Màu đỏ thường đại diện cho niềm đam mê, năng lượng, sức mạnh và sự tự tin. Theo một số nghiên cứu, màu sắc này có thể làm tăng nhịp hô hấp, huyết áp, thu hút sự chú ý của mọi người và khuyến khích hành động.
Trong một số nền văn hóa, màu đỏ biểu thị cho hạnh phúc và thịnh vượng. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, màu đỏ được liên kết chặt chẽ hơn với bạo lực và chiến tranh. Đặc biệt, người dân xứ kim chi không bao giờ viết tên bằng mực đỏ.
Nhưng World Cup 2002 đã phần nào thay đổi suy nghĩ, cảm xúc của người Hàn với màu sắc này.
Khi tuyển Hàn Quốc tiến sâu trong mùa giải 2002, hàng triệu người Hàn mặc áo phông đỏ, đổ xuống đường cổ vũ. Truyền thông quốc tế ngạc nhiên trước sự cuồng nhiệt của cổ động viên xứ kim chi. Từ đây, cái tên “Red Devils” (Quỷ Đỏ) trở nên nổi tiếng và gắn liền với fan bóng đá nước này.
Sự ra đời của Quỷ Đỏ
Red Devils là câu lạc bộ cổ động viên chính thức của đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi những người yêu bóng đá và quan tâm đến việc cổ vũ cho đội tuyển quốc gia.
Nguồn gốc của Quỷ Đỏ bắt nguồn từ Giải vô địch bóng đá trẻ thế giới năm 1983 tại Mexico, khi đội tuyển quốc gia Hàn Quốc bất ngờ lọt vào vòng bán kết. Các phương tiện truyền thông lúc đó đã gọi đội bóng xứ kim chi là “Red Furies”.
Trước vòng loại châu Á cho World Cup 1998 tại Pháp, người dân xứ kim chi cảm thấy cần tổ chức lại nhóm cổ động viên cổ vũ cho đội tuyển quốc gia. Fan club đầu tiên của tuyển Hàn Quốc ra đời vào tháng 12/1995 và được đặt tên là “Great Hankuk Support Club”.
Đến đầu năm 1997, sau một cuộc thảo luận và bầu chọn trực tuyến, fan club này được đổi tên thành “Red Devils” để có kết nối hơn với biệt danh “Red Furies” của đội bóng.
Quỷ Đỏ có số lượng thành viên khoảng 80.000 trước trận khai mạc World Cup 2002, nhưng trong vòng hai tuần, con số này đã tăng vọt lên 200.000 người.
Trong khoảng thời gian một tháng diễn ra giải đấu, hơn 450.000 người đã tham gia fan club trên Internet. Hầu hết đều đăng ký trở thành thành viên thông qua trang web chính thức của nhóm.
Theo The Korea Times, Quỷ Đỏ là một trong những ví dụ sớm nhất của Hàn Quốc về xu hướng kết hợp thế giới hâm mộ trực tuyến và ngoại tuyến.
Niềm tự hào dân tộc
Quỷ Đỏ cũng khởi xướng một làn sóng yêu nước mới ở Hàn Quốc. Đối với thế hệ cũ, chủ nghĩa dân tộc thường có nghĩa là tìm kiếm sự giải phóng, tự do.
Còn với những người ở độ tuổi 20-30 vào cuối thế kỷ 20, yêu nước còn bao gồm cả niềm tin và sự tự hào dân tộc.
Các cuộc tụ tập tự phát của hàng triệu người mặc những chiếc áo cùng màu đã thể hiện tinh thần đoàn kết. Bất kể giới tính, tuổi tác hay tôn giáo, mọi người tự nguyện tổ chức thành một nhóm gắn kết và cùng xem xét lại ý thức về bản sắc dân tộc.
Theo Florence Lowe-Lee, thạc sĩ tâm lý tại Đại học Columbia, người có nhiều nghiên cứu về xã hội Hàn Quốc, điều này đặc biệt đúng đối với những giới trẻ Hàn Quốc cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, những người thường bị chỉ trích là sống ích kỷ.
Hô vang “Daehanminguk” (Đại Hàn Dân Quốc) theo nhịp trống truyền thống và hát vang ca khúc Oh Pilseung Korea (Hàn Quốc chiến thắng) ở mọi góc phố, Quỷ Đỏ đại diện cho niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và sự nhiệt thành trong suốt mùa World Cup 2002.
Quỷ Đỏ tiếp tục hiện diện tại các kỳ World Cup sau đó. Tại mùa giải 2018, hơn 40.000 người hâm mộ đã đổ ra đường để cổ vũ đội tuyển Hàn Quốc trong trận ra quân gặp Thụy Điển. Tuy nhiên, năm nay, các kế hoạch cổ vũ trên đường phố của Quỷ Đỏ bị giới hạn do lo ngại sự cố đám đông tương tự thảm kịch Itaewon hồi cuối tháng 10.