Phần còn lại của ĐT Argentina cũng chơi rất hay, nhưng trong hầu hết cuộc bàn tán trong vài ngày tới, người ta có thể sẽ bỏ quên những Angel Di Maria, Julian Alvarez hay Enzo Fernandez để tập trung vào người đàn ông được nhiều người tin là cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời.
Một số khác, lại đầu tư thời gian công sức để tranh cãi rằng El Pulga chẳng hay ho đến mức đó.
Thử thách giữ trọn vẹn niềm vui
Sẽ có rất nhiều trận cãi vã diễn ra từ trên mạng ra đến ngoài đời, và thực ra chúng cũng chỉ là lời vang vọng của một cuộc tranh luận khổng lồ đã kéo dài bất tận từ lúc nào không còn rõ nữa. Người đời sẽ lại so sánh Messi với Pele, với Zinedine Zidane và tất nhiên rồi, với người tiền bối đồng hương đồng thời là HLV cũ của anh, Diego Maradona.
Cũng không thể bỏ qua những so sánh với Cristiano Ronaldo nữa – một cuộc tranh luận dù cũ kỹ, vẫn sẽ diễn ra trên một con tàu vũ trụ nào đó sau năm 2022 này rất lâu.
Nhưng kể cả như thế, nếu tự bản thân cảm nhận được những gì Messi đã làm, bạn chỉ cần đơn giản là bỏ qua những cuộc tranh luận đó, nếu bạn là CĐV của El Pulga.
Về cơ bản, chính tình cảm dành cho Leo đang nói với họ rằng không cần tranh luận làm gì cả. Cứ đi xuyên qua rừng gươm mũi giáo của miệng lưỡi thiên hạ, không để lời lẽ độc hại nào tác động, lững lờ trôi và không cam kết bất cứ điều gì với những người qua đường ấy. Theo nghiên cứu khoa học, đó thực ra là phương pháp tốt nhất để dập tắt tranh luận.
Bằng không, niềm vui của bạn sẽ bị ảnh hưởng một cách không đáng có.
Bẫy tâm lý
Một đặc điểm và có lẽ là đặc quyền của các khán giả bóng đá là có thể nêu ý kiến về mọi thứ, ở mọi lúc và mọi nơi. Cho dù đó là một buổi vui vẻ với bạn bè, một cuộc nói chuyện với người lạ, dăm câu thoáng qua với chú tài xế taxi, thợ xây dựng, chủ quán cà phê, nhân viên quán bar hay người đi trên phố.
Dù là chuyện trò qua chương trình radio hay bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội nào mà bạn chọn. Dù là trước trận đấu, trong trận đấu, sau trận đấu hay cả bên ngoài trận. Dù cho đang ở nhà, tại nơi làm việc, ở quán rượu, trong bữa tối hay trên đường phố.
Dù là làm điều đó để lấp đầy những khoảng im lặng khó chịu với bố mẹ vợ, để xây đắp thêm mối quan hệ với người thân hay phá vỡ lớp băng với một người lạ khi dự tiệc cưới. Dù với tâm trạng vui vẻ hay chán đời chết mệt vì thất tình.
Đặc quyền bàn tán về điều chúng ta quan tâm là tuyệt vời. Nhưng vấn đề là, không phải lúc nào những cuộc chuyện trò ấy cũng mang lại niềm vui. Tệ hơn nữa, chúng hoàn toàn có khả năng trở thành lời lẽ độc hại, mang lại cảm xúc tiêu cực nếu người tham gia không nhận thức được toàn bộ đặc điểm của những cuộc trò chuyện này.
Hai MC radio người Anh, Danny Kelly và Danny Barker từng cảnh báo cho các thính giả của họ rằng những quan điểm về bóng đá giữa các CĐV với nhau “đôi khi đúng nhưng lắm lúc cũng sai”.
Hoàn toàn có lý do dẫn đến rủi ro sai lệch ấy.
Chúng tôi, những người làm công tác truyền thông, luôn cần giữ đạo đức báo chí về tính trung lập. Ngay từ khi nhập môn, các trường báo đã trang bị cho người học một số loại logic, kiến thức về tính chân thực của sự việc và số liệu để đảm bảo tính trung lập ấy. Viết hay nói về sự vật sự việc nào cũng cần khách quan và chính xác.
Điều đáng nói là, chỉ những người làm truyền thông, nghiên cứu khoa học hoặc làm công tác quản lý là bị ràng buộc bởi sự trung lập đó. Phần còn lại hoàn toàn không bị bắt buộc mang “xiềng xích công lý” này.
Điều đó dẫn đến việc một CĐV bóng đá bình thường – dù trẻ hay già, dù là người lao động hay một siêu anh hùng giấu mặt, cũng có thể nói về bóng đá mà không cần để tâm đến tính trung lập hay chính xác. Khán giả hoàn toàn có thể nói về các đội bóng và cầu thủ bằng biện pháp tu từ nói quá, thậm chí mang tính luận chiến mà bỏ quên sự cân nhắc tính logic.
Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu dùng cách đó để tôn vinh cầu thủ, đội bóng mình yêu mến. Nhưng sẽ là cực kỳ nguy hiểm nếu dùng thái độ bất chấp đó để tranh luận và hạ bệ một đối tượng mà mình thiếu cảm tình. Bởi đơn giản khi ấy, tính công bằng và logic hoàn toàn bị triệt tiêu.
Những người như thế hoàn toàn có thể một tay gạt phăng những ưu điểm của một cầu thủ và tập trung chỉ trích khuyết điểm của cầu thủ ấy khi tranh luận.
Họ không cần ai cho phép để trở nên vô lý. Họ có thể đưa ra ý kiến mà không cần bất cứ điều gì chứng minh, hoặc là bằng những luận cứ mỏng manh như bong bóng xốp. Họ có thể thích ai đó chỉ vì trùng tên và ghét ai đó chỉ vì “ghét cái mặt”.
Đời không còn xứng đáng để ta thơ ngây
Ở chiều ngược lại, người đối thoại với họ hoàn toàn có thể rơi vào cái bẫy tâm lý ấy. Và đừng xem thường hậu quả của nó: Tác động của cảm xúc tiêu cực là không nhỏ, nhất là với những người trẻ, trong thời đại mà nhiều khái niệm đang bị lẫn lộn.
Những người có tâm lý không vững hoặc chưa nắm rõ đặc điểm của những cuộc đối thoại đời thường này, là đối tượng bị tác động nhiều nhất trước những luận điểm vô lý, nhưng bị lấp liếm bởi cách nói diễm lệ hoặc hùng hồn, còn tệ hơn nữa là hùng hổ đến hung hăng.
Trở lại với trường hợp của các CĐV Messi. Họ chắc chắn đang sống trong những ngày hạnh phúc bậc nhất trong cuộc đời mình. Hàng triệu người đã đổ ra đường phố Argentina sau trận bán kết rạng sáng nay.
Họ sẽ chờ đợi theo dõi trận chung kết thế giới với sự thấp thỏm. Chưa biết sẽ viên mãn hay không, nhưng hẳn là hạnh phúc khi được chứng kiến hồi kết của điều mà họ gửi gắm một phần tâm hồn trong một chặng đời không hề ngắn.
Vấn đề là họ không sống một mình trên thế giới này. Bên cạnh những người ủng hộ đối thủ trong trận chung kết – các CĐV của Pháp hoặc Morocco, sẽ còn cả những người không thích Messi và ưa tranh luận vô căn cứ.
Trong ba ngày tới và chắc chắn là sau đó nữa, những lời lẽ độc hại đã sẵn sàng rót vào tai họ, từ những người lạ ác khẩu hoặc thậm chí từ những người thân quen nhất (nếu đơn giản là không cùng lý tưởng).
Trong bối cảnh đó, bí quyết như đã nói, là nắm rõ đặc điểm và bỏ qua những sự tác động vô lý kèm ác ý. Chỉ những tranh luận tử tế dựa trên những luận cứ chắc chắn, phù hợp logic và khoa học, mới xứng đáng được rót vào tai bạn.
Còn nếu bạn hoàn toàn không có nhu cầu tranh luận, thì đơn giản là hãy giữ nguyên quan điểm của mình. Bạn hoàn toàn có quyền đó và đừng để niềm vui của bản thân bị sứt mẻ.
Cuối cùng thì việc ai được coi là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời có quan trọng hay không? Việc so sánh liên tục giữa những cầu thủ cùng thời hay thậm chí là khác thời đại có nhàm chán hay không? Có lẽ với nhiều người là quan trọng.
Nhưng còn phải xem lại, rằng họ muốn làm điều đó để đóng góp cho lịch sử bóng đá hay để thỏa mãn cái tôi vị kỷ của mình.