Nhắc đến châu Phi ở World Cup, những người yêu bóng đá lập tức có thể kể về những “chiến tích” của Cameroon, Ghana hay hiện tại là Morocco. Nhưng đừng quên rằng, từ cách đây 40 năm, Algeria cũng suýt làm nên lịch sử.
Nếu không phải vì scandal dàn xếp tỷ số được xem như “nỗi nhục” trong lịch sử bóng đá diễn ra ở Gijon, Algeria đã có thể làm nên kỳ tích cho châu Phi.
Câu chuyện này được kể lại đầy sinh động trong cuốn sách “The official history of FIFA World Cup“, xuất bản năm 2019 với lời đề tựa được viết bởi chính Chủ tịch FIFA đương nhiệm, Gianni Infatino.
Mùa hè lịch sử
Không chỉ ý nghĩa về mặt thể thao, World Cup 1982 còn mang đậm màu sắc chính trị. Tây Ban Nha vừa khôi phục thành công chế độ dân chủ sau khi Đại tướng Francisco Franco qua đời năm 1975 và ngày hội bóng đá trên đất nước Iberia năm 1982 diễn ra như để kỷ niệm cho sự kiện trọng đại ấy.
FIFA cũng đưa ra quyết định lịch sử, tăng số đội tham dự từ 16 lên 24 đội. Sự thay đổi này đã giúp Châu Phi có hai World Cup. Lịch sử gọi tên Algeria kể từ khi đó.
Nằm trong bảng đấu với hai đại diện rất mạnh từ châu Âu, Áo và Tây Đức, Algeria không được đánh giá cao bởi đây là lần đầu quốc gia này tham dự World Cup. Thế nhưng, trái bóng tròn và không gì là không thể. Algeria đã chứng minh rằng, không phải chỉ Italy mới biết đứng dậy từ tro tàn mà Algeria và châu Phi cũng hoàn toàn có thể vươn lên từ bùn đất.
Trước trận đấu, HLV của Tây Đức Jupp Derwall tỏ ra coi thường đối thủ châu Phi. Ông ngạo mạn tuyên bố: “Nếu như chúng tôi thua trận này, tôi sẽ đặt chuyến bay đầu tiên về nhà”.
Bị chạm tới lòng tự tôn, các cầu thủ Algeria chơi một trận hay nhất từ trước đến nay. Bất chấp ở phía bên kia chiến tuyến là huyền thoại Karl-Heinz Rummenigge với hai lần đoạt Quả bóng Vàng (1980, 1981) và trên tất cả là tập thể Đức, nhà vô địch EURO 1980.
25.000 khán giả có mặt tại Gijon ngày hôm ấy đã được chứng kiến lịch sử – lịch sử về đất nước đến từ châu lục cằn cỗi vươn lên sánh ngang với cường quốc bóng đá. Algeria giành chiến thắng ngoạn mục 2-1 trước Đức và kỳ tích này cũng là chiến thắng đầu tiên của một cái tên đến từ Châu Phi trước một đội tuyển Châu Âu trong lịch sử các kỳ World Cup.
Lịch sử gọi tên Algeria và lá cờ đầu của châu Phi tại World Cup đang vẫy chờ họ. Nhưng bóng đá luôn bất ngờ và cũng thật tàn nhẫn.
“Hãy hôn nhau đi”
Đó không phải là khẩu hiệu của sự hữu nghị, càng không phải tình yêu. “Cái hôn” tàng hình ấy đánh dấu cho nỗi “ô nhục” lưu danh sử sách World Cup, cuộc dàn xếp tỷ số giữa Tây Đức và Áo.
Áo và Tây Đức đều biết chính xác số điểm và số bàn thắng cần ghi để vượt qua vòng bảng một. Sau chiến thắng 3-2 của Algeria trước Chile, người Đức buộc phải giành chiến thắng trước Áo trong khi Áo chỉ cần hòa hoặc thua không quá 3 bàn trước Đức để vào vòng hai.
Dù vô tình hay hữu ý, cả 2 đội đã đi đến thỏa thuận “ngầm” để loại Algeria và bắt tay nhau đi tiếp. Sau bàn thắng thần tốc của Horst Hrubesch ở phút thứ 10, trận đấu như trở thành gánh xiếc. Không đội nào tấn công, thậm chí có những cầu thủ đi bộ trên sân còn những khán giả trên khán đài không ngừng la ó.
Suốt 80 phút tiếp theo, không có bất kỳ nỗ lực nào đến từ cả hai đội để ghi thêm bàn thắng, cũng không có bất kỳ pha bóng đáng chú ý nào. Dường như chẳng ai muốn di chuyển. 41.000 cổ động viên tại Gijon hô vang tên: “Algeria, Algeria”.
Những người ủng hộ Algeria vẫy tiền giấy trên khán đài để ám chỉ rằng trận đấu sặc mùi dàn xếp. Trên kênh ARD của Đức, bình luận viên Eberhard Stanjek đã im lặng để phản đối sự phi thể thao này trong vài phút còn phóng viên Robert Seeger của đến từ đài ORFkhuyến khích người dân tắt vô tuyến truyền hình.
Bất chấp những tình huống diễn kịch, Tây Đức và Áo vẫn giành quyền đi tiếp ở vị trí nhất và nhì bảng. Hai đội tuyển trên và Algeria cùng có 4 điểm (khi ấy, bóng đá vẫn tính 2 điểm cho một chiến thắng – PV). Nhưng đại diện châu Phi bị loại bởi hiệu số bàn thắng – bại dù thực tế là họ đã thắng 2 trong 3 trận đấu trước hai đại diện hùng mạnh của châu Âu và Nam Mỹ (Chile). Các phương tiện truyền thông gọi trận cầu này là “Nỗi ô nhục Gijon”.
Trong khi bê bối Totonero ảnh hưởng không nhỏ đến bóng đá Italy vẫn chưa ngừng hiện hữu tại World Cup 1982, hai quốc gia châu Âu này lại thực hiện điều tương tự và thậm chí hàng chục năm sau vẫn chẳng thể “gột rửa”. Còn những chàng trai thiên thanh đạp lên dư luận và bê bối thì lên ngôi vô địch World Cup chính năm đó.
Ấy vậy, người Đức lại hoàn toàn cảm thấy thoải mái với những gì họ đã làm. Paul Breitner phân bua: “Những phản ứng đó thật ngu ngốc. Chúng tôi không đến đây để biểu diễn, chúng tôi đến đây để giành chiến thắng”.
Không đội bóng nào bị xử phạt nhưng để tránh sự việc tương tự sẽ lặp lại trong tương lai, FIFA quyết định hai trận cuối cùng của vòng bảng sẽ luôn được diễn ra cùng giờ, hạn chế tối thiểu nguy cơ dàn xếp.
Bóng đá luôn công bằng
Algeria bị loại tức tưởi nhưng quốc gia châu Phi này vẫn đem về lịch sử cho lục địa cằn cỗi. Algeria đã cho cả thế giới thấy bóng đá châu Phi không hề thua kém bất kỳ châu lục nào trên thế giới.
Lịch sử không chỉ gọi tên Algeria, lịch sử cũng gọi tên Bỉ với thế hệ vàng đầu tiên của nền bóng đá nước nhà. Vào ngày 13/6 ở Barcelona, Bỉ gây chấn động khi đánh bại đương kim vô địch Argentina, trong đó có cả những nhân tố như Maradona – người có lần đầu tham dự VCK World Cup. Báo chí đều cho rằng “Quỷ đỏ” sẽ để thua tới 0-7 hoặc 8-0 nhưng họ đã giành chiến thắng ngoạn mục 1-0 trước “những vũ công tango”.
Và đương nhiên, sự công bằng cũng gọi tên Italy. Bóng đá Italy nhuốm màu u tối với bê bối dàn xếp tỷ số Totonero, kéo theo Lazio và AC Milan bị đẩy xuống Serie B. Việc Italy vượt qua vòng bảng khi ấy đã thật thần kỳ nhưng đội bóng thiên thanh càng chơi càng hay để rồi thầy trò HLV Enzo Bearzot đánh bại Tây Đức và làm nên lịch sử sau 44 năm chờ đợi.
Xét cho cùng, trái bóng vẫn luôn công bằng. Nếu không có nó, liệu Algeria có thể khẳng định tên tuổi của họ cho cả thế giới? Bóng đá châu Phi ngày một tiến bộ và châu lục này cùng với trái bóng tròn sẽ còn đi xa hơn tứ kết. Tại World Cup này hoặc sau đó.