Nửa thập niên trước, Arsene Wenger dự báo với quyền lực ngày càng tăng của các cầu thủ và người đại diện, bóng đá thế giới sẽ chứng kiến thêm nhiều trường hợp rời đi theo dạng tự do hoặc chờ hợp đồng bước vào giai đoạn cuối.
“Giáo sư” đưa ra phân tích kể trên sau khi chứng kiến sự tăng giá của các khoản phí chuyển nhượng, lương thưởng và lót tay trên thị trường. Thương vụ Neymar sang PSG với phí giải phóng hợp đồng 222 triệu euro là điển hình. Bản thân Wenger thời điểm đó cũng đau đầu với hợp đồng của Alexis Sanchez và Mesut Ozil.
Những giao kèo bị rút lại
Trong vài năm trở lại đây, những dự đoán của Wenger phần nào chính xác. Số lượng cầu thủ hàng đầu châu Âu chờ đến khi sắp hết hợp đồng với CLB chủ quản rồi mới tiếp tục đàm phán tăng lên cao. Lionel Messi rời Barca theo dạng tự do. Cristiano Ronaldo khiến Juventus buộc phải bán mình vào hè năm ngoái khi hợp đồng của anh với CLB Serie A chỉ còn chưa tới 12 tháng.
Pogba, Dybala, Jesse Lingard và rất nhiều cầu thủ hàng đầu khác trở thành người tự do trong hè này. Tuy nhiên, chỉ số ít những ngôi sao được các CLB đặc biệt quan tâm và “rải thảm đỏ”. Kỳ chuyển nhượng hè 2022 chứng kiến sự suy giảm quyền lực của các cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao theo dạng chuyển nhượng tự do.
Khi từ chối đề nghị gia hạn hợp đồng của Juventus vào năm ngoái, Dybala có lẽ không nghĩ anh sẽ chuyển đến AS Roma vào nửa năm sau. Khi đó, “Bà đầm già” đề nghị chân sút người Argentina mức lương khoảng 10 triệu euro/mùa, nhưng anh từ chối.
Tiền đạo sinh năm 1993 nghĩ anh có thể nhận thu nhập cao hơn khi trở thành cầu thủ tự do. Nhiều đội bóng lớn khác như Inter Milan, Tottenham Hotspur, Manchester United hay Atletico Madrid tiếp cận với cầu thủ này. Đến hè 2022, không CLB lớn nào trong số những cái tên kể trên đưa ra đề nghị đủ hấp dẫn cho Dybala, người năm nay mới 28 tuổi và bước vào độ chín của sự nghiệp.
Sự sa sút phong độ của Dybala ở Juventus hai mùa qua có thể là nguyên nhân chính cho sự thờ ơ kể trên. Tuy nhiên, nguyên nhân khác nằm ở việc các CLB hàng đầu thế giới không còn sẵn sàng chi những khoản tiền khó tin cho các cầu thủ tự do và người đại diện của họ.
Hè 2022 chứng kiến nhiều cầu thủ hàng đầu Premier League hết hạn hợp đồng với đội chủ quản. Và không ít người gặp khó trong việc tìm bến đỗ mới. Paul Pogba chấp nhận giảm lương để về lại Juventus. Tiền vệ người Pháp chỉ nhận 9 triệu euro/mùa tại CLB thành Turin. Ngày còn ở MU, Pogba nhận 17,6 triệu euro/mùa. Ngôi sao người Pháp có lẽ trông chờ Real Madrid, Barca hay PSG lao vào cuộc tranh giành chữ ký của anh với Juventus.
Jesse Lingard vừa ký hợp đồng với Nottingham Forest, tân binh của Ngoại hạng Anh mùa này. Đó gần như là bước lùi về mặt nghề nghiệp, bởi tiền vệ người Anh trước đó được đồn đoán đến West Ham. Nottingham Forest thậm chí chỉ ký hợp đồng có thời hạn ban đầu 1 năm với Lingard, điều cho thấy CLB nước Anh không muốn rủi ro.
Sau đại dịch, nhiều đội hàng đầu châu Âu không còn muốn mạo hiểm với việc trả lương quá cao cho cầu thủ. Cuộc khủng hoảng của Barca có nguyên nhân lớn đến từ quỹ lương bất cân đối của CLB này. Đó là tấm gương với nhiều đội bóng khác. Bên cạnh đó, sau thời gian dài để quyền lực rơi vào tay người đại diện và cầu thủ, những CEO hay chủ tịch các CLB hàng đầu muốn lấy lại vị thế.
Ronaldo cũng không thoát khỏi xu thế
Ronaldo nhận được nhiều sự chú ý về tương lai trong hè 2022. Với sự hỗ trợ của “siêu cò” Jorge Mendes, siêu sao người Bồ Đào Nha khôn ngoan và luôn biết cách tận dụng quyền lực của mình trên bàn đàm phán. Hè năm ngoái, anh có những động thái mang tính “nổi loạn” để ép Juventus để mình sang MU.
Ronaldo tiếp tục “bổn cũ soạn lại” ở MU. Anh từ chối tập luyện cùng “Quỷ đỏ” kể từ tháng 7. HLV Erik ten Hag thừa nhận ông chưa nói chuyện với cựu sao Real Madrid kể từ trước chuyến du đấu của CLB và không biết khi nào CR7 trở lại.
Mendes liên tục tiếp xúc với các CLB hàng đầu châu Âu, từ Chelsea đến PSG, Bayern hay Atletico. Tuy nhiên, điều Ronaldo chưa tính đến đó là những CLB hàng đầu anh muốn khoác áo trong hè này đều từ chối cầu thủ. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong hai thập niên qua, Ronaldo nhận sự thờ ơ lớn đến vậy trên thị trường chuyển nhượng.
Truyền thông Tây Ban Nha tiết lộ khi làm việc với Atletico, Mendes nói Ronaldo sẵn sàng giảm 30% lương để khoác áo CLB thành Madrid. Câu trả lời của HLV Diego Simeone và ban lãnh đạo Atletico vẫn là không.
Nếu Ronaldo trẻ lại vài tuổi, vị thế của anh trên bàn đàm phán sẽ khác. Thậm chí nếu CR7 sẵn sàng giảm sâu khoản lương 500.000 bảng/tuần và ngỏ ý ngồi dự bị nếu cần ở CLB mới, những Chelsea hay Bayern có thể cân nhắc chiêu mộ. Tuy nhiên, điều đó cũng nói lên rằng các CLB hàng đầu cứng rắn hơn trong những cuộc đàm phán.
Nếu Ronaldo ở lại MU trong mùa giải mới, quyền lực của anh chắc chắn sẽ suy giảm. HLV Ten Hag được cho là sẵn sàng để Martial đá chính và đẩy số 7 người Bồ Đào Nha dự bị trong giai đoạn đầu mùa giải.
Khó trách chiến lược gia người Hà Lan, vì ông không thể sử dụng một cầu thủ chưa tập luyện với đội lần nào kể từ đầu hè. HLV Ten Hag cũng chắc chắn muốn lập lại kỷ luật ở MU, sau giai đoạn dài đội bóng bị lũng đoạn bởi quyền lực từ các cầu thủ.
Cầu thủ có quyền lực nhất ở một CLB bóng đá lúc này có lẽ là Kylian Mbappe, sau khi cầu thủ này ký vào hợp đồng mới cùng PSG vào tháng 5. Tuy nhiên, bóng đá thế giới chỉ có một Mbappe và cũng không nhiều đội bóng sẵn sàng “nuông chiều” cầu thủ như PSG. Quyền lực của các ngôi sao bóng đá đang bị suy giảm so với trước đây.