Trong ngày Trọng Hoàng nói lời giã từ màu áo tuyển, Quế Ngọc Hải chia sẻ: “Anh xứng đáng là huyền thoại của bóng đá Việt Nam”. Nhiều người sẽ đồng tình với quan điểm của trung vệ SLNA.
Trọng Hoàng không phải là mẫu cầu thủ hào hoa, ghi những bàn thắng quan trọng và có nhiều người hâm mộ như những huyền thoại khác của bóng đá Việt Nam. Nhưng về thành tích, anh không thua kém bất cứ ngôi sao hàng đầu nào.
Trong 14 năm khoác áo tuyển Việt Nam, Trọng Hoàng thi đấu 72 trận, chỉ kém Lê Công Vinh (83 trận) và Phạm Thành Lương (78 trận). Hoàng “Bò” cũng kịp có 12 bàn, đứng thứ 6 trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử tuyển Việt Nam.
Anh cũng có những danh hiệu danh giá bậc nhất đối với cầu thủ Việt Nam như 4 chức vô địch V.League, 2 Cúp Quốc gia và 3 Siêu Cúp Quốc gia. Trong màu áo các đội tuyển Việt Nam, anh có tấm huy chương vàng SEA Games 30 và vô địch AFF Cup 2018. Điều đáng tiếc của Trọng Hoàng có lẽ là anh chưa từng giành Quả bóng vàng Việt Nam. Tuy nhiên, anh cũng có hai lần vào top ba (Quả bóng bạc 2011 và Quả bóng đồng 2019).
Cũng có có thể coi Trọng Hoàng là con người của những khoảnh khắc lịch sử. Năm 2009, anh và các đồng đội từng đến gần tấm huy chương vàng SEA Games trên đất Lào khi đối đầu U23 Malaysia, đối thủ U23 Việt Nam đã đánh bại ở vòng bảng, trong trận chung kết. Tuy nhiên, U23 Việt Nam đã thiếu may mắn và chỉ giành được huy chương bạc.
10 năm sau, Trọng Hoàng được HLV Park Hang-seo gọi lên U23 Việt Nam và dự SEA Games 31 với tư cách là một trong hai cầu thủ quá tuổi. Xuyên suốt giải đấu, anh chơi bền bỉ, góp công lớn giúp U23 Việt Nam giành tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên trong lịch sử.
Khi những đồng đội cùng thời đã giải nghệ hoặc bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, Trọng Hoàng vẫn cho thấy phong độ đỉnh cao. Không chỉ vậy, Trọng Hoàng còn là điểm nối qua các thế hệ của bóng đá Việt Nam. Khi Công Vinh, Minh Phương, những nhà vô địch AFF Cup 2008 đi qua thời đỉnh cao, anh sắm vai trụ cột của đội tuyển cùng Thành Lương.
Trong giai đoạn bóng đá Việt Nam khủng hoảng vì thành tích kém và tiêu cực, Trọng Hoàng vẫn thi đấu bền bỉ, vượt qua được những khó khăn. Đến khi HLV Park Hang-seo xuất hiện, anh lại trở thành một nhân tố quan trọng với vai trò hoàn toàn khác.
Nhờ tốc độ, thể lực và cả sự khéo léo, Trọng Hoàng được HLV người Hàn Quốc giao suất đá chính ở vị trí hậu vệ phải. Trong phòng ngự, Trọng Hoàng luôn đeo bám quyết liệt, gần như không mắc sai lầm. Đây là điểm giúp anh vượt trội so với các đàn em như Vũ Văn Thanh, Hồ Tấn Tài.
Khi tấn công, Trọng Hoàng có thể đi bóng vào trong, ngoặt bóng và dứt điểm bằng chân trái. Không chỉ vậy, anh còn có khả năng chuyền dài tốt để giúp tuyển Việt Nam chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Ngoài ra, khi cần chơi như một inverted-wingback (tạm dịch: hậu vệ biên ngược, hoạt động chủ yếu ở trung lộ, hỗ trợ đồng đội triển khai bóng), Trọng Hoàng vẫn có thể đáp ứng được bởi anh vốn là một tiền vệ.
Chuyên gia Shebby Singh, người từng bình luận cho kênh Fox Sports, từng dành lời khen cho Trọng Hoàng khi chứng kiến anh chơi inverted-wingback quá ấn tượng trước Jordan ở Asian Cup 2019, giải đấu tuyển Việt Nam vào đến tứ kết.
Giữa lúc thi đấu ấn tượng, Trọng Hoàng phải rời xa sân cỏ để điều trị thoát vị đĩa đệm. Đây là chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động ở cường độ cao của các cầu thủ. Tuy nhiên, anh vẫn nỗ lực tập luyện miệt mài để có thể trở lại sân cỏ sau gần một năm.
Chắc chắn rằng, dù Trọng Hoàng không thể tiếp tục thi đấu cho tuyển Việt Nam nhưng sự nỗ lực, chăm chỉ và chuyên nghiệp anh như kim chỉ nam đối với các cầu thủ trẻ.