“Gà trống Gaulois” sẽ chạm trán Morocco vào 20h ngày 14/12 theo giờ Pháp. Nếu ở xứ lục lăng vào lúc này, sẽ không khó để cảm nhận một bầu không khí cực kỳ sôi động sắp ập đến.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên: Nếu lượng theo dõi trực tiếp trận tứ kết giữa hai ông lớn Pháp – Anh ở xứ lục lăng là 17 triệu thì trận cầu tới đây dự kiến còn thu hút lượng khán giả lớn hơn rất nhiều.
Cộng đồng người Morocco trên đất Pháp
Pháp và Morocco từng gắn bó mật thiết trong nửa đầu thế kỷ 20. Theo dòng lịch sử này, Morocco có cộng đồng người hải ngoại khổng lồ trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 5 triệu người Morocco và con cháu trực hệ của họ đang sinh sống ở nước ngoài trong khi dân số hiện tại của Morocco chỉ là 37 triệu người.
Quốc gia thu hút người Morocco xa xứ nhất tất nhiên là Pháp với tỷ lệ 1/3 cộng đồng người Morocco hải ngoại xem xứ lục lăng là quê hương thứ hai.
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), tính đến năm 2019, người Morocco là nhóm nhập cư ngoài EU lớn thứ hai ở Pháp, chiếm khoảng 18,4% tổng số dân nhập cư ở nước này.
Người Morocco (và các thành viên khác của cộng đồng người Bắc Phi) sống ở Pháp cũng có tác động lớn đến văn hóa của đất nước này từ ẩm thực cho đến ngôn ngữ.
Mới năm ngoái thôi, người Pháp bình chọn couscous, một món ăn chính của ẩm thực Maghrebi (vùng gồm các quốc gia Morocco, Algeria, Tunisia và Libya), là món yêu thích của họ. Nhiều nhân vật Pháp nổi tiếng cũng có gốc Morocco như nhà văn kiêm nhà báo được nhiều người mến mộ Leila Slimani.
Tình yêu, lòng trung thành cho đội tuyển của nhiều người Pháp gốc Morocco vì thế đang sớm bị chia rẽ.
Đồng đội đối đầu
Cũng do yếu tố lịch sử, đội tuyển Morocco dự World Cup 2022 chịu nhiều ảnh hưởng từ Pháp. Trong đó, có hai cầu thủ sinh ra ở xứ lục lăng là trung vệ Romain Saiss và chân chạy cánh Sofiane Boufal.
Ngôi sao lớn nhất của họ, hậu vệ Achraf Hakimi, đang chơi cho Paris Saint-Germain và là bạn thân của siêu sao Kylian Mbappe. Cả hai thậm chí đã trò chuyện công khai trên Twitter trong thời gian diễn ra World Cup.
Mbappe là người mở lời trước khi đăng ảnh chụp hai người khoác vai nhau kèm biểu tượng cảm xúc lá cờ Morocco, vương miện và đôi tay tạo thành hình trái tim. Phía đối diện, Hakimi đáp lời: “Hẹn gặp nhé bạn tôi (kèm biểu tượng cảm xúc trái tim và cái bắt tay)”.
Hai bài đăng đó được đưa lên Twitter vào ngày 7/12, ngay sau khi cả tuyển Pháp và Morocco đều giành quyền vào tứ kết và cùng nhánh đấu với nhau. Khi ấy, trước mặt Pháp là tuyển Anh còn trước mặt Morocco là thử thách cực khó mang tên Bồ Đào Nha.
Ấy thế mà họ vẫn tin tưởng sẽ vượt qua để tay bắt mặt mừng trước khi gạt qua tình riêng để đối đầu ở bán kết. Họ đã toại nguyện.
Ngoài Hakimi, nhiều cầu thủ khác của tuyển Morocco cũng từng được đào tạo hoặc chơi cho các CLB Pháp. HLV trưởng của họ, ông Walid Regragui, cũng sinh ra ở Pháp tại một thị trấn nằm bên bờ sông Seine và cách Paris chưa đầy 30 km. Regragui hiện sở hữu hai quốc tịch Morocco và Pháp.
“Chiến đấu vì ông bà mình”
Hãy xoáy sâu hơn một chút về trường hợp của Hakimi để hình dung rõ nét hơn một phần cảm xúc của các cầu thủ Morocco trước trận đấu này.
Trước khi gắn bó với PSG như ngày nay, Hakimi tạo dựng tên tuổi tại Inter Milan với chức vô địch Serie A khi được HLV Antonio Conte dẫn dắt. Nhưng trước đó nữa, ít ai còn nhớ anh chính là sản phẩm của lò Castilla, được Real Madrid chiêu mộ từ khi mới 7 tuổi và đào tạo trong suốt 10 năm.
Như đã đề cập từ đầu bài, Tây Ban Nha từng cùng Pháp chia Morocco thành hai xứ bảo hộ. Thế nên xét về mối quan hệ giữa họ với Morocco hiện tại, cũng là khá tương đồng.
Hakimi đang chơi ở Pháp nhưng thật ra là thành viên của một gia đình nhập cư hợp pháp vào Tây Ban Nha nhiều năm về trước. Từ nhỏ, anh đã được vào sân xem những huyền thoại Raul Gonzalez hay Sergio Ramos thi đấu miễn phí. Hakimi thậm chí từng được gọi lên đội U19 Tây Ban Nha, được đóng quân ở một khu ngoại ô dành cho giới thượng lưu, gần một chợ cóc nơi cha anh đang bán hàng khi ấy.
Song, đây là những gì Hakimi chia sẻ về kỷ niệm đó: “Tôi ở Las Rozas vài ngày và cảm thấy đó không phải nơi phù hợp. Đó chỉ là cảm giác của tôi thôi, không có gì đặc biệt cả. Đơn giản vì đó không phải là những gì tôi trưởng thành cùng, không phải là văn hóa Arab, văn hóa của người Morocco chúng tôi”.
Thậm chí, Hakimi cũng không cảm thấy mình thuộc về Real Madrid ở cấp CLB. “Ngay cả khi tôi có căn cước và hộ chiếu Tây Ban Nha, tôi vẫn bị phân biệt vì diện mạo của mình. Họ luôn nhận ra khuôn mặt Morocco của bạn”.
Còn cách đây một tháng, anh miêu tả việc khoác áo Morocco tranh tài ở World Cup: “Giống như bạn đang chơi cho ông bà mình vậy”.
Mượn chuyện Morocco – Tây Ban Nha để quay lại chuyện Morocco – Pháp. Đó rất có thể cũng là tâm thế của nhiều cầu thủ và cả HLV trưởng Morocco, những người có mối liên hệ với xứ lục lăng trước trận đấu này. Họ có thể được sinh ra trên đất Pháp, có thể được Pháp đào tạo, có thể dùng tiếng Pháp hàng ngày (bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Arab kiểu Morocco) và có người lại đang kiếm kế sinh nhai trên chính xứ lục lăng.
Họ thậm chí mang đến những ảnh hưởng không nhỏ về văn hóa và được chính những người Pháp bản địa ghi nhận như trường hợp của món couscous. Thế nhưng một khi đã khoác lên màu áo của quê cha đất tổ Morocco, cảm nhận và sứ mệnh sẽ là hoàn toàn khác như Hakimi chia sẻ.
Sự liên hệ ở Pháp là một phần đời của họ nhưng tiếng nói dân tộc chắc chắn là điều thiêng liêng nhất. Morocco sẽ bước vào trận đấu bằng tư thế tay bắt mặt mừng với những người bạn thân quen, tôn trọng họ nhưng cũng sẽ chiến đấu hết mình với họ. Và cũng vì nhớ lại những giao điểm lịch sử, tuyển Morocco sẽ có nhiều điều để chứng minh.
Thử thách khó cho “Gà trống Gaulois”
Đó không chỉ là chuyện lịch sử thuần túy mà còn về lịch sử đối đầu trong bóng đá, hai đội tuyển cũng từng chạm trán đến 11 lần kể từ năm 1963. Trong đó dễ hiểu khi với sức mạnh vượt trội, Pháp giành chiến thắng đến 7 lần, hai đội hòa 3 lần còn Morocco mới có một chiến thắng (ngạc nhiên thay, cũng là lần đầu tiên hai đội gặp nhau).
Lần cuối cùng hai đội gặp nhau cũng đã từ tận năm 2007. Vì vậy, đây sẽ là một cuộc đối đầu rất khác ở vòng bán kết của World Cup. Morocco có quyền hy vọng vào điều khác biệt.
Ở chiều ngược lại, cũng không cần nói nhiều về cảm giác quen thuộc của các cầu thủ Pháp khi giáp mặt Morocco. Nhà ĐKVĐ thế giới vẫn cho thấy sự đáng sợ không hề suy giảm với đội hình đồng đều và nhiều ngòi nổ đẳng cấp trên hàng công.
Thế nhưng trước mắt họ có thể là thử thách khó hơn tất thảy những gì đã qua ở World Cup 2022: Một chú ngựa ô kỳ dị mang dáng dấp của Hy Lạp 2004, độ quái của Uruguay 2010 và sự gan lỳ của Croatia 4 năm trước. Càng phải cảnh giác hơn khi đây là đối thủ hiểu người Pháp nhất.