Một ngày lạnh giá vào tháng 11/2010, cựu danh thủ Michel Platini chuẩn bị tiếp kiến riêng với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Nhưng ngay khi bước vào dinh thự tổng thống, ông Platini nhận ra người ông muốn gặp không có mặt.

Thay vào đó, ông bước tới và tham gia cùng một nhóm nhỏ trò chuyện trong phòng. Đó cũng là thời khắc thay đổi sự nghiệp và môn thể thao ông cống hiến cả đời mình mãi mãi, theo New York Times.

Vị phó chủ tịch FIFA mỉm cười khi được giới thiệu với Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani và Thái tử Tamim bin Hamad al-Thani, người trở thành quốc vương Qatar năm 2013. Các nhà lãnh đạo từ quốc gia vùng Vịnh đến Paris để thảo luận về kế hoạch không tưởng: Qatar nhỏ bé, giàu có muốn đăng cai World Cup.

Ông Platini từ lâu rất lạnh lùng với ý tưởng này. Một năm trước, ông nói với bạn bè rằng việc cho phép Qatar tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới sẽ là thảm họa với FIFA. Ông khẳng định muốn giải đấu 2022 diễn ra ở “bất cứ nơi nào trừ Qatar”. Quốc gia này không có truyền thống bóng đá và thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản như sân vận động.

 - Bóng Đá

 Cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter công bố Qatar là chủ nhà World Cup 2022. Ảnh: AP.

Quyết định bước ngoặt

Tuy nhiên, buổi chiều hôm đó, sự dè dặt của ông Platini tan biến. Điều gì đó đã làm thay đổi suy nghĩ của ông. Một tuần sau bữa trưa, bên trong hội trường tại Zurich, Qatar được xác nhận là chủ nhà của World Cup 2022.

Sau khi giành được quyền đăng cai World Cup, Qatar nhanh chóng khẳng định mình là cường quốc thực sự trong môn thể thao vua. Một năm sau bữa trưa tại cung điện Élysée, những ông chủ Qatar đã mua lại đội bóng nước Pháp Paris Saint-Germain và đổ tiền vào bóng đá châu Âu bằng cách mua bản quyền phát sóng.

Dòng tiền đó không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và sân chơi những cầu thủ hàng đầu, mà còn đe dọa tạo ra mối bất hòa không thể hóa giải giữa một số câu lạc bộ giàu nhất và phần còn lại của bóng đá.

Đồng thời, nó thúc đẩy quá trình quy hoạch và xây dựng nhanh đến chóng mặt của quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé. Các nhóm nhân quyền cho rằng hàng nghìn người lao động nhập cư đã phải trả giá bằng mạng sống khi thực hiện những dự án khổng lồ cho Qatar.

Trong phần lớn thế kỷ XX, Qatar tụt hậu rất xa so với nước láng giềng Arab Saudi và chỉ được thế giới biết tới với bộ môn lặn mò ngọc trai. Nhưng đến năm 1971, việc phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất thế giới biến Qatar trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới và một đối thủ địa chính trị đáng gờm trong khu vực.

Việc đăng cai World Cup là cơ hội để Qatar thể hiện bản thân trên vũ đài thế giới và kể câu chuyện của mình. Có tiền và tham vọng tổ chức giải đấu là một chuyện, giành được quyền đăng cai lại là một điều hoàn toàn khác. Vào năm 2010, đó là vấn đề lớn nhất của Qatar.

 - Bóng Đá

 Nhiệt độ tại Qatar vào mùa hè có thể đạt mức 40 độ C. Ảnh: New York Times.

Báo cáo của đoàn thanh tra FIFA do Harold Mayne-Nicholls dẫn đầu cho rằng Qatar không phù hợp để tổ chức World Cup vì lãnh thổ quá nhỏ và thời tiết quá nóng. Qatar cố gắng xoa dịu những lo ngại bằng cách xây dựng một sân vận động nhỏ để chứng minh hiệu quả của hệ thống điều hòa không khí hiện đại, nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề.

Báo cáo của ông Mayne-Nicholls không thể thuyết phục hội đồng lãnh đạo FIFA cân nhắc lại việc lựa chọn Qatar. Chỉ có một người yêu cầu xem báo cáo đầy đủ.

“Họ là những người đã bỏ phiếu. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng Qatar sẽ giành quyền đăng cai”, ông nói.

Ngay trước khi Chủ tịch FIFA Sepp Blatter mở phong bì xác nhận nơi tổ chức World Cup, kênh tin tức Al Jazeera có trụ sở tại Doha đã phát sóng tin tức về chiến thắng của Qatar.

Bản thân Platini khẳng định lá phiếu bầu cho Qatar là lựa chọn của riêng ông, không chịu sự ảnh hưởng bên ngoài. Nhưng vào năm 2019, ông bị bắt giữ tại Pháp và bị điều tra vì quyết định bầu cho Qatar.

Kể từ đó, nhiều cuộc điều tra tham nhũng của Mỹ và chính FIFA đã hạ bệ toàn bộ ban lãnh đạo của cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ba thành viên thuộc khu vực Nam Mỹ đã số tiền nhận hối lộ đến 7 con số để bầu cho Qatar. Trong vòng vài năm, hầu hết thành viên tham gia bỏ phiếu đã bị cáo buộc hoặc bắt giữ vì tội tham nhũng.

Trỗi dậy từ cát sa mạc

Khi Qatar được chọn, Chủ tịch La Liga Javier Tebas đã rất tức giận. Ông và các đại diện từ những cơ quan quyền lực nhất trong làng túc cầu đã tới Doha để trả lời câu hỏi: Chính xác World Cup nên được tổ chức khi nào.

Trước và sau cuộc bỏ phiếu tại Zurich, Qatar khẳng định có thể tổ chức vào mùa hè. Sức nóng của vùng Vịnh không thành vấn đề với kế hoạch trang bị hệ thống điều hòa không khí.

Đến năm 2013, một nhóm đặc nhiệm của FIFA đã được thành lập để kiểm tra tính khả thi của mùa hè Qatar. Vào đầu năm 2015, nhóm đề nghị chuyển World Cup sang tháng 11 và 12, ngay giữa mùa giải bóng đá châu Âu.

Khi đến Doha để đàm phán, ông Tebas cho rằng các giải đấu và câu lạc bộ “chống lại” những ngày FIFA đề xuất. Tuy nhiên, các câu lạc bộ đã đồng ý sau khi FIFA tăng các khoản thanh toán để giải phóng cầu thủ cho giải đấu.

 - Bóng Đá

 Các khu vực xung quanh một số sân vận động của Qatar vẫn giống như các công trường xây dựng khi chỉ còn 6 tháng trước khi World Cup khởi tranh. Ảnh: New York Times.

“Tất cả là để tượng trưng thôi. Cảm giác như chúng tôi đang bị lừa”, ông Tebas đập tay lên bàn khi được thông báo.

Tầm nhìn của Qatar cho World Cup không chỉ yêu cầu xây dựng bảy sân vận động mới và tân trang lại sân vận động thứ tám. Quốc gia này cũng cần cả một mạng lưới giao thông để vận chuyển người hâm mộ giữa các sân vận động và khách sạn. Điều này không khác gì việc xây dựng một quốc gia từ đầu, vươn lên từ sa mạc với giá trị 220 tỷ USD.

Để đạt được điều đó, Qatar tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động nhập cư từ những quốc gia kém hoặc đang phát triển. Chính quyền Qatar từ chối công bố có bao nhiêu người thiệt mạng trong quá trình triển khai các dự án cho World Cup.

Mặc dù đã tạm dừng hầu hết dự án xây dựng và đưa công nhân về nước trước khi World Cup bắt đầu, Qatar vẫn phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư. Nước này cần các chuyên gia an ninh từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ai Cập và Pháp. Làn sóng lao động nhập cư mới cũng đến để làm nhân viên khách sạn, quản lý sân vận động và phục vụ thức ăn.

Qatar đã gây sốc cho FIFA và người hâm mộ khi tiếp tục cấm bán bia tại sân vận động World Cup. Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu những người hâm mộ LGBTQ có được ban tổ chức Qatar chào đón hay không.

Hậu quả kéo dài

Tại Cung điện Élysée, số phận của Paris Saint-Germain cũng được đặt lên bàn đàm phán. Qatar không chỉ muốn mua đội bóng, mà còn muốn thành lập đài truyền hình để chiếu các trận đấu của đội và tài trợ cho phần còn lại của bóng đá Pháp. Chưa đầy một năm sau, họ đã làm được điều đó.

Với nguồn tài trợ không đáy của Qatar Sports Investments, PSG bắt đầu cuộc chi tiêu xa hoa mà không đối thủ trong nước nào có thể sánh kịp.

Đội bóng mua lại hết ngôi sao này đến ngôi sao khác khi tìm cách vượt qua các ông lớn châu Âu. Các động thái này có tác động sâu sắc và lâu dài đến bóng đá châu Âu.

Vào mùa hè năm 2017, PSG thể hiện tiềm lực tài chính với dự án táo bạo nhất: ký với Neymar từ Barcelona trong bản hợp đồng trị giá 222 triệu USD, gấp đôi kỷ lục chuyển nhượng thế giới trước đó.

Vài tuần sau, PSG tiếp tục chiêu mộ Kylian Mbappé với giá 180 triệu USD. Hai thương vụ này đã làm thay đổi đột ngột thị trường chuyển nhượng toàn cầu.

Đài truyền hình BeIN Sports nhanh chóng sở hữu nhiều bản quyền truyền thông thể thao. Giám đốc điều hành của BeIN Nasser al-Khelaifi cũng là chủ tịch của PSG. Ông al-Khelaifi thậm chí có một ghế trong hội đồng UEFA.

Việc chi tiêu quá thoáng tay của PSG và Manchester City khiến bất kỳ câu lạc bộ nào cố gắng theo kịp đều có nguy cơ chìm vào khủng hoảng.

Barcelona đã mắc kẹt vào vòng xoáy nợ nần sau sự ra đi của Neymar. Năm 2021, tình trạng kiệt quệ tài chính của Barca tồi tệ đến mức không thể giữ chân Lionel Messi. PSG không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng ký hợp đồng với Messi với mức lương khổng lồ.

Khi giải đấu gần kề, những lời chỉ trích về quyết định đưa World Cup đến Qatar ngày càng gay gắt hơn. Ông Blatter thậm chí thừa nhận việc lựa chọn Qatar là “sai lầm”, theo CNN.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link