Ông Saburo Kawabuchi năm nay 85 tuổi, là người sáng lập ra giải vô địch quốc gia Nhật Bản (J.League). Sau đó, ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA).
Trong bài phỏng vấn trên Xinhua, Ông Saburo Kawabuchi chỉ ra những hạn chế vẫn còn xuất hiện trong nền bóng đá Trung Quốc, khiến đội tuyển nước này gây thất vọng trong suốt những năm qua.
Vấn đề của bóng đá Trung Quốc
“Chinese Super League (giải vô địch quốc gia Trung Quốc) trả cho các cầu thủ nội quá nhiều tiền“, ông Kawabuchi phân tích. “Con số này vượt trội nếu so với các cầu thủ chơi ở J.League và K.League. Họ hạnh phúc với số tiền kiếm được tại quê nhà và không còn mong muốn ra nước ngoài chơi bóng, đá ở những đội tốt hơn. Tôi nghĩ điều này hủy hoại sự nghiệp của họ”.
Ông Kawabuchi bắt đầu chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Nhật Bản vào đầu những năm 1990. J.League chính thức khởi tranh lần đầu tiên vào năm 1993. Một năm sau, Trung Quốc ra mắt giải đấu chuyên nghiệp của riêng mình. Hiện tại, hai nền bóng đá thu về những kết quả trái ngược.
Nhật Bản, đội lần đầu tiên dự World Cup vào năm 1998, sắp có lần thứ bảy liên tiếp góp mặt tại vòng chung kết ở Qatar vào tháng 11. Trong khi Trung Quốc, đội có lần đầu tham dự World Cup (và cũng là lần duy nhất) vào năm 2002, phải chờ bốn năm nữa. Trung Quốc thua cả hai trận gặp Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022.
“Tôi bị sốc với màn trình diễn của tuyển Trung Quốc. Làm sao họ có thể trở thành một đội yếu như vậy? Bạn không thể tìm thấy một cầu thủ giỏi nào, và họ cũng không chơi như một tập thể. Tôi không thể thấy bất kỳ sự khao khát nào từ các cầu thủ để giành chiến thắng”, ông Kawabuchi nhận định.
Nhà sáng lập J.League này tiết lộ ông được Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) mời để đưa ra lời khuyên cho giải đấu chuyên nghiệp của họ. “Khi đó, tôi nói Trung Quốc sẽ trở thành đội tuyển mạnh nhất châu Á. Họ có dân số rất đông. Quan trọng nhất, Trung Quốc có nhiều cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi ở hiện tại”, ông cho biết.
Ông Kawabuchi cho biết ở các cấp CLB, nhiều đội Trung Quốc thường bị chia rẽ vì các cầu thủ đến từ tỉnh, thành khác nhau không thể hòa hợp khi chơi bóng. “Takeshi Okada nói với tôi về trải nghiệm không vui này sau khi trở về từ CSL và phàn nàn rằng quá khó để huấn luyện một đội Trung Quốc.”
Takeshi Okada, phó chủ tịch JFA và là cựu HLV trưởng tuyển Nhật Bản, là người từng dẫn dắt Hangzhou Lyucheng ở giải Trung Quốc từ năm 2011 đến 2013.
Tham vọng vô địch World Cup của người Nhật
Trong buổi lễ bốc thăm chia bảng World Cup 2022, Nhật Bản bị xếp vào bảng E với Tây Ban Nha, Costa Rica và Đức. Ông Kawabuchi cho rằng đội nhà “nên cảm thấy may mắn” nếu cầm hòa được Tây Ban Nha và Đức. “Chúng tôi không có nhiều cơ hội được gặp hai đội mạnh như thế”, ông chia sẻ.
Năm 2005, khi còn là chủ tịch JFA, ông Kawabuchi khẳng định Nhật Bản ấp ủ tham vọng nâng cao chức vô địch World Cup vào năm 2050. Hiện tại, người sáng lập J.League tin rằng đây vẫn là mục tiêu thực tế.
“Vẫn còn khoảng 30 năm nữa đến mốc thời gian đó. Tôi tin rằng Nhật Bản có thể làm được”, ông nói. “Có khoảng 60 cầu thủ Nhật Bản đang chơi ở châu Âu và năm cầu thủ đội một ở năm giải đấu hàng đầu thế giới. Nếu con số này được tăng lên 20, chúng tôi sẽ tự tin hơn để đánh bại tất cả các ông lớn ở châu Âu.”
Ông Kawabuchi từng dẫn dắt tuyển Nhật Bản dự Olympic Tokyo 1964 và Olympic Los Angeles 1984. Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm Thị trưởng Làng Olympic Tokyo 2020 và suýt như trở thành chủ tịch Tokyo một năm sau đó, sau khi ông Yoshiro Mori từ chức.
“Ai đó giới thiệu tôi trở thành chủ tịch,” ông Kawabuchi nói. “Nhưng tôi thực sự tin rằng ông Seiko Hashimoto là sự lựa chọn đúng đắn. Tôi nghĩ mình rất may mắn khi không được bổ nhiệm.”