Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động từ ngày 1/7/2022. Ngoài ra, có 2 chính sách khác liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng sẽ có hiệu lực.
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022
Ngày 12/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Cụ thể, Nghị định 38 quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:
– Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
– Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
– Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
– Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức lương tối thiểu giờ, vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động
Nghị định 38/2022 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu từ ngày 1/7/2022
Nghị định 38/2022/NĐ-CP tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 dẫn đến tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cũng điều chỉnh tăng tương ứng.
Theo Điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, từ ngày 1/7 mức lương tối thiểu vùng tăng lên thì mức tiền lương thấp nhất làm căn cứ tính đóng BHXH cũng sẽ tăng lên. Từ đó, khi nhận các chế độ BHXH thì mức tiền người lao động nhận được cũng sẽ tăng theo.
Hết hạn hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021. Theo đó, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7-2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Như vậy, kể từ ngày 1/7 tới đây, người sử dụng lao động sẽ quay trở lại đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như bình thường.
Mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2022 như sau:
– Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội;
– Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chấp thuận.