Câu thành ngữ “Đều như vắt chanh” hay “Đều như vắt tranh” vẫn khiến nhiều người tranh luận, khi có người cho rằng “chanh” mới đúng còn viết “tranh” là sai.
Nhiều người cho rằng “đều như vắt chanh” mới chính xác nhưng thực tế câu này không có ý nghĩa bởi vắt quả chanh thì làm sao mà đều được. Chính xác phải là “Đều như vắt tranh”.
“Vắt tranh” trong câu thành ngữ này là một thao tác trong quá trình làm những tấm bằng cỏ tranh để sử dụng khi làm nhà. Cỏ tranh còn có tên gọi khác là bạch mao căn, cỏ tranh săng, nhả cà, lạc cà… thuộc họ nhà lúa phân bố từ đồng bằng đến vùng trung du, miền núi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta.
Ngày xưa, cỏ tranh là vật liệu phổ biến được sử dụng để làm nhà. Người ta thường bện cỏ tranh thành từng tấm (để lợp mái hoặc dựng vách) theo kích thước phù hợp với quy mô của nhà, quy trình này được gọi là “đánh tranh”.
Kỹ thuật đánh tranh khá khó, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Các nắm sợi tranh (hay còn gọi là một vắt) phải đều tăm tắp để khi lợp lên mái trông đẹp và không bị thấm nước mưa.
Mỗi khi đánh tranh phải dùng một tay nắm những sợi tranh thành một vắt. Muốn cho đều tăm tắp, mười vắt như mười thì lượng sợi tranh trong tay phải vừa vặn sao cho ngón cái chạm tới ngón trỏ, nếu ít hơn sẽ thêm vào và ngược lại. Trong lúc tay này nắm vắt tranh, tay kia phải khéo léo bắt vắt tranh đưa vào hom (3 thanh tre được vót thành sợi có chiều dài bằng tấm tranh) và chỉnh cho đều.
Như vậy, từ “vắt” trong “vắt tranh” là danh từ. Và câu thành ngữ “Đều như vắt tranh” ý nói làm một cái gì đấy rất đồng đều.
Mái nhà lợp bằng tranh rất bền, mát hơn so với lợp bằng ngói, tôn. Với những mái lợp dày từ 15 – 20cm có tuổi thọ lên tới 20 – 30 năm.
Ngày nay, cỏ tranh không còn được sử dụng để làm nhà, các bạn nhỏ cũng ít gặp, không biết cỏ tranh là gì. Trong khi đó, chanh là loại quả rất phổ biến, nó có mặt ở khắp mọi nơi từ chợ cóc đến siêu thị và trong nhiều sản phẩm ăn uống, mỹ phẩm. Có lẽ, chính vì sự phổ biến này đã khiến mọi người lầm tưởng là “vắt chanh” chứ không phải “vắt tranh”.