Đó là cuộc phiêu lưu bắt đầu dưới một ngôi sao may mắn, nhưng lại kết thúc tồi tệ. Theo như những gì được kể trong cuốn sách “Roberto Mancini, A Footballing Life, The Full Story” xuất bản năm 2012 về nghiệp cầu thủ và HLV của danh thủ này.
“Cậu đã xong việc với tôi và với ĐTQG”
Mới 17 tuổi, Mancini có tên trong danh sách 40 cầu thủ mà HLV Bearzot đưa ra để tuyển chọn cho World Cup 1982. Tên của anh bị gạch bỏ khi danh sách được rút gọn xuống còn 22 người sẽ lên đường tới Tây Ban Nha. Bearzot chọn tiền đạo Selvaggi. “Tốt thôi, ở Tây Ban Nha, dù sao thì tôi cũng chỉ ngồi xem thôi”, Mancini nói khi đó. Phản ứng ấy lên rất rõ tính cách của Mancini.
Tháng 10/1982, Mancini được HLV Vicini gọi lên đá cho đội U21, anh thi đấu ấn tượng. Vì vậy, ông Bearzot để mắt đến anh. Sau World Cup, ông muốn mang dòng máu mới cho đội, thử các cầu thủ trẻ mới nổi ở Serie A. Tháng 5/1984, Mancini được chọn cho chuyến du đấu Bắc Mỹ của Azzurri.
Mancini là người trẻ nhất đội, bên cạnh các cựu binh Tardelli, Gentile, Scirea, Collovati, Altobelli và những đại diện cho thế hệ mới Baresi, Bagni, Battistini và Fanna. Trận gặp Canada ở Toronto, anh vào sân thay Giordano ở đầu hiệp 2. Đó là trận ra mắt Azzurri, kết thúc với tỷ số 2-0. Vài ngày sau, Italy hòa Mỹ 0-0 ở New York, anh cũng được tung vào sân ở đầu hiệp 2. Mancini có vẻ hấp dẫn Bearzot.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, mọi thứ giữa hai người thay đổi vĩnh viễn. Đội tuyển trở về khách sạn, họ ăn tối, sau đó Tardelli, Gentile, Dossena, Giordano và Mancini gặp nhau ở sảnh và đi dạo. Họ dừng lại ở một quán bar gần đó, sau đó một cư dân gốc Italy chỉ họ đến Studio 54. Đó là hộp đêm nổi tiếng nhất New York. Mancini mở to mắt nhìn thế giới rộng lớn mà ông đang trải nghiệm. Nhưng cuộc chơi không kéo dài lâu, các cầu thủ lớn tuổi hơn nhận ra rằng đã muộn, bỏ lại âm nhạc và quay trở lại căn cứ.
Nhưng cậu bé đến từ Jesi bị Big Apple mê hoặc, chọn đi lang thang trên các con phố. “New York thật đẹp, tràn ngập ánh đèn, đó là thiên đường đối với một cậu bé chưa đầy 20 tuổi như tôi”, anh nói sau nhiều năm sau. Mancini trở về khách sạn lúc 6h sáng, thay quần áo rồi lại đi, lang thang chờ các cửa hàng mở cửa để mua chút gì đó cho gia đình. Khi trở lại, vào khoảng 11h, anh đụng phải Tardelli, người cảnh báo anh: “Cẩn thận, HLV đang lên cơn điên”.
Bearzot rất lo lắng cho chàng trai trẻ. Bây giờ ông tức giận, gọi Mancini bằng mọi thứ tên dưới ánh mặt trời. Lời cuối cùng của Bearzot: “Cậu đã xong việc với tôi và với ĐTQG, tôi sẽ không gọi lại cậu nữa”. Mancini kiêu hãnh không xin lỗi ngay tại chỗ hoặc gọi cho Bearzot sau để giải quyết vấn đề. Anh bỏ lỡ World Cup 1986 ở Mexico.
“Vicini đã cư xử rất tệ với tôi”
Để được mặc lại chiếc áo xanh, anh phải đợi đến ngày 8/10/1986, khi Vicini thay thế Bearzot, trận giao hữu với Hy Lạp, Mancini vào sân thay Altobelli. Ngày 3/6/1987, bất hạnh tiếp theo đến với anh trên SVĐ Rasunda ở Stockholm. Italy đấu với Thụy Điển trận vòng loại Euro 1988.
Phút thứ 15, trọng tài cho Azzurri được hưởng quả phạt đền, Mancini bước lên chấm phạt. Cú sút của anh bị thủ môn Ravelli cản được, Italy thua 0-1. Báo chí bắt đầu tấn công tiền đạo của CLB Sampdoria. Họ cho rằng Altobelli, Serena, Virdis hay Rizzitelli đều giỏi hơn Mancini. Không nhiều nhà bình luận muốn gặp lại anh trong màu áo xanh.
Ngày 5/12/1987, vào một buổi chiều mưa tại San Siro, trận vòng loại cuối cùng gặp Bồ Đào Nha. Mancini từ ghế dự bị vào sân, trong 22 phút bên cạnh Vialli, anh cho thấy mình có thể tỏa sáng trong màu áo xanh. Thời gian tốt nhất của Mancini với ĐTQG bắt đầu từ đó cho đến Euro 1988 tại Tây Đức.
Italy đấu với đội chủ nhà ở Dusseldorf trong trận khai mạc. Mancini được đối xử như một ngôi sao, hàng trăm chữ ký được ký, báo chí nước ngoài muốn biết mọi thứ về người được cho là cầu thủ hay nhất Serie A. Và anh luôn được hỏi về cùng một điều: tại sao anh chưa ghi được bàn thắng sau 14 lần ra sân cho Azzurri.
Phút thứ 52, Donadoni chuyền bóng cho Mancini đánh bại thủ môn Đức bằng cú sút chéo góc. Đó là một bàn thắng quan trọng, cho cả Azzurri và Mancini, Anh chạy về phía khu vực báo chí, hét lên với tất cả sự tức giận, vào những nhà báo đã tấn công anh. 3 phút sau, Tây Đức có một quả phạt trực tiếp, Brehme ghi bàn để mang về trận hòa 1-1.
Tuy nhiên, bàn thắng không đảm bảo cho anh thi đấu trọn vẹn 90 phút. HLV Vicini có thói quen tung anh vào thay Altobelli trong 20 phút cuối mỗi trận. Nó mang lại chiến thắng trước Tây Ban Nha và Đan Mạch ở vòng bảng. Nhưng nó cũng mang tới kết thúc tồi tệ, thua Liên Xô 0-2 ở trận bán kết.
Roberto Baggio đang lên, nhưng không chỉ có “Tóc đuôi ngựa thần thánh” hạn chế Mancini. Serena, Borgonovo, Carnevale và Rizzitelli lúc này hay lúc khác được ưa thích hơn anh. “Vicini và tôi đã biết rõ nhau, vì vậy việc thử những cầu thủ khác là điều đúng đắn đối với ông ấy,” Mancini buồn bã nói. Trong khi các tờ báo nói anh thờ ơ, rằng khi nào thì anh sẽ trưởng thành, chịu trách nhiệm và đáp lại sự tin tưởng của HLV. 14 tháng và 11 trận đấu quốc tế trôi qua mà không có Mancini trên sân.
Song số 10 của Sampdoria có tên trong danh sách 22 cầu thủ được chọn cho World Cup 1990 trên sân nhà. Đây là kỳ World Cup đầu tiên mà anh có tên, sau khi bị từ chối vào các năm 1982 và 1986. Cay đắng là có tên, nhưng không có phút nào được thi đấu. Trên hàng công, sự cạnh tranh rất khốc liệt, Schillaci, Baggio, Carnevale, Vialli, Serena đều đã được chọn trước Mancini lúc này hay lúc khác. Dù trước thềm trận đấu đầu tiên gặp Áo, Vicini tuyên bố: “Mancini sẽ là bất ngờ lớn nhất ở World Cup này”.
Mancini chờ đợi ít nhất được góp mặt trong trận tranh hạng ba với Anh. Nhưng cũng không luôn. Lúc đó, anh không thốt ra lời phàn nàn nào, dù rất cay đắng. Nhiều năm sau, anh mới mở miệng. “Thật điên rồ, 70 ngày trong trại huấn luyện, chỉ để được xem. Vicini đã cư xử rất tệ với tôi, ông ấy thậm chí còn không có can đảm để giải thích”. Mancini suy đoán: “Có thể vấn đề của tôi, giống như vấn đề của Vialli hoặc Vierchowod, là tôi đã chơi cho Sampdoria chứ không phải cho Milan, Inter hay Juve, những CLB có ảnh hưởng hơn”.
Năm sau 1991, Italy bỏ lỡ chuyến tàu tới Euro 1992. Trong trận đấu vòng loại ở Moscow, ngày 12/10, Azzurri không thể làm gì tốt hơn là hòa 0-0 trước Liên Xô lúc đó đang tan rã. Mancini vào sân ở phút 58, thay cho Giannini, tiền vệ kiến thiết lùi sâu của Roma. Anh cố gắng hỗ trợ Rizzitelli, Lentini và Vialli trên hàng công, nhưng vô ích. Kỷ nguyên Vicini kết thúc tại đây.
“Ông không giữ lời, đừng bao giờ gọi tôi lên tuyển”
Người kế vị là Sacchi, HLV phát minh phòng ngự khu vực, đã đưa Milan của Maldini, Baresi, Gullit và Van Basten lên đỉnh châu Âu. HLV mới có tầm nhìn rất rõ ràng về vai trò của Mancini, và khi đưa anh đến Mỹ đá giao hữu, ông nói thẳng: “Đối với tôi, anh là dự bị cho Baggio. Khi cậu ta vắng, cậu sẽ thi đấu”. Mancini đánh giá cao sự thẳng thắn này.
Sacchi, bị ám ảnh bởi các sơ đồ chiến thuật, cho rằng cấu trúc tổng thể của đội quan trọng hơn vai trò của từng cá nhân. Cho rằng Baggio và Mancini không thể chơi cùng nhau trong một đội hình bình thường. Nhưng nếu phần còn lại của đội được sắp xếp hoàn hảo, thì có thể đáng để thử. Và ông đã làm điều đó trong trận giao hữu với Mexico ngày 23/1/1993. “Nếu việc ghép đôi thành công, tôi sẽ là HLV hạnh phúc nhất thế giới”.
Trên thực tế, việc ghép đôi không hiệu quả, Baggio ghi bàn trong trận thắng 2-0, nhưng Mancini mờ nhạt. Anh trở lại làm dự bị cho Baggio. Một lần thử ghép đôi nữa vào tháng 5/1993, trận vòng loại World Cup gặp Thụy Sĩ, và Italy thua 0-1.
Và chúng ta đi đến phần cuối của câu chuyện: trận giao hữu với Đức ở Stuttgart, ngày 23/3/1994. Baggio là không có ở đó, nên Mancini chơi ngay từ đầu. Nhưng đầu hiệp hai, với tỷ số hòa 1-1, Sacchi thay anh bằng Zola, Italy chơi tệ, thua 1-2. Mancini không giữ được bình tĩnh, kể cả khi đội bóng đã về tới sân bay Malpensa ở Milan. Tại khu trả hành lý, Mancio đối mặt với Sacchi: “Ông không giữ lời, đừng bao giờ gọi tôi lên tuyển, đội tuyển với tôi thế là xong”.
Sợi chỉ xanh chằng chịt và rối rắm của Mancini đã đứt, sau 36 lần ra sân, 2.053 phút thi đấu và 4 bàn thắng. Đó là sự hối tiếc lớn trong sự nghiệp rực rỡ của anh. Tại sao cầu thủ được mô tả là một trong những cầu thủ xuất sắc của Italy lại không thành công với ĐTQG? Những người ủng hộ anh nói về một âm mưu của các CLB lớn, nổi giận với các HLV mù quáng, không khai thác được tiềm năng của anh, thích những cầu thủ không bao giờ tạo ra sự khác biệt hơn.
Số phận có thể đóng vai trò. Ví dụ, vận may mỉm cười với Schillaci khi anh khoác áo ĐTQG. Mancini đá hỏng quả phạt đền ở Stockholm và lịch sử rẽ sang một hướng khác. Anh không may mắn khi chơi cùng thời với Baggio, các HLV đều cho rằng họ không hợp nhau. Nhưng có lẽ lý do đơn giản hơn: bên ngoài Sampdoria của mình, Mancini không cảm thấy được yêu thương, nâng niu và chiều chuộng.