Sau khi trận đấu trên Etihad rạng sáng 6/4 (giờ Hà Nội) kết thúc, Kevin De Bruyne có phát biểu không mấy dễ nghe về lối chơi của đối thủ. “Lần đầu tiên trong đời tôi thấy sơ đồ 5-5-0”, tiền vệ người Bỉ cảm thán. “Họ (Atletico – PV) thi đấu mà không có tiền đạo”.
De Bruyne có lẽ thừa biết Atletico chơi thực dụng thế nào khi phải làm khách trên sân Man City. Việc UEFA bỏ luật bàn thắng trên sân khách ở cúp châu Âu mùa này khiến ý đồ tập trung cho phòng ngự của đại diện La Liga rõ hơn.
Tuy nhiên, cách ngôi sao Man City ngạc nhiên khi thấy Atletico ra sân với sơ đồ 5-5-0 dường như vẫn mang hàm ý chê bai hoặc có phần hạ thấp đối thủ. Và De Bruyne không phải người duy nhất có định kiến với lối chơi của Atletico.
Atletico có quyền ngẩng cao đầu
Trong buổi phỏng vấn trước lượt đi tứ kết Champions League, một nhà báo của BBC có tên Simon Stones, gây tranh cãi khi so sánh lối chơi của Pep Guardiola là “đẹp mắt” còn thứ bóng đá của Simeone là “xấu xí”. Stones hỏi Pep nghĩ sao về nhận định này. Thuyền trưởng Man City không giấu sự tức giận trước câu hỏi nhạy cảm từ phóng viên.
Pep hiếm khi chê bai hay bình phẩm về đồng nghiệp hay HLV đối thủ. Nhưng người ta không thể phủ nhận việc truyền thông và người hâm mộ thường có định kiến với lối chơi của Atletico.
Gary Lineker bình luận: “Nếu trận đấu này diễn ra cách đây 10 năm và bạn xem mà không biết tên hai CLB, bạn chắc chắn tin rằng rằng đội đến từ Tây Ban Nha mặc áo xanh còn đội áo đỏ trắng là một CLB Anh quốc”.
Huyền thoại bóng đá người Anh có vẻ khéo léo hơn De Bruyne trong việc chê bai sơ đồ 5-5-0 của Atletico khi đối đầu Man City. Ngay cả Pep cũng thừa nhận người đồng nghiệp Simeone đã chơi với sơ đồ hiếm có.
“Họ ra sân với hệ thống phòng ngự 5-5”, Guardiola nói sau trận. “Không dễ để tìm khoảng trống trước một hệ thống như thế. Atletico luôn rất giỏi trong việc chơi những trận đấu kiểu như vậy”.
Tính đa dạng là một trong những điều hấp dẫn của cuộc sống và ở lĩnh vực bóng đá, mọi thứ cũng tương tự. Sau trận đấu, tiền vệ Koke tuyên bố anh tự hào vì là một cầu thủ Atletico. Hai tiền đạo Griezmann hay Joao Felix chắc chắn cũng nghĩ như đội trưởng của họ. Các cầu thủ tấn công của Atletico sẵn sàng chơi thứ bóng đá hy sinh để tạo ra bức tường phòng ngự trước Man City.
“Atletico là những bậc thầy trong việc lùi sâu đội hình và phòng ngự cùng nhau. Đó là câu hỏi về sự kiên nhẫn”, Pep phân tích tiếp. “Họ đặt Griezmann ở bên phải, Joao (Felix) ở bên trái, với hai bức tường 5 người, và tính từ thời tiền sử cho đến ngày nay, phá vỡ hai hệ thống phòng ngự 5 người là rất khó. Họ không để lộ khoảng trống”.
Thứ bóng đá đề cao sự hy sinh và kỷ luật trong lối chơi đó giúp Atletico thành công trong một thập niên qua. Nếu không có thứ bóng đá của Diego Simeone, liệu đội chủ sân Wanda Metropolitano có phá vỡ được sự thống trị của Barca và Real Madrid?
Người ta cần nhớ rằng Atletico không chỉ một lần qua mặt hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha trong vài năm qua. Thậm chí nếu may mắn hơn, Atletico có thể đã đem về phòng truyền thống của CLB một chiếc cúp Champions League.
Lần này, Man City của Guardiola trừng phạt sai lầm hiếm hoi của hàng phòng ngự Atletico. Khoảnh khắc ma thuật từ Phil Foden khiến Atletico bối rối. Đội bóng thành Madrid thua trước một đội bóng mạnh nhất thế giới hiện tại, theo lời Simeone. Rõ ràng, người Atletico không có gì phải xấu hổ.
Bài toán cho Simeone
Trước trận đấu lượt đi tứ kết Champions League, Simeone lần đầu tiên thừa nhận rằng mình có chút ghen tỵ với Guardiola. “Ở những đội bóng tôi từng dẫn dắt, tôi chưa bao giờ có cơ hội làm việc với Xavi, Messi, Pique hay Iniesta… Tất cả họ khi đó còn trẻ và đầy tài năng”, HLV người Argentina nói. “Guardiola khá may mắn khi được làm việc chung với những cầu thủ đặc biệt như vậy”.
Thế nhưng, người ta cũng có quyền nói rằng nếu Simeone dẫn dắt Barca hay Man City, ông cũng sẽ không thay đổi nhiều triết lý bóng đá của mình. Vài tháng trước khi nhận lời dẫn dắt Atletico vào mùa đông năm 2011, Simeone có đến Barcelona để xem đội bóng vĩ đại của Pep vận hành như thế nào.
Simeone và Pep nói chuyện với nhau về bóng đá. Cả hai có nhiều quan điểm tương đồng về các tiểu tiết trong trận đấu hay cách xây dựng chiến thuật. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các HLV sẽ bị quyến rũ bởi lối chơi của Barca và Pep, Simeone lại có suy nghĩ khác.
“Tôi không ‘cảm’ được điều này (lối chơi của Pep – PV),”, HLV người Argentina nói trong bộ phim tài liệu “Simeone, Living Match by Match”. “Tôi không thích chơi bóng theo kiểu này”.
Simeone rõ ràng ấn tượng trước lối chơi của Barca ở thời điểm đó, nhưng ông không bị thuyết phục phải xây dựng Atletico theo hình mẫu tương tự. Guardiola sau đó phải thốt lên rằng Simeone rồi sẽ khiến thế giới bóng đá ngả mũ thán phục.
Dự báo của Pep sau đó trở thành sự thật. Atletico và Simeone trở thành khắc tinh cho những đội bóng chơi theo kiểu của Guardiola. Tất nhiên, việc để thua 0-1 trên sân Man City phá vỡ kế hoạch của Atletico. Ở trận lượt về tại Metropolitano vào tuần sau, HLV Simeone phải có toan tính khác.
Atletico cần tấn công nhiều hơn thay vì chờ đợi trừng phạt sai lầm của đối thủ. Những Griezmann, Felix hay Luis Suarez phải có mặt thường xuyên hơn ở vòng cấm đối thủ. HLV Simeone sẽ không còn nhiều lựa chọn như trận lượt đi. Ông phải chứng minh rằng khi cần, Atletico cũng có thể chơi bóng đá tấn công.