Bất chấp tin tức về sa thải hàng loạt trên toàn cầu, các doanh nghiệp đóng băng tuyển dụng, nhân viên ở châu Á tự tin hơn vào khả năng của họ và sẵn sàng chuyển việc trong năm mới.

Điều này dựa trên những phát hiện mới nhất từ nghiên cứu người dùng của LinkedIn, mạng xã hội về việc làm, được thực hiện với hơn 4.000 nhân viên khắp Singapore, Australia và Ấn Độ.

Nghiên cứu cho thấy 63% nhân viên ở Ấn Độ cùng khoảng 43% ở cả Australia và Singapore cho biết họ “tự tin hơn” khi tìm kiếm công việc mới so với năm 2022, CNBC đưa tin.

Ngay cả với những lo ngại về suy thoái kinh tế, người lao động cũng đang thể hiện “khả năng phục hồi tốt hơn” và sẵn sàng đối phó với bất kỳ đợt suy thoái nào sắp tới của nền kinh tế.

Sẵn sàng cho suy thoái

Nghiên cứu tiết lộ rằng gần một nửa số người được khảo sát ở Australia và Ấn Độ cảm thấy họ đã sẵn sàng cho một cuộc suy thoái kinh tế.

Pooja Chhabria, chuyên gia nghề nghiệp và trưởng ban biên tập khu vực châu Á – Thái Bình Dương của LinkedIn, cho biết: “Sự tự tin và lạc quan mà chúng tôi nhận thấy từ các chuyên gia cho thấy họ thể hiện khả năng phục hồi tốt hơn sau đại dịch, có khả năng giải quyết mọi tác động mà thị trường lao động bất ổn có thể mang lại”.

“Kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều người đã dành thời gian để củng cố sự nghiệp của họ thông qua nâng cao kỹ năng, đầu tư vào phát triển mạng lưới và sắp xếp sự nghiệp của họ vào những lĩnh vực mà bản thân thực sự đam mê”, Pooja Chhabria nói.

Nhiều người đã chuẩn bị tâm thế để đối phó với thời kỳ suy thoái. Ảnh: Artem Podrez/Pexels.

Ví dụ, số lượng thành viên bổ sung kỹ năng vào hồ sơ LinkedIn của mình đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái – một dấu hiệu cho thấy nhân viên đang tích cực đầu tư vào phát triển kỹ năng để đảm bảo sự nghiệp trong tương lai.

“Khi các chuyên gia mở rộng bộ kỹ năng của mình, họ sẽ có được khả năng chuyển đổi linh hoạt, có thể áp dụng cho nhiều vai trò công việc và cải thiện khả năng đảm bảo việc làm”, Chhabria nói thêm.

Làm việc trong đại dịch đã mang lại cho người lao động quyền tự do làm việc bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu họ muốn. Nó đã tạo tiền đề cho công việc của họ sau đại dịch và điều này sẽ không sớm biến mất.

“Chúng tôi tin rằng xu hướng sẽ tiếp diễn vào năm 2023 là mọi người lựa chọn công việc mang cho họ nhiều tự do hơn, kiếm được nhiều tiền hơn hoặc khiến họ yêu thích hơn, trong một số trường hợp là đạt được cả 3 thứ đó”, Chhabria nhận định.

Xu hướng của thị trường lao động

LinkedIn cho biết lạm phát gia tăng và áp lực chi phí sinh hoạt sẽ thúc đẩy nhân viên tìm kiếm một công việc khác được trả lương cao hơn.

Nghiên cứu chỉ ra nguyện vọng được trả lương cao hơn đã trở thành động lực chính để tìm việc – 58% những người được khảo sát ở Singapore, 49% ở Australia và 45% ở Ấn Độ cho biết họ chỉ sẵn sàng ở lại vị trí hiện tại nếu được trả thêm tiền trong thời gian tới.

Nhân viên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể tìm thấy những gì họ đang mong muốn. Theo “Khảo sát tổng thù lao hàng năm” do Mercer thực hiện, các công ty trong khu vực dự báo mức lương tổng thể sẽ tăng trung bình 4,8% vào năm 2023.

Hầu hết thị trường cũng sẽ tăng lương, Ấn Độ có mức tăng lương dự kiến ​​cao nhất là 9,1%.

Người lao động vẫn sẽ ưu tiên tìm kiếm cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong năm mới. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels.

“Quiet quitting” (nghỉ việc trong im lặng) hay “tang ping” (nằm phẳng) – những từ khóa xu hướng của năm 2022 – đã nêu bật tình trạng kiệt sức của nhân viên và tầm quan trọng của cân bằng giữa cuộc sống với công việc.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của nhân viên trong năm nay, theo phản ánh của hơn 30% những người được khảo sát trên khắp Ấn Độ, Singapore và Australia.

Với những người sử dụng lao động, điều họ cần quan tâm là những nhân viên làm việc quá sức, người không cảm thấy cam kết với công việc hiện tại của họ.

Kể từ năm 2022, người lao động đã phải trải qua tình trạng mất gắn kết và không hài lòng ở mức độ cao.

Theo báo cáo “Tình trạng nơi làm việc toàn cầu” của Gallup, 60% số người được hỏi cho biết họ dường như vô cảm tại nơi làm việc và 19% thấy đau khổ.

Chhabria cho biết việc thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp hoặc thăng tiến trong công việc vẫn là một trong những lý do hàng đầu khiến mọi người chán nản, muốn nghỉ việc.

Nghiên cứu của LinkedIn tiết lộ rằng 67% nhân viên ở Australia và 68% ở Singapore tin rằng ông chủ đã không đầu tư vào sự phát triển của họ.

“Nhân viên muốn các công ty đầu tư vào họ bằng cách cung cấp các cơ hội học tập và phát triển, học các kỹ năng mới và chứng minh sự nghiệp của họ trong tương lai”, Chhabria nói.

Theo cô, người quản lý có thể thực hiện một số “động thái nội bộ”, như thông qua thăng chức hay thay đổi bên lề, có khả năng giữ nhân sự ở lại công ty lâu hơn so với việc để họ ở yên một vị trí.

“Tính di động của nội bộ cũng là một ưu tiên lớn trong ngành công nghiệp hiện nay, khi các tổ chức cố gắng cải thiện khả năng giữ chân nhân viên và giảm chi phí thu hút nhân tài”.

Theo Đinh Phạm (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link