Nhà sản xuất “Chị chị em em 2” bức xúc vì TikTok không có động thái trước những clip xâm hại bản quyền. Trong khi giới nghệ sĩ đau đầu vì bị TikToker làm phiền, tung tin giả.
Đầu tháng 4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới. Hai trong số những vấn đề của TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông để ý gồm phân phối nội dung và quảng cáo.
Thời gian qua, TikTok bị phản ảnh có nhiều nội dung xấu độc. Riêng giới giải trí, TikTok có không ít ảnh hưởng tiêu cực, bị phản ứng.
Các hình thái giải trí trong nước, từ âm nhạc, phim ảnh, thời trang đang gánh nhiều hệ lụy từ những ảnh hưởng này. “Nếu không dẹp loạn, TikTok sẽ giết chết nền giải trí Việt”, chuyên gia giải trí nói với Zing.
Tung tin bất chấp khiến giới nghệ sĩ đau đầu
Gần một tháng từ khi “ông hoàng cải lương” Vũ Linh qua đời, đội quân streamer, trong đó chiếm không nhỏ là streamer trên TikToker, vẫn chưa buông tha cho hình ảnh cố nghệ sĩ lẫn người nhà.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều TikToker vẫn tụ tập quay mộ phần của NSƯT Vũ Linh trong những ngày gần đây. Thậm chí, trong lễ cúng thất của nghệ sĩ diễn ra tại nhà riêng, hơn 10 YouTuber, TikToker vẫn chầu chực bên ngoài để ghi hình, theo chia sẻ của nghệ sĩ Linh Tâm.
Không dừng lại ở đó, những thông tin giả xoay quanh nghệ sĩ Vũ Linh và những người thân vẫn được lan truyền trên mạng xã hội sau khi ông ra đi. Đỉnh điểm, nhiều streamer đăng tải clip ngắn có nội dung sai lệch về việc Bình Tinh – con nuôi của Vũ Linh – được thừa hưởng tài sản từ cố nghệ sĩ.
Sự việc này gây ảnh hưởng lớn đến nữ nghệ sĩ, đến mức cô phải đính chính trên trang cá nhân để tránh gây hiểu lầm. Bình Tinh khẳng định không nhận bất kỳ số tiền nào từ cha nuôi. Cô cho biết di chúc mà nghệ sĩ Vũ Linh để lại cho mình là giữ đạo đức, tài năng và tâm huyết với nghệ thuật cải lương.
Trước đó, gia đình nghệ sĩ Vũ Linh không ít lần bức xúc trước chiêu trò của đội quân streamer. Tại đám tang của “ông hoàng cải lương” vào đầu tháng 3, hàng chục TikToker, YouTuber chen lấn, xô đẩy để tìm mọi cách livestream rồi cắt ghép, chỉnh sửa và đăng tải nhiều clip có nội dung sai lệch, ảnh hưởng đến thân nhân cũng như danh tiếng của người đã khuất.
Ngay tại lễ tang, Hồng Phượng – cháu gái của nghệ sĩ Vũ Linh phải lên tiếng cầu cứu. “Tôi mong các bạn (streamer – PV) để cho hình ảnh người nghệ sĩ luôn đẹp. Rất nhiều nghệ sĩ đã lâm vào cảnh này chứ không riêng gì cậu tôi”.
Chia sẻ của Hồng Phượng xuất phát từ thực trạng nhức nhối nhiều năm qua: không ít diễn viên, nghệ sĩ bị đồn qua đời ngay cả khi còn sống. Dù nghệ sĩ phẫn nộ, người nhà lên tiếng, số lượng clip có nội dung nói trên vẫn hiện hữu đầy rẫy trên TikTok.
Đội quân TikToker, YouTuber còn bất chấp mọi cách để tiếp cận, ghi hình các nghệ sĩ gạo cội. Gần nhất, nghệ sĩ Hồng Nga là nạn nhân bất đắc dĩ.
Nhóm TikToker này giả danh nhà báo, tìm đến tận nhà làm phiền, quay phim nghệ sĩ Hồng Nga khiến người thân phải lên tiếng răn đe.
Lễ tưởng niệm nghệ sĩ Diệp Lang ở TP.HCM, ban tổ chức thậm chí đã thông báo cấm TikToker, YouTuber vì “sợ tung tin thất thiệt”.
TikToker nhiễu loạn, làm lố ở nhiều sự kiện giải trí
Thời gian gần đây, số lượng TikToker lấn sân sang lĩnh vực giải trí tăng theo cấp số cộng. Thật không khó để chứng kiến cảnh TikToker góp mặt ở thảm đỏ sự kiện phim ảnh, âm nhạc, cuộc thi hoa hậu. TikToker tham gia game show, làm ca sĩ, ngồi hàng ghế đầu của các sự kiện thời trang.
Sẽ chẳng có gì để nói nếu TikToker không tìm mọi cách để làm lố, hành xử kém duyên ở thảm đỏ của các sự kiện quan trọng. Lúc dự chương trình, nhóm người này chỉ tập trung quay clip nhảy nhót, giới thiệu bản thân, livestream, ảnh hưởng không nhỏ tới những nghệ sĩ khách mời khác.
Tại lễ trao giải Cống hiến 2023 vừa qua, một số người trong giới giải trí tỏ ra bất bình về tình trạng một số TikToker gây nhốn nháo. Một TikToker còn diện trang phục bị cho là lố bịch với quần ngắn, đội mũ bảo hiểm, đeo găng tay và đứng tạo dáng quá lâu ở backdrop.
Để chiếm spotlight, nhiều TikToker cố tình ăn mặc khác người khi ngồi ghế đầu của các sự kiện thời trang. Điều này khiến giới chuyên môn bất bình khi hàng ghế đầu dần mất đi giá trị bởi chiêu trò lố của những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Tương tự, tại thảm đỏ của các sự kiện ra mắt phim điện ảnh, sự xuất hiện nhốn nháo của nhóm TikToker tai tiếng cũng phá hỏng giá trị sự kiện. Đơn cử, ở buổi công chiếu phim Vô diện sát nhân diễn ra vào cuối tháng 8/2022, trong số dàn khách mời chiếm quá nửa là các hot TikToker, trong đó có cả những TikToker tai tiếng, không liên quan gì đến điện ảnh. Số lượng các nghệ sĩ góp mặt ở thảm đỏ chương trình chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là dàn diễn viên tham gia trong phim.
Đáng nói, nhiều hot TikToker chỉ đến đến check-in ở thảm đỏ rồi bỏ về trống ghế, không theo dõi bộ phim. Trước thực trạng này, nhiều nghệ sĩ Việt chia sẻ rằng họ không chấp nhận được việc các TikToker làm “đủ trò” trên thảm đỏ để được khán giả hò hét. Trong khi những diễn viên, nghệ sĩ gắn bó nhiều năm với phim ảnh, có thể lại không được mời, không được chú ý ở sự kiện ra mắt phim.
Nhà làm phim bức xúc vì nền tảng im lặng trước nạn xâm hại bản quyền
Trên TikTok, lĩnh vực phim ảnh đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đáng chú ý, nhiều video để câu view, dễ lên xu hướng cũng thường chỉ lấy nội dung gây sốc nhất của phim, chẳng hạn cảnh quấy rối hoặc cảnh nóng. Vô số nội dung độc hại núp bóng review phim ngắn tràn lan trên nền tảng xã hội đang nổi nhất hiện nay.
Lỗ hổng trong việc kiểm soát bản quyền của TikTok tạo cơ hội cho nạn quay lén phim chiếu rạp trở nên phổ biến. Đầu năm nay, Chị chị em em 2 của Vũ Ngọc Đãng bị nhiều chủ tài khoản TikTok quay lén nguyên tác phẩm và đăng tải trên nền tảng mạng xã hội này khi vừa ra mắt một ngày.
Cùng với vấn đề phim điện ảnh, truyền hình bị bóp méo, xâm hại, tình trạng nhạc chỉ cần 15 giây là đủ và nhạc “rác” tràn lan trên xu hướng mạng xã hội.
Censored của rapper Chị Cả với lời lẽ được cho là loạn luân, phản cảm thậm chí từng là xu hướng nổi bật trên TikTok một thời gian.
Trước thực trạng này, theo trao đổi, nhạc sĩ Tú Dưa cho rằng: “Các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn bởi điều đó rất quan trọng. Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay mò vào TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ rất cần sự kiểm duyệt”.
Ở góc độ xã hội, các chuyên gia cho rằng nội dung độc hại, phản cảm về văn hóa, giải trí trên TikTok để lại hệ lụy lớn cho xã hội.
Chuyên gia tâm lý – giáo dục giới trẻ, thạc sỹ Chế Dạ Thảo (Đại học HUTECH) bày tỏ quan điểm: “Những thông tin tiêu cực không phù hợp với lứa tuổi và không có giá trị tích cực khiến nhận thức của những bạn đang ở độ tuổi chưa trưởng thành, chưa hoàn thiện về nhận thức cũng như nhân cách bị tập nhiễm. Các bạn sẽ hình thành những thói quen và lối sống không phù hợp với độ tuổi”.
Theo Tâm An (zing) – Ảnh: T.H