Nếu thành tích phòng ngự của một đội bóng được đánh giá bằng số bàn thua mà họ phải nhận thì Morocco là một trong những tập thể phòng ngự tốt nhất tại World Cup lần này khi họ mới để thủng lưới một lần sau vòng bảng.
Sau 4 trận, chưa một đối thủ nào tạo ra được nhiều hơn 10 pha dứt điểm về phía đội bóng của HLV Walid Regragui. Cụ thể trong trận đấu ở vòng knock-out, Tây Ban Nha của Luis Enrique chỉ có 7 pha dứt điểm trong thời gian thi đấu chính thức. Thậm chí, họ chỉ có duy nhất 1 lần hãm thành trong hiệp một.
Những phút đầu tiên của trận đấu luôn là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát định hướng chiến thuật của một đội bóng. Ngay khi bóng mới lăn được 45 giây, những gì ông Regragui muốn các học trò của mình thực hiện đã được vận hành một cách chuẩn chỉnh.
Morocco phòng ngự với hệ thống 4-5-1 từ khu vực sân nhà. Hai tiền vệ cánh là Hakim Ziyech và Sofiane Boufal được yêu cầu giữ cự ly đủ tốt với hậu vệ biên trước khi dâng cao gây áp lực. Đó là lí do tại sao Ziyech và Boufal thường có vị trí đứng thấp hơn hai tiền vệ trung tâm Azzedine Ounahi và Selim Amallah.
Nhóm 4 cầu thủ này cùng tiền đạo Youssef En-Nesyri có nhiệm vụ phòng ngự theo trục dọc. Bóng đến khu vực của cầu thủ nào, cầu thủ đó sẽ dâng cao áp sát ngay ở thời điểm bóng lăn. Đặc biệt, Ziyech và Boufal luôn luôn gây áp lực theo hướng từ biên vào trong, để buộc cầu thủ kiểm soát bóng của Tây Ban Nha phải hướng trái bóng vào khu vực trung lộ, nơi Marocco sẵn sàng tranh chấp ở cường độ cao hơn với hàng tiền vệ giàu năng lượng và hàng thủ 4 người sẵn sàng lao lên trước mặt đúng thời điểm.
Biểu đồ dưới đây ghi lại tất cả các đường chuyền chính xác của Tây Ban Nha trong 10 phút đầu tiên trận đấu. Ở quãng thời gian Marocco sung sức nhất và tập trung nhất, họ buộc đội bóng của Luis Enrique gần như chỉ thực hiện những đường chuyền ngang sân.
Ngay cả khi những cá nhân có kỹ thuật xử lý hàng đầu của Tây Ban Nha ở tuyến giữa đưa bóng được đến 1/3 cuối sân, Marocco cũng sẵn sàng đương đầu. Ziyech được yêu cầu lùi ngang hàng với 4 hậu vệ để kiểm soát chiều ngang sân. Morocco ở khu vực ấy có thể được xem là phòng ngự bằng hệ thống 5-4-1 với khối đội hình thấp và cực đoan.
Morocco không quan tâm quá nhiều đến việc đối phương bố trí đội hình thế nào khi kiểm soát bóng. Tôn chỉ của họ là phòng ngự 4-5-1 theo trục dọc ở nửa sân nhà và lùi hoàn toàn đội hình về 1/3 cuối sân với hệ thống 5-4-1.
Khoảng hơn một tháng trước, khi Leicester City tiếp đón Manchester City tại Ngoại hạng Anh, đồng hương của ông Enrique là Pep Guardiola cũng đã phải đối đầu với một thử thách tương tự. Nhà đương kim vô địch Premier League khi ấy chỉ có thể giải quyết trận đấu với một khoảnh khắc toả sáng của Kevin De Bruyne từ chấm đá phạt trực tiếp. Guardiola khi ấy đưa ra một ý tưởng để ghi bàn trong những thế trận như vậy:
“Leicester phòng ngự cực tốt, rất thấp với toàn bộ nhân sự. Những trận đấu kiểu này, chúng tôi cần những tình huống di chuyển không bóng, lôi kéo và tạo khoảng trống. Nhưng hiện giờ, tôi không có những cầu thủ như thế để thực hiện miếng đánh ấy. Tôi hiểu chỉ có những tình huống cố định mới giải quyết được trận đấu thế này.”
Tây Ban Nha của Luis Enrique đã làm đúng những gì Pep Guardiola từng nhận định. Nhưng vấn đề của đội bóng này là những cá nhân thực hiện các hành động nói trên một cách không thực sự chất lượng.
Marco Asensio đã có ít nhất hai lần khôn ngoan lẻn ra sau lưng hàng phòng ngự Morocco, nhận đường chuyền theo chiều sâu từ Jordi Alba nhưng đều không thể chuyển hoá các cơ hội của mình thành bàn thắng.
Người vào sân thay Asensio là Alvaro Morata vốn được Enrique tin tưởng hơn cho nhiệm vụ này, cũng biết cách để tìm thấy những khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự đối phương nhưng cũng không tạo ra hiệu quả ở những quyết định xử lý cuối cùng.
Ferran Torres, người được HLV Enrique cực kỳ tin tưởng, người đóng vai trò thực hiện các tình huống di chuyển mang tính đột biến từ hành lang cánh, cũng có một ngày thi đấu với cảm giác vị trí không ấn tượng. Cầu thủ của Barcelona dường như luôn chọn vị trí ở quá xa, sát hành lang cánh phải của mình, điều dẫn đến khoảng cách di chuyển xâm nhập ở những tình huống quyết định lớn hơn và thiếu đi tính bất ngờ.
Không tận dụng được các cơ hội từ bóng sống, không thành công trong các tình huống cố định, Tây Ban Nha của Luis Enrique để lộ ra điểm yếu lớn nhất của mình là khả năng dứt điểm trận đấu trước những hàng phòng ngự lùi sâu. Cách Morocco giành quyền đi tiếp tại World Cup lần này có lẽ cũng không khác nhiều với cách Italy đã giành quyền vào chung kết EURO 2020 sau khi vượt qua Tây Ban Nha ở bán kết.
Hiếm có đội bóng lớn nào chơi nhuần nhuyễn, thuần thục và chi tiết như Tây Ban Nha ở những phương án chiến thuật. Nhưng cũng hiếm có đội bóng lớn nào không sở hữu những ngôi sao hàng đầu trên hàng tấn công, người biết cách tạo ra khác biệt chỉ bằng một khoảnh khắc xuất thần.