Những năm gần đây, số ca nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Đây là bệnh lý cấp tính, gây tử vong rất nhanh nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.
Ông N.V.S., (46 tuổi, Long Thành) đột ngột khó thở, bủn rủn tay chân sau một ngày làm việc. Trên đường đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu, ông S. đột ngột ngưng tim.
May mắn, sau khi được sốc điện 6 lần và chuyển thẳng lên phòng thông tim, ông S. được cứu sống ngoạn mục.
Tương tự, tại Vĩnh Phúc, ông N. (70 tuổi) và con trai là ông V. (45 tuổi) cùng bị nhồi máu cơ tim cấp trong một ngày. Hai bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc can thiệp nong và đặt stent cấp cứu ngay sau đó.
Gia đình cho biết cả hai bố con thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào, sử dụng rượu bia. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh nhồi máu cơ tim cấp.
Ai có nguy cơ nhồi máu cơ tim?
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc một phần hoặc hoàn toàn một nhánh hoặc cả hai động mạch vành, nếu nhẹ sẽ gây ra bệnh lý suy tim, tổn thương cơ tim, nếu nặng thì sẽ gây ra một cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Kết quả giải phẫu bệnh lý cũng cho thấy có đến 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Một số bệnh nhân vào viện cũng có thể có tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Theo bác sĩ Phước, mạch máu người từ 30 tuổi trở lên bắt đầu lắng cặn các mảng xơ vữa. Theo thời gian, các lắng cặn xơ vữa này sẽ dày lên. Đến một thời điểm, các mảng xơ vữa bong ra, tạo thành cục máu đông gây ra tình trạng hẹp mạch vành và gây biến chứng nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Theo ghi nhận, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim là 10%. Trong số các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim có tỷ lệ tử vong tới 30% và có xu hướng gia tăng.
Nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng, nhất là những người mắc bệnh mạch vành.
Những cơn đau như đấm vào ngực
Người bệnh ban đầu thường có triệu chứng đau thắt ngực khi phải gắng sức như leo cầu thang, khuân vác nặng… Điều này bắt nguồn từ việc mạch máu nuôi tim hẹp, không cung cấp đủ máu nuôi tim, từ đó gây đau thắt ngực ở sau xương ức.
“Cơn đau được miêu tả như bị dao đâm hoặc bị nắm đấm đè vào xương ức. Nó có thể lan đến cằm hoặc lan ra ngón út của bàn tay trái, kèm theo các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, khó thở… Cơn đau sẽ giảm nếu người bệnh nghỉ ngơi”, bác sĩ Phước cho hay.
Chuyên gia này cũng cảnh báo người dân nếu liên tục xuất hiện cơn đau nói trên cần đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Phước, trong điều trị bệnh nhồi máu cơ tim, yếu tố thời gian vàng là rất quan trọng.
“12 tiếng sau khi xuất hiện cơn đau, bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì tỷ lệ cứu sống càng cao. Thời điểm lý tưởng nhất là sau 3 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân được can thiệp kịp thời sẽ không để lại di chứng sau này”, bác sĩ Phước nhận định.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, vị chuyên gia này khuyến cáo người dân nên bỏ hút thuốc lá; uống bia rượu đúng cách; phát hiện và điều trị các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường; tập thể dục hàng ngày; giảm cân tránh tình trạng béo phì…
Ngoài ra, bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim vẫn có thể bị tái lại. Vì vậy, nhóm đối tượng này cần phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu các loại trái cây và rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm và cá đã bỏ da, các loại hạt và đậu, dầu thực vật.
“Đối với người chưa mắc thì nên đi khám bệnh định kỳ mỗi năm một lần để kịp thời phát hiện bệnh”, bác sĩ Phước khuyến cáo.
Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H