Cái tên Shin Tae-yong gợi mở cho HLV Park Hang-seo nhiều điều cần tránh, trước hết là ở cách cầm quân đấu Thái Lan trong những trận sống còn. Indonesia có thể đã không phải gặp Việt Nam ngay từ bán kết nếu tận dụng tốt lợi thế dẫn bàn và hơn người trước Thái Lan ở vòng bảng.
Bài học từ Shin Tae-yong
Sau khi Marc Klok mở tỉ số ở trận đấu tại vòng bảng AFF Cup 2022 đó, Indonesia có vô khối cơ hội khác nhưng đều bỏ lỡ và rồi bị gỡ hoà bởi cú sút xa của Sarach Yooyen. HLV Shin Tae-yong có lý do để quở trách các học trò vì sự cẩu thả trong những quyết định dứt điểm cuối cùng. Tuy nhiên, bản thân ông Shin cũng không hoàn toàn nhạy bén với diễn biến trên sân. Indonesia dẫn trước phút 50, Thái Lan mất người phút 62, nhưng đến phút 75 ông mới thay vào sân 2 vị trí: một tiền đạo thay tiền đạo và một tiền vệ thay tiền vệ.
Đấy chỉ là sự thay thế, không phải tăng cường. Trong 13 phút Thái Lan hoảng loạn vì khó khăn chồng chất, ông Shin đã không kịp có những bổ sung nhân lực tấn công để đào sâu cách biệt. Khi ông bắt đầu thay người, chính đội hình Indonesia lại xộc xệch và thua từ một tình huống mất bóng phản công.
Trước một đối thủ sừng sỏ như Thái Lan, cơ hội thuận lợi như thế không nhiều. Nếu không đủ quyết đoán và để nó trôi qua, trả giá là điều tất yếu. Ngoài yếu tố chuyên môn, người đồng hương Shin Tae-yong cũng là một trải nghiệm đáng giá cho thầy Park ở cách tiếp cận trận đấu. Ông Shin dường như mất bình tĩnh trước mỗi lần gặp ông Park, vì cái “Tôi” phải khẳng định bản thân gắn với sự thăng tiến của bóng đá Indonesia. Nó không trực tiếp nhưng ảnh hưởng nhiều đến trạng thái của các cầu thủ. Học trò của ông Shin chỉ chơi tốt ở lượt đi nhưng hoàn toàn đánh mất mình ở lượt về.
Bài học tự thân ông Park
Ông Shin với Việt Nam thế nào thì ông Park với Thái Lan cũng đã từng thế ấy. Vấn đề của ông Park không phải là phân định ăn thua với “Mano” Polking, mà là một dấu son còn khuyết trong bảo tàng chinh phạt Đông Nam Á. Ông Park thành công trên mọi nẻo đường, nhưng ông chưa từng đưa tuyển Việt Nam thắng tuyển Thái Lan ở một trận đấu chính thức.
Cho đến nay, trận thua duy nhất của ông Park ở Đông Nam Á chính là trước Thái Lan – nó mặn đắng ngay từ cách chạy đà. Khi gặp nhau tại AFF Cup 2020, ông Park và tuyển Việt Nam vừa trở về từ vòng loại cuối cùng World Cup 2022, sa lầy trong thất bại trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Thái Lan là cơ hội để ông Park tìm lại niềm kiêu hãnh, cải thiện hình ảnh một Việt Nam dù đã đi thật xa nhưng chỉ biết co mình phòng ngự, và trên hết, khẳng định cho Đông Nam Á thấy ai mới thật sự là nhà vua khu vực.
Thế là trong lần hiếm hoi thuyền trưởng Park Hang-seo lái con tàu của mình theo phong cách phiêu lưu, chúng ta đã chìm ở ngoài khơi. Sai lầm của Nguyễn Phong Hồng Duy mở ra thất bại nhưng nó cũng chỉ là hệ quả của một thế trận mong manh, công chẳng ra công mà thủ không ra thủ. Số phận không hiểu ưu ái hay trêu ngươi Park Hang-seo mà để hai trận cuối của ông ở Việt Nam, đối thủ lại chính là người Thái.
Ông Park trước chung kết lượt đi đã tự đặt lên vai mình sứ mệnh phải một lần “đo ván” Thái Lan, gỡ bỏ 14 năm không thắng của tuyển Việt Nam và cũng là để nói một lời chia tay viên mãn. Sứ mệnh ấy tiếp thêm sức mạnh hay lại là rào cản tâm lý cho cả ông và cầu thủ?
Xua tan ám ảnh?
Hơn một năm trước, trên đất Singapore, thầy Park đã nhanh chóng nhận ra những sai lầm ở lượt đi để có một lượt về chặt chẽ, chỉ tiếc rằng chúng ta không thể lật ngược thế cờ trước người Thái. Bây giờ là hai cơ hội nữa để nhà cầm quân người Hàn Quốc đòi lại món nợ Thái Lan khi tuyển Việt Nam đang ở trong một tâm thế khác.
Chúng ta bắt đầu thể hiện hình ảnh một đội bóng đang thẩm thấu dần giá trị từ những cuộc viễn chinh. Không nhất thiết trận nào cũng phải chơi hay và áp đảo nhưng đoàn quân của thầy Park luôn đạt mục tiêu quan trọng nhất: chiến thắng. Tuyển Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thực sự khó khăn trước Malaysia, Indonesia rồi chúng ta vẫn vượt qua và có được những thành quả thuyết phục. Chúng ta đang sống bằng những bàn thắng của Nguyễn Tiến Linh, bằng những pha cứu thua của Đặng Văn Lâm và càng vào giai đoạn khốc liệt, hàng phòng thủ càng trở nên vững chãi.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là tuyến tiền vệ đang chơi chưa đúng sức. Ngoại trừ Đỗ Hùng Dũng có 2 kiến tạo quan trọng, các vị trí được mong chờ khác như Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải đều chật vật để tìm cảm giác. Ông Park chưa sử dụng thường xuyên Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Quyết nhưng có lẽ đột biến từ những con người ấy cũng không nhiều. Điều may mắn là Thái Lan năm nay cũng sa sút khá nhiều so với chính họ. Không còn Chanathip Songkrasin và Thanawat Suengchitthawon, khu trung tuyến cũng trở nên yếu ớt trong tay Polking.
Thái Lan đã hầu như “mất giữa” khi gặp Indonesia và cũng tê liệt ở bán kết lượt đi với Malaysia. Một giải pháp tình thế khá hay mà ông Polking sử dụng là đưa Theerathon Bunmathan có xu hướng đá vào trung lộ nhiều hơn để kiến tạo và thu hồi bóng. Theerathon chắc chắn là đối thủ xứng tầm Đoàn Văn Hậu cả về ảnh hưởng chuyên môn lẫn những chiêu trò tiểu xảo và khả năng xốc dậy tinh thần quyết chiến cho đồng đội.
Hẳn là ông Park sẽ phải nhắn nhủ các học trò tập trung vào quả bóng thay vì bị cuốn theo “điểm nóng” Theerathon, người mà trong bộ sưu tập “cùi chỏ” đã có la liệt Nguyễn Công Phượng, Phan Văn Đức, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Phong Hồng Duy… Chúng ta cần ghi nhớ một sai lầm chí mạng của các cầu thủ Indonesia, cứ “đi tìm” Đoàn Văn Hậu mà quên mất việc chính là phải đá bóng, phải gỡ hoà. Được chơi chung kết lượt đi trên sân Mỹ Đình và có nhiều hơn một ngày nghỉ là lợi thế nho nhỏ của tuyển Việt Nam. Thầy Park sẽ phải thận trọng nhưng quyết đoán trong mỗi nước cờ để tận dụng tối đa 90 phút này nếu không muốn khó khăn nhân lên gấp bội ở lượt về trên đất Thái.