Những ai yêu bóng đá nội, trông chờ trận siêu cúp giữa Hà Nội FC và Hải Phòng FC có lẽ đã thất vọng một phần, khi nhìn đội chủ nhà dễ dàng đả bại đối thủ đất Cảng. Nên nhớ rằng mới ở mùa giải trước, Hải Phòng FC chính là một trong số các đối trọng nặng ký đối với đội chủ sân Hàng Đẫy, họ được dẫn dắt bởi một HLV tài năng như Chu Đình Nghiêm và sở hữu chân sút giành danh hiệu Vua phá lưới.
Ấy thế mà chỉ sau vài tháng, Hải Phòng FC chỉ còn giữ được sự cuồng nhiệt trên khán đài, còn dưới sân là sự chệch choạc trong từng đường bóng.
Vấn đề này, đáng buồn thay lại không phải là điều gì quá khó hiểu. Như HLV Chu Đình Nghiêm chia sẻ, đội bóng của ông năm nay chỉ đặt mục tiêu… trụ hạng mà thôi, bởi trước mùa giải mới 70% nhân sự đã ra đi, mà lại toàn là các vị trí chủ chốt.
Một CLB mất đi bảy phần sức mạnh thì dù có được huấn luyện bởi các thiên tài cũng chả làm gì được. Suy yếu là chuyện hiển nhiên.
Quay lại với đối thủ của Hải Phòng FC, đội bóng thủ đô Hà Nội FC. Dù yêu hay ghét CLB này thì các khán giả vẫn không thể không thừa nhận rằng hơn mười năm qua, Hà Nội FC đã trở thành một thế lực vững chắc của bóng đá Việt Nam, tất nhiên không phải là họ trăm trận trăm thắng, nhưng mỗi khi nói về ứng viên vô địch, không ai dám gạt đi đội bóng này cả. Đó chính là đẳng cấp của một CLB được hình thành từ sự ổn định.
Thật vậy, Hà Nội FC có thể xem là một đội bóng ổn định hàng đầu làng bóng Việt hiện nay. Trước hết là ở thượng tầng đội bóng. Họ có thể có nhiều nhà tài trợ, thay đổi theo mùa, nhưng vẫn duy trì một ông bầu từ xưa đến nay. Và ông chủ của họ yêu bóng đá, sẵn sàng chi tiền vì bóng đá, đây là điều hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh V-League rất khó kiếm tiền từ bóng đá. Hà Nội FC vì thế sẽ không đối mặt với tình cảnh bị “sang tên đổi chủ”, hoặc những lùm xùm kiểu như nhà tài trợ “hết yêu”, trả đội bóng về địa phương, hay nhà tài trợ hết tiền, nợ lương, các cầu thủ đình công không thi đấu.
Điểm ổn định tiếp theo của Hà Nội FC là ở đội hình các cầu thủ. Ổn định ở đây không có nghĩa là cứ một đội hình, cứ những gương mặt ấy ra sân mãi, mà là giữ cho chất lượng đội hình không suy suyển qua từng năm. Họ vẫn tham gia thị trường chuyển nhượng, vẫn sẵn sàng cho các ngôi sao ra đi như Quang Hải, Văn Hậu,… nhưng chúng ta không thấy những “cuộc tháo chạy” quy mô lớn, dẫn tới chất lượng đội hình đột ngột tụt xuống.
Đó là thành quả được cộng hưởng bởi nhiều nguyên do, chẳng hạn tiềm lực tài chính cùng chiến lược phát triển CLB của lãnh đạo đội bóng đủ để giữ chân các cầu thủ được xây dựng để thành biểu tượng, như Thành Lương, Văn Quyết hay lứa sau là Hùng Dũng. Kế đến là hệ thống đào tạo trẻ và các kênh vệ tinh tốt, cung cấp được và đủ cầu thủ trẻ tiềm năng lên đội một và dần dần hòa hợp, đủ sức thế chỗ các đàn anh muốn ra đi.
Nếu như ở V-League có thể tạo thành cuộc đua vô địch cho ba đến bốn đội bóng, phía sau có thêm vài đội nữa sẵn sàng làm “ngựa ô” thì sẽ tạo được một giải đấu cực kỳ hấp dẫn. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang được chứng kiến nhiều đội bóng “một mùa” hay thậm chí là “nửa mùa” bùng lên mang tính thời điểm rồi sau đó tắt đi. Tính ổn định không có thì tất yếu dẫn tới tính cạnh tranh của giải đấu không cao, nơi mà ứng viên vô địch mùa trước chỉ dám đặt mục tiêu trụ hạng mùa này, đó không phải là một giải đấu hấp dẫn, mà là một sự thụt lùi đáng lo ngại.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)