 33 tỷ euro vào năm 2021, tập đoàn này vẫn đang kinh doanh tốt và đủ sức tiếp tục “nuôi” Juve. EXOR là người bảo lãnh phần lớn trong hai đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cho Juventus. Họ đủ khả năng chi trả và nói cách khác, Juve khó bị vỡ nợ.
Song, những án phạt từ FIGC và việc từ chức của các thành viên BLĐ cũ có thể khiến Juve mất một lúc lâu để trở lại vị thế như trước đây. Juve sẽ bị giám sát chặt chẽ về việc chi tiêu, thậm chí phải “thắt lưng buộc bụng” trước tình hình mới.
Họ vẫn yên ắng cho đến thời điểm này của kỳ chuyển nhượng tháng 1. Khả năng Juve bổ sung nhân sự cho chặng đường còn lại của mùa giải là không cao. Thậm chí nếu những ngôi sao sáng giá như Dusan Vlahovic, Federico Chiesa hay Manuel Locatelli muốn rời đi trong phiên chợ đông năm nay, Juventus cũng phải cân nhắc bán các cầu thủ này.
Bất kỳ cầu thủ nào cũng muốn chơi ở một đội được thường xuyên dự Champions League và cạnh tranh cho những danh hiệu cao nhất. Juventus sẽ chưa thể trở lại sớm trong vòng một đến hai mùa giải tới.
HLV Allegri đứng trước một thử thách lớn, đó là đưa Juve giành suất dự Champions League mùa tới, trong bối cảnh vừa bị trừ 15 điểm trên bảng xếp hạng. Nếu mất doanh thu từ việc thi đấu tại Champions League, Juve sẽ thêm gặp khó. Chiến lược gia người Italy sử dụng nhiều cầu thủ trẻ hơn ở mùa giải năm nay, và hy vọng một trong số các tài năng từ lò đào tạo CLB sẽ vụt sáng.
Người hâm mộ “Lão bà” cũng hy vọng ban lãnh đạo mới có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn trên thị trường chuyển nhượng. Thời Juventus vung tiền để áp đảo các đối thủ khác đã qua.