Trong bối cảnh dự án Super League chưa hẹn ngày trở lại, còn UEFA Champions League chỉ đứng đầu về danh tiếng chứ không thể tạo ra lợi nhuận, Premier League đang là “mảnh đất vàng” để các CLB thu về lợi nhuận. Khoản tiền quảng cáo cùng bản quyền truyền hình khổng lồ khiến giải đấu lớn nhất xứ sở sương mù đang tạo ra một khoảng cách rất lớn với phần còn lại của châu Âu.
Khi tiền chỉ là những con số
Những CLB tại giải đấu hàng đầu nước Anh, từ lớn đến nhỏ, đều có thể tham gia một thương vụ chuyển nhượng với phương châm: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Khi phiên chợ hè 2022 chỉ còn tính bằng giờ, Ngoại hạng Anh đã chi ra tổng cộng gần 2 tỷ euro. Con số này chắc chắn vẫn chưa dừng lại cho đến sau 4 giờ sáng ngày 1/9 theo giờ Việt Nam.
8 trên 10 đội chi nhiều nhất mùa hè hiện tại đến từ xứ sở sương mù. 5 trong số đó không được tham dự Champions League (Nottingham Forest, West Ham, Wolves, Arsenal và Man United). Ngoại trừ Leicester City, 19 đội còn lại của Ngoại hạng Anh đều tích cực “chạy đua vũ trang”. Họ cùng nhau tạo ra gần 60 thương vụ có giá ít nhất từ 10 triệu bảng. Xét trên bình diện lục địa già, 53 trên tổng số 100 thương vụ đắt giá nhất thuộc về các CLB Anh.
Thông thường, phần lớn số tiền đầu tư cho chuyển nhượng của các giải đấu hàng đầu khác chỉ xoay quanh vài cái tên như PSG, Bayern Munich, Real Madrid hay Barcelona. Thực tế này lại hoàn toàn khác tại xứ sở sương mù. Leeds United chi gần 90 triệu bảng sau khi về đích thứ 17 mùa trước. West Ham phá kỷ lục chuyển nhượng 2 lần liên tiếp trong một mùa hè. Tân binh Nottingham Forest thay nguyên một đội hình, và Willy Boly chuẩn bị trở thành tân binh thứ 19. Tất cả cho thấy sức mạnh tài chính kinh khủng của Ngoại hạng Anh.
Tất nhiên, các đối thủ từ những nền bóng đá khác không chịu đứng nhìn. Real Madrid bỏ gần 70 triệu bảng cho cầu thủ trẻ Aurelien Tchouameni. Bayern Munich đem về Mathijs de Ligt từ Juventus với giá 57 triệu bảng. Barcelona hoạt động mạnh mẽ với tổng nguồn chi đã chạm mốc 130 triệu bảng. Nhưng đó là tất cả những gì nổi trội nhất. Mọi thương vụ đình đám còn lại đều thuộc về xứ sở sương mù.
Nguồn thu không đáy
Nguyên nhân chính giúp Ngoại hạng Anh tạo ra khoảng cách lớn đến thế là từ tiền bản quyền truyền hình. Công ty tài chính Deloitte đã dự đoán rằng tổng doanh thu của các câu lạc bộ tại Ngoại hạng Anh trong mùa giải 2022/23 có thể lên tới 6 tỷ bảng nhờ các hợp đồng phát sóng mới ở nước ngoài. Bên cạnh đó, giải đấu được đổi tên từ năm 1992 này có thị phần chiếm 44% trên thị trường truyền thông toàn cầu về các giải VĐQG.
Để dễ so sánh, La Liga là giải đấu đứng thứ 2 với 3,7 tỷ doanh thu, chỉ gần 60% so với Ngoại hạng Anh. Nếu không có gì thay đổi, Ngoại hạng Anh sẽ có doanh thu hàng năm cao hơn cả… Bundesliga và Serie A cộng lại.
“Tí hon” Champions League
Những đội bóng có thực lực tại bất kỳ giải đấu nào đều chạy đua cho một suất dự Champions League. Tuy nhiên, đây có vẻ là con đường duy nhất để họ tăng trưởng nguồn thu chứ không phải con đường tốt nhất. Cơ cấu tiền thưởng tại cúp C1 chưa bao giờ làm thỏa mãn các “ông lớn”. Nhà vô địch châu Âu 2021 là Chelsea nhận về hơn 100 triệu bảng tiền thưởng, trong khi Sheffield United đứng đội sổ Ngoại hạng Anh trong cùng năm vẫn thu về 97,5 triệu bảng.
Những đội bóng lớn tại châu Âu tin rằng họ có thể duy trì vị thế tại cúp C1 từ năm này qua năm khác, nhưng cách chi tiêu dè sẻn mỗi phiên chợ lại cho thấy nhiều rủi ro. Atletico Madrid, Sevilla, Frankfurt hay Bayer Leverkusen chưa chi quá 20 triệu bảng hè này, ít hơn cả Crystal Palace.
Kinh tế cũng là yếu tố giúp Ngoại hạng Anh trở thành điểm đến không thể chối từ. Các trụ cột của những CLB lớn ngoài Anh thường xuyên gật đầu khi nhận được đề nghị từ Premier League. Hè này, Matheus Nunes rời Sporting Lisbon để đến Wolves, đội xếp thứ 10 mùa trước. Diego Carlos từ bỏ cơ hội đá Champions League cùng Sevilla để cập bến Aston Villa. Nhà vô địch Áo, RB Salzburg bất lực nhìn Brenden Aaronson tái ngộ với HLV Jesse Marsch tại Leeds United.
Sự thống trị của Ngoại hạng Anh trên bản đồ bóng đá thế giới ngày càng rõ nét hơn. Đó cũng là lý do mà Barcelona, Real Madrid và Juventus kiên quyết ấp ủ dự án Super League. Xét cho cùng, câu chuyện vẫn chỉ xoay quanh “tiền về túi ai”. Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) không thể làm hài lòng các nhân tố chủ chốt trong hệ thống giải đấu. Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) lại “yêu chiều” tất cả 20 đội bóng, qua đó tạo nên ngành công nghiệp triệu đô mang tên Ngoại hạng Anh.