Lionel Messi đã hoàn thành giấc mơ World Cup vào hôm 18/12, khi anh mang về cho Argentina chức vô địch lần thứ ba sau chiến thắng trước Pháp.

Tuy nhiên, Messi có thể sớm thấy mình trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi quyền đăng cai World Cup 2030 vẫn chưa được xác định.

Khi Argentina cùng các quốc gia láng giềng tính phương án đăng cai World Cup 2030, Messi lại đang quảng bá cho Saudi Arabia – đối thủ tiềm năng của các nước Nam Mỹ.

Sau Qatar, World Cup sẽ hướng tới Mỹ, Canada và Mexico, những quốc gia sẽ cùng tổ chức giải đấu được mở rộng đầu tiên gồm 48 đội vào năm 2026.

Kỳ World Cup được mở rộng như vậy sẽ chứng kiến nhiều cuộc đấu thầu đăng cai chung trong tương lai. Trong khi đó, cả Saudi Arabia và Argentina đều tính đến phương án tham gia đồng tổ chức World Cup 2030 cùng với các quốc gia khác.

Theo Guardian, Messi đã trở thành đại sứ quảng bá cho Saudi Arabia với hợp đồng trị giá khoảng 30 triệu USD. Đối với Messi, việc ký thỏa thuận với Saudi Arabia có thể làm phức tạp thêm các vấn đề đối với anh.

“Bây giờ Argentina đã vô địch World Cup, nỗ lực mang World Cup đến đó (Ai Cập, Hy Lạp và Saudi Arabia) càng có ý nghĩa hơn”, Miguel Simon, bình luận viên thể thao cấp cao của ESPN từ Argentina, cho biết, Sportico đưa tin.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo thỏa thuận, Messi đã trở thành đại sứ du lịch của Saudi Arabia, khi nước này cố gắng quảng bá đất nước là điểm đến thể thao thực sự. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chính phủ Saudi Arabia để thực hiện Tầm nhìn 2030.

Vào tháng 5, Messi đã ký thỏa thuận quảng bá cho Saudi Arabia và trong vài tháng, quốc gia này bắt đầu úp mở về nỗ lực giành quyền đăng cai World Cup 2030.

Trong khi đó, tờ Daily Telegraph tháng 1/2021 thông tin Cristiano Ronaldo đã từ chối thỏa thuận trị giá 6 triệu euro/năm để quảng bá du lịch cho Saudi Arabia. Theo nhiều nguồn tin của Athletic, số tiền mà Messi nhận được có thể gấp tới 5 lần con số trên.

Bộ trưởng Du lịch Ahmed Al Khateeb cho biết Saudi Arabia đang xem xét đấu thầu chung với Hy Lạp và Ai Cập. “Ba nước sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và chắc chắn sẽ sẵn sàng. Và tôi biết lúc đó Saudi Arabia sẽ xây dựng các sân vận động và khu vực dành cho người hâm mộ hiện đại nhất”, ông Al Khateeb nói.

Tuy nhiên, hầu bao rủng rỉnh của Saudi Arabia không đảm bảo cho nỗ lực đấu thầu thành công. Đầu tháng 8, Uruguay đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đồng tổ chức giải đấu với Argentina, Paraguay và Chile.

Thông báo của Uruguay là một phần của buổi lễ bên trong Estadio Centenario của Montevideo, nơi diễn ra kỳ World Cup đầu tiên vào 92 năm trước.

“Đăng cai World Cup là công việc to lớn”, ông Simon nhận định. “Chúng tôi chưa nghe nhiều về nỗ lực đấu thầu kể từ thông báo ban đầu, do các quốc gia đang giải quyết vấn đề kinh tế nghiêm trọng và không thể chi tiền cho các sân vận động”.

Nhiều ánh mắt dồn vào bản hợp đồng 30 triệu USD của Messi - Bóng Đá

 CĐV Argentina ăn mừng đội nhà vô địch World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Messi không có mặt tại buổi lễ đó. Tuy nhiên, vào năm 2018, anh được bổ nhiệm làm đại sứ quảng bá cho chiến dịch giành quyền đăng cai World Cup cùng với Luis Suarez, ngôi sao bóng đá người Uruguay và cũng là đồng đội khi đó của anh ở Barcelona.

Fernando Marin, điều phối viên của chiến dịch giành quyền đăng cai World Cup của các nước Nam Mỹ, khẳng định rằng Messi và Suarez đều đồng thuận với điều đó.

“Chúng tôi đã nói với anh ấy (Messi) về mục tiêu của mình. Và anh ấy cảm thấy điều đó là khả thi”, vị này nói.

Bốn năm sau, cả cuộc đấu thầu của Uruguay hay sự tham gia của Messi đều không được đảm bảo.

“Tôi không phải tay cờ bạc, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ đặt cược vào Saudi Arabia cho quyền đăng cai World Cup 2030”, Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh SKEMA ở Paris, nhận định.

Tham vọng của Saudi Arabia

Ông Chadwick cho biết Saudi Arabia đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá quan trọng nhất thế giới, như một phần của chiến lược đầu tư tập trung vào phát triển thể thao và định vị đất nước là điểm đến của những sự kiện.

Việc Messi ký hợp đồng với câu lạc bộ Paris Saint Germain của ông chủ người Qatar năm ngoái đã ràng buộc anh chặt chẽ với nước chủ nhà World Cup năm nay. Tuy nhiên, trước đó, ngôi sao bóng đá này đã có mối quan hệ với Saudi Arabia.

Messi đã đến thăm Saudi Arabia vào năm 2017 và năm 2019, khi anh chơi trận giao hữu với Brazil trong Riyadh Season, sự kiện giải trí lớn của nước này. Năm ngoái, anh đã trở lại để quảng bá cho Jeddah Season, sự kiện kéo dài hai tháng.

“Tôi đã thấy hàng nghìn người không phải là người Argentina ở đây mặc áo đấu của Messi. Tôi nghĩ sự nổi tiếng của anh ấy ở đây là do hợp đồng mà anh đã ký để quảng bá du lịch cho Saudi Arabia, cộng với việc anh chơi cho PSG, đội bóng thuộc sở hữu của người Qatar”, ông Simon nói.

Nhiều ánh mắt dồn vào bản hợp đồng 30 triệu USD của Messi - Bóng Đá

 Messi được chào đón trong chuyến thăm tới Saudi Arabia hồi tháng 5. Ảnh: Twitter/ Ahmed Al Khateeb.

Với dân số 35 triệu người, Saudi Arabia là điểm đến khác so với nước láng giềng Qatar, nơi có 300.000 dân. Giải bóng đá quốc gia ở đây được thành lập vào năm 1976 và bóng đá cũng là môn thể thao phổ biến nhất ở vương quốc này.

Tuy nhiên, ông Chadwick cho biết cuộc tranh luận về quyền đăng cai không nhất thiết phải liên quan đến việc có khán giả địa phương.

“Một kỳ World Cup ở Ai Cập, Hy Lạp và Saudi Arabia mang đến cho (Chủ tịch FIFA Gianni) Infantino và FIFA một đề xuất thực sự thú vị”, ông Chadwick nhận định.

“Ông Infantino sẽ nói ‘tôi không đưa World Cup đến một hoặc hai quốc gia: Tôi đã mang nó đến ba châu lục’”, ông Chadwick nói thêm.

Saudi Arabia đã đầu tư vào nhiều hợp đồng thể thao, tiêu biểu là việc tiếp quản câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh Newcastle United, giải LIV Gold tour và giải Grand Prix Saudi Arabia.

Ufuk Secgin, Giám đốc tiếp thị của công ty du lịch HalalBooking có trụ sở tại Anh, cho biết hợp đồng với Messi có thể giúp hiện đại hóa hình ảnh của vương quốc, cũng như góp phần vào mục tiêu trong Tầm nhìn 2030 là thu hút 100 triệu du khách/năm, Gulf Business Insight đưa tin.

Đối với Saudi Arabia, việc đăng cai World Cup vào năm 2030 có thể giúp cải thiện hình ảnh của Thái tử Mohammed bin Salman trên trường quốc tế.

Thái tử bin Salman muốn tổ chức giải đấu để thuyết phục thế giới – và dân số trẻ của nước này – rằng ông có kế hoạch giúp quốc gia giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, thông qua kế hoạch Tầm nhìn 2030.

Trong khi đó, ông Marin tin tưởng Messi vẫn sẽ là một phần trong kế hoạch của họ.

“Messi có quyền lực đặc biệt, cả trong và ngoài sân cỏ. Chỉ riêng Messi đã là thương hiệu mạnh mẽ”, ông Marin nói. “Anh ấy sẽ là phần quan trọng trong nỗ lực tranh cử của Nam Mỹ cho (World Cup) năm 2030”.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link