Với dân số già, làm ca đêm nhiều và sử dụng rộng rãi các phương tiện kỹ thuật số, thói quen ngủ của người Hàn Quốc ngày càng trở nên bất thường, rối loạn giấc ngủ cũng gia tăng.

Thời lượng giấc ngủ của người Hàn Quốc tăng dần, nhưng tình trạng ngủ không đủ giấc vẫn tồn tại phổ biến, kèm theo đó là sự suy giảm đáng lo ngại về chất lượng giấc ngủ.

Các kiểu ngủ không cân bằng gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe tâm thần, theo Korea Bizwire.

Thực tế, thời gian ngủ trung bình của người Hàn Quốc tăng dần trong 15 năm qua, nhưng vẫn còn thiếu so với thời lượng ngủ của người dân ở các quốc gia khác trên thế giới. Insider gọi Hàn Quốc là quốc gia mất ngủ và mệt mỏi nhất châu Á.

Kết quả từ cuộc khảo sát toàn cầu về giấc ngủ năm 2021 do Philips thực hiện cho thấy người Hàn Quốc ngủ trung bình 6-7 giờ vào các ngày trong tuần và 7,4 giờ vào cuối tuần. Ngược lại, mức trung bình toàn cầu cao hơn một chút với 6,9 giờ vào các ngày trong tuần và 7,7 giờ vào cuối tuần.

Tuy nhiên, mối quan tâm thực sự nằm ở sự hài lòng về giấc ngủ. Trong khi 55% dân số toàn cầu hài lòng với giấc ngủ của họ, chỉ có 41% người Hàn Quốc cảm thấy như vậy.

Nhiều người Hàn Quốc ngủ không đủ giấc và có chất lượng giấc ngủ kém. Ảnh: Park Ga-young/The Korea Herald.

Nguy cơ trầm cảm

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng thói quen ngủ lành mạnh vì giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe não bộ, sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần.

Một nghiên cứu dài hạn toàn diện liên quan đến người Hàn Quốc tiết lộ mối tương quan chặt chẽ giữa tổng thời gian ngủ và chứng trầm cảm.

Những người ngủ liên tục trong khoảng 7-8 giờ có tỷ lệ trầm cảm thấp nhất. Những người ngủ ít hoặc nhiều giờ hơn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn. Trong đó, người ngủ ít hơn 5 giờ có khả năng bị trầm cảm cao hơn 3,08-3,74 lần so với người ngủ đủ giấc được khuyến nghị.

Nghiên cứu, dẫn đầu bởi các giáo sư Yun Ji-Eun từ Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Bucheon, Đại học Soonchunhyang, và Yun Chang-Ho từ khoa Thần kinh tại Bệnh viện Bundang, Đại học Quốc gia Seoul, kéo dài một thập kỷ, từ năm 2009 đến 2018, bao gồm 2.836 và 2.501 người tham gia tương ứng.

Các đặc điểm giấc ngủ khác nhau, bao gồm thời gian thức dậy, giờ đi ngủ, tổng thời gian ngủ, loại nhịp sinh học, độ trễ do xã hội, buồn ngủ ban ngày, chứng mất ngủ, chất lượng giấc ngủ, được kiểm tra kỹ lưỡng và phân tích mối tương quan với bệnh trầm cảm. Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện của họ hôm 31/5.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ngủ quá nhiều cũng góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm. Những người ngủ hơn 9 tiếng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 1,32-2,53 lần so với những người ngủ đủ 7 tiếng.

Ngoài ra, buồn ngủ ban ngày, mất ngủ, lệch múi giờ xã hội và mô hình sinh học buổi tối cho thấy mối liên hệ với nguy cơ trầm cảm gia tăng.

Dữ liệu cũng tiết lộ rằng chất lượng giấc ngủ của người Hàn Quốc giảm theo thời gian. Trong suốt một thập kỷ, tổng thời gian ngủ trung bình giảm đi 19 phút, giảm từ 7 giờ 27 phút xuống còn 7 giờ 8 phút.

Độ trễ của giấc ngủ, hoặc thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ, tăng 8 phút vào các ngày trong tuần và 7 phút vào cuối tuần, do đó làm giảm hiệu quả của giấc ngủ.

Bằng cách sử dụng Chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI) để đo lường chất lượng giấc ngủ (điểm số cao hơn cho thấy chất lượng giấc ngủ kém hơn), nghiên cứu cho thấy mức tăng từ 3,6 năm 2009 lên 3,8 năm 2018, mức tăng tổng thể là 0,2 điểm so với năm 2009.

GS Yun Ji-Eun bày tỏ sự lo lắng.

“Với dân số già, làm việc theo ca và làm đêm ngày càng nhiều, xu hướng sử dụng rộng rãi các phương tiện kỹ thuật số, thói quen ngủ trở nên bất thường và rối loạn giấc ngủ đang gia tăng. Điều cấp thiết là phải nhận ra đặc điểm giấc ngủ thay đổi của người Hàn Quốc là vấn đề xã hội và nỗ lực để giải quyết”, bà nói.

GS Yun Chang-Ho nói thêm về hậu quả tiềm tàng của việc ngủ không đủ thời gian và chất lượng giấc ngủ kém có thể góp phần gây ra hàng loạt bệnh như đột quỵ và rối loạn tim mạch. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được thời lượng thích hợp, cảnh báo không nên ngủ ít hơn 5 giờ hoặc quá 9 giờ.

Tạo thói quen lành mạnh

Hành vi trước khi đi ngủ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Người Hàn Quốc có xu hướng thích sử dụng điện thoại thông minh trước khi nghỉ ngơi vào ban đêm. Thói quen này có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ.

Đáng chú ý, nghiên cứu trước đây của Philips tiết lộ rằng 51% người Hàn Quốc sử dụng điện thoại ngay trước khi đi ngủ, so với 46% trên toàn cầu.

Hơn nữa, điều đáng chú ý là thời gian ngủ của người Hàn Quốc tăng dần mỗi năm trong 15 năm qua.

Theo TS Jeon Jin-sun, giáo sư thần kinh học tại Đại học Hallym, người trình bày dữ liệu tại sự kiện hội nghị chuyên đề ở Hàn Quốc vào Ngày Ngủ (19/3), thời lượng giấc ngủ trung bình tăng từ 6 giờ 50 phút (411,1 phút) vào năm 2004 lên 7 giờ 15 phút (434,5 phút) vào năm 2019, tăng khoảng 35 phút.

Kể từ năm 2009, số người Hàn Quốc ngủ từ 7 tiếng trở lên vượt quá một nửa tổng dân số.

Ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như trầm cảm, đột quỵ và rối loạn tim mạch. Ảnh: iStock.

TS Jeon cho rằng thời gian ngủ tăng lên do thời gian làm việc ngắn hơn và sự thay đổi văn hóa nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống. Đáng chú ý, thời gian ngủ tăng lên chủ yếu là kết quả của việc ngủ kéo dài vào cuối tuần.

Giấc ngủ giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và tăng cường sức khỏe não bộ. Trong khi ngủ, các vùng não cụ thể chịu trách nhiệm củng cố trí nhớ được kích hoạt, hỗ trợ tổ chức và lưu trữ các ký ức hàng ngày. Do đó, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

Một lời giải thích khả dĩ cho tác động của giấc ngủ đối với chứng sa sút trí tuệ nằm ở “hệ thống thần kinh đệm” – hệ thống tuần hoàn não kích hoạt trong khi ngủ để loại bỏ độc tố. Ngủ không đủ giấc có thể cản trở quá trình thanh thải các chất độc này, dẫn đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

TS Park Hye-ri, giáo sư thần kinh học tại Bệnh viện Ilsan Paik, người cũng tham gia hội nghị chuyên đề, nêu bật một số thói quen có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn và bảo vệ sức khỏe não bộ ở người cao tuổi.

Những thói quen này bao gồm tránh ngủ trưa, uống rượu và sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ, tuân thủ lịch trình ngủ và thức đều đặn, đồng thời tăng cường hoạt động vào ban ngày.

Người cao tuổi dễ mắc các chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau nên việc tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia về giấc ngủ là rất quan trọng đối với ai gặp phải tình trạng khó chịu và dai dẳng liên quan đến giấc ngủ.

Theo Thiên Nhi (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link