Ngày 12/7/1998, Pháp lần đầu tiên vô địch World Cup, sau khi đánh bại đội tuyển Brazil gồm những ngôi sao như Ronaldo, Rivaldo và Roberto Carlos trong trận chung kết tại sân vận động Stade de France (Paris).

Sau tiếng còi mãn cuộc, hàng trăm nghìn cổ động viên Pháp đổ về đại lộ Champs-Elysees để ăn mừng chiến thắng lịch sử. Hình ảnh Zinedine Zidane, tiền vệ đã ghi 2 bàn thắng hôm đó, xuất hiện trên Khải Hoàn Môn cùng dòng chữ “Merci ZiZou”, biệt danh của nam cầu thủ, và “Zidane President”, theo Al Jazeera.

Chỉ hai năm sau, đội tuyển Pháp tiếp tục giành chức vô địch Euro 2000. Zidane vẫn là người hùng, được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Zidane, người Algeria nhập cư thế hệ thứ hai, sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Marseille. Ông từng là thành viên của một đội bóng bao gồm các cầu thủ gốc Armenia, Ghana, Senegal và Guadeloupe.

Khi cái tên Zidane được hô vang khắp các đường phố, nhiều người nói rằng chiến thắng World Cup 1998 không chỉ là kỳ tích của lịch sử bóng đá Pháp, mà còn là cột mốc đoàn kết của nhiều nền văn hóa, sắc tộc.

Đội tuyển Pháp thường được biết đến với cái tên “Les Bleus” (chỉ màu áo xanh truyền thống), nhưng đã được gọi bằng biệt danh mới là “Black, Blanc, Beur” (Đen, Trắng và Arab) trong giải đấu năm 1998.

Đoàn quân áo xanh được ca ngợi như tấm gương về sự hội nhập thành công. Tờ Le Monde gọi đội tuyển quốc gia là “biểu tượng của sự đa dạng và thống nhất”. Tổng thống Pháp lúc bấy giờ Jacques Chirac nói rằng “đội bóng ba màu và đa màu” đã tạo ra một “hình ảnh đẹp về đất nước và con người Pháp”.

Ảo vọng

Dù thành công vang dội của “Les Bleus” trong những năm 1998-2000 nhận nhiều phản ứng tích cực, căng thẳng sắc tộc âm ỉ trong lòng nước Pháp vẫn tồn tại.

Jean-Marie Le Pen, chính khách người Pháp, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia từ khi thành lập vào năm 1972 đến năm 2011, từng nói rằng đội tuyển Pháp có quá nhiều cầu thủ không phải người da trắng.

Năm 2000, 36% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát ở Pháp phàn nàn rằng có quá nhiều cầu thủ gốc nước ngoài trong đội tuyển quốc gia.

Đỉnh điểm là trận đấu giữa Pháp và Algeria ở Paris vào năm 2001. Trước khi tiếng còi khai cuộc vang lên, các cổ động viên đã bắt đầu la ó. Trận đấu bị hủy bỏ ở phút thứ 76 trong tình cảnh hỗn loạn.

Thế hệ 'Black, Blanc, Beur' giúp bóng đá Pháp chiến thắng - Bóng Đá

Zidane là người hùng của nước Pháp tại World Cup 1998 và Euro 2000. Ảnh: Reuters. 

Khoảnh khắc này đã trở thành “mớ hỗn độn khủng khiếp”, Timothee Maymon, nhà báo thể thao người Pháp, mô tả.

Chúng tôi cứ nghĩ rằng năm 1998 và 2000 sẽ mở ra một chương mới cho nước Pháp: cùng thi đấu, cùng giành chiến thắng, có thể quên đi nguồn gốc. Tuy nhiên, sự kiện ngày hôm đó cho thấy suy nghĩ này chỉ là ảo vọng“, Maymon nói.

Bất chấp những tranh cãi, Maymon khẳng định rằng chính người nhập cư đã giúp bóng đá Pháp vươn tầm.

Nếu chỉ có các cầu thủ da trắng, chúng tôi đã không thể giành được chức vô địch World Cup năm 1998 và 2018“, nhà báo thể thao giải thích.

Ông cũng nhấn mạnh Quả bóng Vàng, giải thưởng cá nhân danh giá nhất cho các cầu thủ, là minh chứng cho thấy sự phụ thuộc của bóng đá Pháp vào người nhập cư. 4 trong số 5 cầu thủ “Les Bleus” từng nhận giải thưởng này không phải là người gốc Pháp, bao gồm Raymond Kopa, tiền vệ huyền thoại của Real Madrid xuất thân từ một gia đình nhập cư Ba Lan; Michel Platini, người gốc Italy và Zinedine Zidane, Karim Benzema, cả hai đều là người gốc Algeria.

Đội hình hiện tại ở World Cup 2022 là một ví dụ khác về việc người nhập cư đã định hình bóng đá Pháp như thế nào. Nhiều tuyển thủ là người gốc Guinea-Bissau và Cameroon.

Bóng đá Pháp và người nhập cư

Mối quan hệ giữa bóng đá Pháp và những người nhập cư bắt nguồn từ sự hình thành các đội bóng trong nửa đầu thế kỷ 20. Những câu lạc bộ lâu đời như RC Lens và AS Saint-Etienne được xây dựng xung quanh các cộng đồng nhập cư Ba Lan và Italy.

Tại World Cup 1938 được tổ chức trên sân nhà, tuyển Pháp có cầu thủ da đen đầu tiên ra sân là Raoul Diagne. Hậu vệ đa năng này là người gốc Senegal.

Cùng năm đó, Larbi Benbarek, danh thủ sinh ra ở Morocco, chuyển từ câu lạc bộ US Marocaine Casablanca (Morocco) đến Olympique de Marseille (Pháp) và đã ghi 10 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên.

Thế hệ 'Black, Blanc, Beur' giúp bóng đá Pháp chiến thắng - Bóng Đá

Cựu cầu thủ Thierry Henry có cha mẹ là người Guadeloupe và Martinique. Ảnh: Reuters. 

Trong những năm 1950 và 1960, những cầu thủ nhập cư từ các thuộc địa và vùng bảo hộ trước đây của Pháp ở Bắc Phi bắt đầu ảnh hưởng đáng kể đến bóng đá “Les Bleus”.

Đến đầu những năm 1970, Pháp bắt đầu vực dậy nền bóng đá sau thời gian sa sút. Kết quả là nhiều người trẻ lớn lên ở những khu dân cư tập trung đông người nhập cư đã tới và tham gia vào các học viện đào tạo tài năng trẻ.

Trong những thập kỷ tiếp theo, nhiều cầu thủ như Amadou Tigana (tiền vệ nổi tiếng sinh ra tại Mali), Thierry Henry (cựu danh thủ có cha mẹ là người Guadeloupe và Martinique) tiếp tục đại diện cho “Les Bleus” trên đấu trường quốc tế.

Hiện tại, 5 trong số 9 cầu thủ có hơn 100 lần ra sân trong màu áo tuyển Pháp đều không phải là người gốc Âu.

Thế hệ “Black, Blanc, Beur”

Sau 20 năm chờ đợi, đội tuyển Pháp có chiếc cúp vô địch thứ hai tại World Cup 2018.

Lần này, 17 trong 23 tuyển thủ Pháp đủ điều kiện thi đấu cho ít nhất một quốc gia khác. Trong số đó có Kylian Mbappe, người có bố là người Cameroon và mẹ là người Algeria, được bầu chọn là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải.

Trên các phương tiện truyền thông quốc tế, thành công của tuyển Pháp với một đội hình đa sắc tộc tiếp tục được ca ngợi.

Thế hệ 'Black, Blanc, Beur' giúp bóng đá Pháp chiến thắng - Bóng Đá

Kylian Mbappe cùng tuyển Pháp vô địch World Cup 2018. Ảnh: Reuters. 

Thành công của những người nhập cư thế hệ thứ hai và thứ ba trong môn thể thao vua không chỉ giới hạn ở đội tuyển Pháp. Cũng tại World Cup 2018, 28 cầu thủ sinh ra và được đào tạo tại đất nước hình lục lăng đã thi đấu cho các đội tuyển khác.

Dù vậy, theo Rokhaya Diallo, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất của Pháp theo The New York Times, bất chấp sự đa dạng của tuyển Pháp tại World Cup, đất nước này vẫn tiếp tục giải quyết nhiều vấn đề với người nhập cư.

Trong khi các tuyển thủ là những ngôi sao của quốc gia, những người nhập cư hoặc con cháu của người nhập cư vẫn khó được xã hội thừa nhận hơn.

Nhưng tôi nghĩ rằng sự chấp nhận bây giờ tốt hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ. Và tôi cảm thấy ở thế hệ trẻ, ví dụ như thế hệ của Kylian Mbappe, việc đất nước có một đội tuyển đa sắc tộc và đa văn hóa làm đại diện là điều hoàn toàn bình thường, dễ dàng chấp nhận. Bởi vì đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Sự thay đổi thế hệ này chắc chắn sẽ giúp ích”, bà Diallo nhận định.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link