Cho đến trước năm 1998, bóng đá Pháp chưa một lần vào chung kết World Cup. Thành công vang dội của “Les Bleus” không chỉ đến từ học viện bóng đá nổi tiếng Clairefontaine, nó còn xuất phát từ nguồn cung tài năng đa dạng ở khắp nơi trên thế giới, bên cạnh sự xuất sắc của các HLV bản địa.

Clairefontaine chỉ là một yếu tố

Clairefontaine được nhiều người nhắc đến sau khi Pháp vô địch World Cup 2018. Cách Paris gần 50 km về phía tây nam, ngôi trường bóng đá trứ danh rộng 40 hecta là lời giải thích phổ biến nhất cho thành công của “Les Bleus”.

Clairefontaine nằm trong khu rừng Rambouillet và được khai trương vào năm 1988. Chỉ một thập niên sau ngày học viện này được khai trương, Pháp đã giành chức vô địch World Cup đầu tiên.

24 năm sau giải đấu tại quê nhà, “Les Bleus” trên con đường lên đỉnh bóng đá thế giới lần thứ ba. Nhưng Clairefontaine không thể là lời giải duy nhất cho sự vươn mình của bóng đá Pháp. Sẽ là sự thiếu công bằng nếu không nhắc đến mạng lưới các lò đào tạo, học viện khác ở quốc gia hình lục lăng này. Nhiều thế hệ các HLV xuất sắc từ cấp độ trẻ đến chuyên nghiệp cũng giúp bóng đá Pháp có vị thế như hôm nay.

Lý giải thành công của Pháp ở World Cup - Bóng Đá

 Đội hình tuyển Pháp hiện tại là sự pha trộn của nhiều cầu thủ mang dòng máu nhập cư.

Sự tiến bộ của tiền vệ Aurelien Tchouameni là một điển hình. Tiền vệ 22 tuổi đá chính cho Pháp từ đầu giải, ghi một bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Anh ở tứ kết. Trong lần đầu tiên dự World Cup, ngôi sao sinh năm 2000 cho thấy sự chững chạc và tài năng. Robert Moreno, huấn luyện viên từng dẫn dắt Tchouameni tại Monaco, nói rằng tiền vệ trẻ này từng bộc lộ rất nhiều hạn chế trong lối chơi.

Ở những buổi tập tại Monaco, Tchouameni thường dễ dàng bị Cesc Fabregas cướp bóng vì khả năng quan sát xung quanh của cầu thủ trẻ không tốt. “Khả năng quan sát xung quanh của Aurelien không tốt, chúng tôi phải làm việc về điều đó”, Moreno tiết lộ. “Bạn cần phải nhìn xung quanh trước khi nhận bóng, chứ không phải chỉ nhìn sau khi bóng đã đến chân. Những ví dụ tiêu biểu là Xavi hay (Sergio) Busquets”.

Tchouameni hiểu hạn chế của bản thân và được các HLV ở Monaco đánh giá là mẫu cầu thủ chăm chỉ, sẵn sàng cải thiện bản thân. Chỉ hai năm sau những buổi tập mệt nhoài với Fabregas tại Monaco, Tchouameni chuyển đến Real Madrid với giá 80 triệu euro. Khi Pháp vô địch World Cup 2018, Paul Pogba là trái tim ở hàng tiền vệ. Kể từ thành công đó, sự nghiệp của cựu sao MU giậm chân tại chỗ. Anh gặp nhiều chấn thương và một số vấn đề hậu trường.

Từ những lò đào tạo của bóng đá Pháp, người ta tìm ra một phiên bản mới để thay thế cho Pogba. Đó là Tchouameni, cầu thủ cũng sở hữu sức mạnh thể chất, khả năng kỹ thuật không thua kém cựu sao MU nhưng có tâm lý tốt hơn.

Và thành công của Tchouameni cũng không đến từ Clairefontaine. Năm 11 tuổi, tiền vệ sinh năm 2000 gia nhập lò đào tạo nổi tiếng của Bordeaux. 8 năm sau, khi mới lên đội một Bordeaux, Tchouameni thuê HLV cá nhân để cải thiện khả năng trong những buổi tập riêng. Đó là quyết định riêng của cầu thủ trẻ, nhờ sự giáo dục từ gia đình và các HLV thời thơ ấu.

Bố mẹ của Tchouameni là người Cameroon, giống trường hợp của Kylian Mbappe. Tiền đạo PSG dành thời gian tập luyện ở Clairefontaine, nhưng cha anh mới là người tạo ra ảnh hưởng lớn nhất lên sự nghiệp của cầu thủ. Ông Wilfried sinh ra tại Cameroon và di cư sang Pháp, trở thành HLV và người đại diện đầu tiên của con trai mình. Khi các bậc cha mẹ khác đưa con đi xem phim hoặc đi nghỉ mát, Wilfried và bà Fayza Lamari (mẹ Mbappe) đưa đứa con 5 tuổi của họ đến gặp Thierry Henry và Zinedine Zidane.

Antoine Griezmann cũng không trưởng thành từ Clairefontaine hay bất kỳ học viện nào tại Pháp. “Tôi mới 14 tuổi khi đến Real Sociedad (San Sebastian, miền bắc Tây Ban Nha). Không đội bóng Pháp nào muốn tôi, dù đã thử việc cho khoảng 8 câu lạc bộ và rồi Sociedad đến”, Griezmann nhớ lại. Từ năm 14 tuổi, Antoine chưa bao giờ sống ở Pháp.

Nguồn cung cầu thủ dồi dào

Tuy nhiên, niềm cảm hứng bóng đá từ những năm tháng tiểu học tại Pháp giúp Griezmann theo đuổi giấc mơ cầu thủ chuyên nghiệp. Pháp là quốc gia có cơ sở vật chất tuyệt vời cho các cầu thủ trẻ. Trên thế giới, chỉ Brazil là quốc gia sản sinh ra nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hơn Pháp. Song, Brazil có dân số 214 triệu người, hơn gấp 3 so với Pháp (67,5 triệu).

Lý giải thành công của Pháp ở World Cup - Bóng Đá

 Tchouameni có gốc gác Cameroon, giống như trường hợp của Kylian Mbappe. Ảnh: Reuters.

Trước mùa giải 2022/23, không quốc gia châu Âu nào có số cầu thủ chuyên nghiệp ở 5 giải VĐQG hàng đầu nhiều như Pháp. 34 cầu thủ Pháp chơi tại Premier League, 20 người hiện diện ở La Liga, 37 cái tên khác khoác áo những đội Serie A và tại Bundesliga có tới 40 cầu thủ. Câu chuyện của bóng đá Pháp cũng có thể được lý giải bằng cách nhìn lại sự đa dạng sắc tộc và văn hóa.

Sau Thế chiến 2, Pháp nhập khẩu nhiều công nhân từ các thuộc địa của mình. Họ đến để lao động và biến Pháp thành quê hương. Theo điều tra dân số năm 2014, Pháp có tới 6 triệu người nhập cư, chiếm 9% dân số. Khi Pháp giành chiến thắng ở World Cup tại Nga, 87% đội hình của họ là con của những gia đình nhập cư.

Trong đội hình 26 người dự giải đấu tại Qatar, 92% đến từ những người nhập cư. Mẹ của William Saliba, giống như bố của Mbappe, là người Cameroon. Camavinga được sinh ra với cha mẹ là người Congo trong một trại tị nạn ở Angola.

Những quốc gia khác được liệt kê trong tiểu sử của các tuyển thủ “Les Bleus” là Algeria, Benin, Đức, Guadeloupe, Guinea-Bissau, Mali, Martinique, Morocco, Senegal và Tây Ban Nha. Hugo Lloris có gốc gác Tây Ban Nha khi cha anh, một chủ ngân hàng người Tây Ban Nha, chuyển đến sống tại Monaco nhiều năm trước.

Điều này lý giải phần nào cho thành công của “Les Bleus” hơn hai thập niên qua. Nếu đăng quang ở sân Lusail vào cuối tuần này, bóng đá Pháp sẽ bảo vệ thành công chức vô địch World Cup, điều chỉ có Italy và Brazil làm được trong quá khứ.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link