Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ – Syria có thể tác động lâu dài đến sức khỏe của những người sống sót.
Liên minh Vaccine GAVI dẫn lại cảnh báo của WHO về một cuộc khủng hoảng sức khỏe thứ cấp sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào hôm 6/2. Việc đảm bảo cho những người sống sót tiếp tục sống tốt trong nhiều tuần và tháng tới là một thách thức rất lớn.
“Rất nhiều người đang sống sót ở ngoài trời, trong điều kiện tồi tệ và khủng khiếp. Chúng ta đứng trước nguy cơ chứng kiến một thảm họa thứ cấp, có thể gây hại cho nhiều người hơn thảm họa ban đầu nếu chúng ta không di chuyển với tốc độ và cường độ như chúng ta đang làm trong quá trình tìm kiếm, cứu hộ”, ông Robert Holden – Giám đốc ứng phó sự cố động đất của WHO – cho biết.
Dưới đây là 5 ảnh hưởng về sức khỏe mà những người sống sót có thể sẽ đối mặt sau thảm họa động đất.
Nhiễm trùng vết thương
Hầu hết trường hợp tử vong và bị thương trong thảm họa động đất là do các tòa nhà bị sập hoặc người dân bị kẹt trong đám cháy. Những thương tích có thể bắt nguồn từ vết cắt nhỏ, vết bầm tím đến gãy xương nghiêm trọng, vết thương do dập nát và bỏng, cùng với tác động của việc hít phải một lượng lớn bụi và mảnh vụn. Các vấn đề khác như mất nước và hạ thân nhiệt sẽ khiến nạn nhân bị mắc kẹt lâu hơn hoặc không có nơi trú ẩn.
Nhiễm trùng vết thương và da có thể gây ra một vấn đề khác trong những ngày tiếp theo. Vết thương, vết đứt tay sẽ dễ dàng bị nhiễm vi khuẩn từ đất và gạch vụn.
Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể dẫn đến cắt cụt chi, nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng hoặc uốn ván – một căn bệnh do vi khuẩn sống trong đất gây ra. Uốn ván có thể được ngăn ngừa thông qua tiêm chủng, nhưng sai sót trong việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, đặc biệt là ở miền Bắc Syria, sẽ gây ra một số vấn đề.
Khả năng tiếp cận với globulin miễn dịch uốn ván (một loại thuốc có chứa kháng thể ngăn độc tố uốn ván gây tổn thương dây thần kinh) cũng sẽ hạn chế do đường sá và cơ sở hạ tầng y tế bị hư hại, đặc biệt là ở Tây Bắc Syria.
Vì vậy, việc đảm bảo những người bị thương trong trận động đất vừa qua được chăm sóc y tế đầy đủ và kịp thời là rất quan trọng. Tuy nhiên, với nhiều người bị thương, nguy cơ vết thương không được điều trị và tăng khả năng kháng kháng sinh, dẫn đến tử vong cũng ở mức cao. Trong khi đó, nguồn lực y tế hạn chế ở Tây Bắc Syria và việc thiếu phản ứng thảm họa của Liên Hợp Quốc sẽ khiến rủi ro này cao hơn nhiều.
Những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất có thể quay trở lại các tòa nhà bị hư hại nhưng vẫn đứng vững, điều này dễ gây ra nhiều thương tích, tử vong hơn.
Bệnh truyền nhiễm
Những trận động đất lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh truyền nhiễm. Các bệnh truyền qua nước như dịch tả có thể phát triển mạnh trong điều kiện mất vệ sinh, do đường ống nước và nhà máy xử lý nước bị hư hại.
Trong khi đó, các nơi trú ẩn quá đông đúc lại tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh sởi và những bệnh về đường hô hấp như Covid-19.
Theo cập nhật về phản ứng động đất từ Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc vào hôm 9/2, các báo cáo sơ bộ cho thấy “mạng lưới nước chịu thiệt hại đáng kể”, bao gồm độ đục, ô nhiễm và giảm chức năng.
“Như vậy, nguy cơ mắc những bệnh lây truyền qua đường nước được dự đoán sẽ cao hơn và làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát dịch tả, viêm gan A đã có từ trước. Cải thiện nước và vệ sinh, tăng cường giám sát bệnh tả, sử dụng vaccine tả sẽ là chìa khóa để giảm tác động của căn bệnh này”, trang GAVI dẫn lại báo cáo.
Một vấn đề khác có thể xảy ra là bệnh leishmania – một bệnh nhiễm trùng ký sinh do ruồi cát lây lan. Nó có 2 dạng chính là bệnh leishmania ở da, gây loét và có thể để lại sẹo suốt đời hoặc tàn tật nghiêm trọng, trong khi đó bệnh leishmania nội tạng lại có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Leishmania là bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia phía Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Những con ruồi cát bị thu hút bởi các ngôi nhà đông đúc vì nó cung cấp nguồn thức ăn ngon, trong khi điều kiện vệ sinh và nhà ở kém làm tăng nơi sinh sản, nghỉ ngơi cho ruồi. Ngủ bên ngoài hoặc trên mặt đất cũng làm con người tăng nguy cơ bị ruồi cắn.
Không những vậy, khí hậu lạnh giá, suy dinh dưỡng và căng thẳng tâm lý liên tục có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, do chúng ức chế hệ thống miễn dịch của những người sống sót.
Việc chậm trễ trong tìm kiếm xác chết dưới đống đổ nát cũng làm tăng khả năng bùng phát dịch bệnh. Điều này trở nên trầm trọng hơn ở Tây Bắc Syria.
Tình trạng mạn tính
Những người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc bệnh tim cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe vì khả năng tiếp cận thuốc và chăm sóc y tế liên tục có thể bị gián đoạn.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ đau tim và đột quỵ gia tăng từ tháng đầu tiên cho đến 3 năm sau động đất. Nhiều chuyên gia cũng đã ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn ở những người bị ảnh hưởng bởi động đất.
Căng thẳng tâm lý có thể là một yếu tố cùng với việc hồ sơ y tế bị hủy hoại dẫn đến việc bỏ lỡ các cuộc tư vấn, điều trị, hoặc các tình huống khiến việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế bị trì hoãn như thất nghiệp và tái định cư.
Sự gián đoạn các thói quen bình thường và căng thẳng cảm xúc có thể dẫn đến những thay đổi trong chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Gián đoạn chăm sóc sức khỏe
Không chỉ những người mắc bệnh mạn tính mới bị ảnh hưởng sức khỏe. Động đất thường gây thiệt hại cho các cơ sở y tế và liên kết giao thông, khiến việc cung cấp dịch vụ cũng như bệnh nhân gặp khó khăn hơn trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
Ngay cả trước trận động đất, các cơ sở y tế ở Tây Bắc Syria đã phải chật vật để hoạt động, dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên, thuốc, thiết bị y tế và các bệnh viện phải thu hẹp quy mô dịch vụ.
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị tổn thương khác sau động đất. Theo OCHA, ước tính khoảng 148.000 phụ nữ mang thai ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất của Syria, 37.000 người trong số họ dự kiến sinh con trong 3 tháng tới. OCHA ước tính khoảng 5.550 phụ nữ có thể gặp các biến chứng cần được chăm sóc sản khoa khẩn cấp, bao gồm cả sinh mổ.
Trận động đất cũng có khả năng gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Mervat Alhaffar, nhà nghiên cứu tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Vương quốc Anh, trước đây từng là dược sĩ ở Syria, lo ngại rằng những người tị nạn Syria (những người được bảo vệ tạm thời) ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng nhiều nhất do các rào cản về khả năng tiếp cận, quy định của Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế di chuyển.
Công việc tiêm chủng cũng phải được thực hiện để đảm bảo các chiến dịch ngừa bệnh tiếp tục phát triển, tránh sự bùng phát trở lại của các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi.
Sang chấn tâm lý
Những người sống sót sau trận động đất thường trải qua các triệu chứng như lo lắng, tâm trạng bất an, cảm xúc thất thường và ngủ không ngon giấc trong khoảng một tháng. Một vài người trong số họ cũng sẽ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài hơn, chẳng hạn trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Bà Alhaffar nhận định một số người đến từ Syria đã phải trải qua nhiều lần di cư trong những năm gần đây, mất bạn bè, người thân trong gia đình và nhà cửa.
“Một chương trình sức khỏe tâm thần phù hợp và riêng biệt cần được triển khai, để đưa cuộc sống trở lại như lúc động đất chưa xảy ra. Đồng thời, vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân (nơi trú ẩn, thực phẩm và dịch vụ y tế)”, bà Alhaffar nói.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H