Rất nhiều chị em than thở về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi khỏi Covid-19. Các chuyên gia đã có tư vấn về tình trạng này.

Chị Nguyễn Bình H. (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) than thở sau khi mắc Covid-19 từ tháng 12 năm ngoái, chị H. vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại. Thậm chí, chị H. sợ mình mang thai nên thử thai thường xuyên đều không lên vạch còn chu kỳ đèn đỏ cứ rời xa mãi chưa quay trở lại.

Không riêng chị Bình H., trên nhóm những người khỏi Covid-19, rất nhiều cựu F0 than thở về việc chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng, người thì mất kinh người thì rối loạn kinh nguyệt.

Ví dụ trường hợp chị Nguyễn Mai D. (41 tuổi, Hà Nội) than thở sau đợt điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thì đến nay chu kỳ kinh nguyệt của chị D. kéo dài cả tháng. Chị D. đã đi kiểm tra bác sĩ siêu âm không thấy hiện tượng bất thường nhưng rong kinh kéo dài khiến chị D. thấy mệt mỏi, bất tiện trong công việc, khiến chị stress nhiều hơn.

Chia sẻ trên nhóm Giúp nhau mùa dịch, chị Hoài cho biết bị Covid-19 và tới tận 4 tháng sau mới có kinh nguyệt trở lại. Khi kinh nguyệt trở lại chưa được vui vẻ thì chu kỳ kéo dài tới 2 tuần, hết 1 tuần lại tiếp tục chu kỳ mới. Cứ như vậy, đã qua nửa năm nhưng chu kỳ vẫn chưa quay về như thời điểm trước.

7

BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết bản thân anh qua trò chuyện với các bệnh nhân đến khám bệnh sau khi tiêm vắc xin Covid và hỗ trợ chăm sóc các F0 tại nhà, mình thấy một số người có các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật, trong khi trước đó họ không có các triệu chứng này. 

Đầu tiên chị em có cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ. Tình trạng bồn chồn, lo lắng hay khó ngủ đều khá thường thấy khi bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau khi âm tính, việc dễ xúc động ngay cả trong những trường hợp không quá đặc biệt cũng xảy ra.

Thứ hai, người bệnh sau khi khỏi Covid-19 cũng dễ gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại bồng bềnh, không tự tin và đặc biệt là giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém.

Thứ ba là tình trạng dễ mệt mỏi, mất sức, chân tay yếu khi làm việc, vận động. Chị em phụ nữ thì rơi vào tình trạng trễ kinh, rối loạn kinh nguyệt. Việc rối loạn kinh nguyệt có thể khiến chu kỳ kéo dài, ngắn hơn hoặc thậm chí mất kinh trong vài tháng.

BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết tình trạng rối loạn kinh nguỵệt như mất kinh hay rong kinh gặp rất nhiều ở chị em phụ nữ sau khi mắc Covid-19.

Theo BS Thành, chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng nhiều tới chủng nội tiết của chị em. Khi mắc Covid-19, virus cũng làm ảnh hưởng tới sức khoẻ toàn thân của người bệnh. Sức khoẻ nền tảng từ tim mạch, hô hấp.

Thứ hai, nội tiết tố quy định chu kỳ kinh của phụ nữ nó là một tổng thể từ não tới mạch máu và buồng trứng. Khi bị Covid-19 ảnh hưởng tâm lý chị em bị stress, trầm cảm khiến chu kỳ trứng không rụng được nên chị em bị trễ kinh, mất kinh, rong kinh.

Khi chị em bị trễ kinh sau mắc Covid-19, bác sĩ Thành khuyến cáo chị em cần làm đầu tiên là thử thai để xác định mình có thai hay không vì có rất nhiều chị em bị lỡ kế hoạch trong mùa Covid-19.

Cùng với đó, mới đây trong livestream “Di chứng hậu COVID, cùng tìm cách vượt qua”, PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ, hệ nội tiết (để duy trì một chu kì kinh nguyệt) rất nhạy cảm. Nó có thể bị ảnh hưởng sau khi ốm, lo lắng tâm lý hay là dùng thuốc. Thời gian rối loạn có thể khác nhau ở mỗi người. Nếu thời gian rối loạn kéo dài (sau 2 tháng) thì cần đi khám để loại trừ nguyên nhân để lập lại chu kì kinh nguyệt.

Cũng theo BS Thanh, rối loạn nội tiết thực chất vẫn là một quá trình viêm, vì vậy, một phương pháp được khuyến cáo cho các người bệnh là dùng nước. Uống nước giúp giải phóng và trung hòa các yếu tố viêm. Bên cạnh đó, chúng ta phải điều chỉnh lịch sinh hoạt, giải tỏa được lo âu… Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì cần đi gặp bác sĩ.