Gần đây, nhiều bác sĩ thông báo bị lập tài khoản cá nhân giả mạo cũng như lấy hình ảnh để bán thuốc, thực phẩm chức năng chữa bệnh không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) phát đi cảnh báo về việc nhiều cán bộ, nhân viên, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo Bệnh viện bị mạo danh trên các tài khoản mạng xã hội.

Các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

Hàng loạt cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương bị lập tài khoản mạng xã hội giả mạo để lừa đảo. Ảnh: Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Thậm chí, nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật. Lợi dụng lòng tin này, họ rao bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kỳ thành phần gì bên trong.

“Họ đẩy giá các loại thuốc không rõ nguồn gốc này cao lên tới từ 3-5 triệu/liệu trình điều trị. Đã có nhiều người bệnh cả tin bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này”, bệnh viện cho hay.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định tài khoản Facebook có tên Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Thắng, tài khoản TikTok Nguyễn Huy Cường cùng các nhóm cộng đồng có tên trên giới thiệu hay tư vấn nội dung về việc không phải là nhân viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Đặc biệt, tài khoản Facebook lấy hình ảnh và tên của TS.BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện, để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo.

Đây không phải lần đầu xảy ra sự việc bệnh viện, bác sĩ nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để trực lợi.

Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng bị lấy hình ảnh và lồng ghép vào các video clip bán thuốc chữa đái tháo đường.

Hình ảnh bác sĩ Trương Hữu Khanh được lồng ghép trong một clip bán thuốc trị đái tháo đường. Ảnh: Facebook Huu Khanh Truong.

Đây không phải là lần đầu ông bị giả mạo và sử dụng hình ảnh. Lần trước đó, vào năm 2021, bác sĩ Khanh cũng từng phải lên tiếng đính chính trên trang cá nhân vì một số đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân của ông để bán thuốc lừa đảo.

“Thỉnh thoảng, tôi lại được người dân gửi các hình ảnh, thông tin tôi bán thuốc chữa bệnh, thực tế các hình ảnh này đều là lừa đảo, tôi không bán bất cứ thuốc gì trên mạng xã hội. Điều tôi lo lắng là khi thấy hình ảnh này, phụ huynh sẽ nghĩ rằng tôi ủng hộ và sẽ mua để sử dụng khi không biết rõ về nguồn gốc sản phẩm. Việc này sẽ gây ra hậu quả khó lường”, bác sĩ Khanh nói.

Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link