Thông thường trong bóng đá, việc các ngôi sao ký hợp đồng với CLB theo dạng tự do sẽ mang đến sự đảm bảo tốt hơn cho họ về mặt thu nhập. Nếu Juventus phải trả phí chuyển nhượng cho Manchester United để chiêu mộ Paul Pogba, mức lương của tiền vệ người Pháp tại CLB thành Turin sẽ thấp hơn khi cầu thủ này đến theo dạng tự do.

Người đại diện và cầu thủ có xu hướng đòi hỏi đãi ngộ cao hơn nếu chuyển đến một CLB theo dạng tự do, vì họ tin rằng ban lãnh đạo đội bóng đã tiết kiệm được khoản phí chuyển nhượng.

 - Bóng Đá

 Pogba và Dembele đều không nhận được mức lương như mong muốn sau khi trở thành cầu thủ tự do. Ảnh: Reuters.

Trường hợp Pogba và Dembele

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại của kỳ chuyển nhượng hè 2022, không nhiều cầu thủ hàng đầu nhận những mức thu nhập hậu hĩnh nhờ việc chuyển đến CLB theo dạng tự do. Paul Pogba được cho là giảm sâu mức lương anh nhận ở MU để đến Juventus.

Gazzetta dello Sport tiết lộ tiền vệ sinh năm 1993 chỉ nhận mức lương 7,4 triệu euro/mùa (tương đương 6,3 triệu bảng/mùa) tại đội bóng thành Turin. Trước đó, Pogba nhận thu nhập lên tới 17,4 triệu euro/mùa tại Manchester United.

Pogba cắt giảm lớn thu nhập để khoác áo Juventus cho thấy khát khao trở về Italy thi đấu của tiền vệ 29 tuổi. Thế nhưng, việc Pogba mất nhiều thời gian để đạt thỏa thuận cá nhân với Juventus, cũng như nhận mức lương thấp chưa đến một nửa khoản thu nhập cũ tại MU nói lên nhiều điều.

Tiền vệ người Pháp có lẽ hy vọng về những lời đề nghị khác hấp dẫn từ PSG hay Real Madrid. Đến cuối cùng, dường như chỉ có Juventus, một CLB kém hơn PSG lẫn Real về tài chính thật sự muốn có Pogba.

Ousmane Dembele là một trường hợp khác. Ngôi sao người Pháp hết hợp đồng với Barca từ tháng 6 và người đại diện của anh trong nửa năm qua luôn tuyên bố về những “đề nghị xứng đáng”.

“Chúng tôi không đánh giá cao lời đề nghị của Barca”, người đại diện Moussa Sissoko nói hồi tháng 2. “Dembele là một cầu thủ giỏi và xứng đáng có đề nghị tốt hơn”.

Truyền thông xứ Catalonia tin rằng Dembele khả năng cao ký vào bản hợp đồng mới với Barca. Hợp đồng mới nhất của đội chủ sân Camp Nou dành cho Dembele có mức thu nhập giảm 40% so với lời đề nghị vào tháng 12.

Vì sao lại có chuyện kỳ lạ kể trên xảy ra? Dembele và Sissoko khả năng cao thất bại trong việc thương thảo với PSG hay Chelsea để tìm kiếm một hợp đồng hậu hĩnh hơn.

Sau khi quay lại đàm phán với Barca, Dembele bị rơi vào thế yếu và buộc phải chấp nhận một bản hợp đồng với mức lương thấp hơn dự tính. Dembele và Pogba không phải những trường hợp cá biệt bị “vỡ mộng” trong kỳ chuyển nhượng hè 2022.

Paulo Dybala, Marcelo hay Jesse Lingard cũng chưa thể tìm ra bến đỗ như ý dù đã là cầu thủ tự do được một thời gian. Trường hợp của Dybala khá giống với Dembele, khi cầu thủ từng từ chối nhiều lời đề nghị gia hạn hợp đồng của Juventus.

Chân sút người Argentina kỳ vọng khi trở thành cầu thủ tự do, anh có thể nhận mức lương cao ở Inter Milan hay các CLB tại Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, Inter được cho là không muốn trả Dybala mức lương như cầu thủ mong muốn. Trong khi đó, những CLB khác tại Premier League cũng không mặn mà với chân sút 28 tuổi.

Lingard cũng chưa thể chốt hợp đồng với West Ham hay bất kỳ CLB nào của Ngoại hạng Anh, dù anh thông báo ý định rời Manchester United từ nhiều tháng trước. Tiền vệ người Anh được cho là đòi hỏi mức thu nhập quá cao, điều không nhiều đội bóng khác sẵn sàng đáp ứng. Giữa rất nhiều đồn đoán về sự quan tâm từ các CLB ở châu Âu, cho đến nay, chỉ có West Ham đưa ra lời đề nghị nghiêm túc với Lingard.

Cần nhớ rằng Dybala (28 tuổi), Pogba (28 tuổi) hay Lingard (29 tuổi) đều bước vào “độ chín” của sự nghiệp. Nếu nhìn cách những cầu thủ ngoài 30 tuổi như Ronaldo, Lewandowski hay Benzema duy trì phong độ đỉnh cao, tuổi tác chắc chắn không phải nguyên nhân khiến Dybala hay Lingard gặp khó trong việc tìm bến đỗ ưng ý.

 - Bóng Đá

 Dybala là một ngôi sao nổi tiếng khác chưa thể tìm bến đỗ mới dù trở thành cầu thủ tự do. Ảnh: Reuters.

Vỡ mộng

Danh sách những cầu thủ nổi tiếng gặp khó trong việc tìm kiếm các CLB như ý theo dạng chuyển nhượng tự do hè này còn khá dài. Họ là Isco, Luis Suarez, Marcelo, Edinson Cavani, Andrea Belotti,, Sime Vrsaljko, Dries Mertens.

Tình hình tài chính khó khăn của các CLB sau đại dịch có thể là một lý do. Những đội bóng châu Âu lúc này cân nhắc kỹ càng hơn trong việc trả mức lương cao cho cầu thủ. Họ không muốn rơi vào tình cảnh như Barca, CLB suýt vỡ nợ vì gánh nặng quỹ lương.

Các CLB hàng đầu của bóng đá châu Âu dường như cũng muốn hạn chế quyền lực của các “siêu cò” và những cầu thủ theo dạng chuyển nhượng tự do. HLV Arsene Wenger từng đánh giá rằng việc các cầu thủ chờ đến hết hợp đồng để rời đi phản ánh quyền lực ngày một lớn của họ trên thị trường chuyển nhượng.

Các CLB hàng đầu của bóng đá châu Âu chắc chắn không thích xu thế này diễn ra. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất chắc chắn vẫn là năng lực của cầu thủ. Dybala, Pogba hay Dembele không tìm được những lời đề nghị hấp dẫn vì các CLB lớn không đánh giá quá cao năng lực của họ.

Những ngôi sao kể trên đều sa sút so với phong độ đỉnh cao của họ nhiều năm trước, và đó là nguyên nhân chính khiến các CLB lớn không sẵn sàng trả lương cao. Bởi lẽ, những cầu thủ được đánh giá cao về mặt phong độ và sự ổn định như Angel Di Maria, Antonio Rudiger hay Ivan Perisic đều dễ dàng trong việc tìm kiếm các bến đỗ mới theo dạng tự do. Cũng có thể các cầu thủ này không tìm kiếm những mức thu nhập “điên rồ” như của Dybala hay Dembele.