Rất nhiều F0 cách ly, điều trị tại nhà có chung câu hỏi, có cần kiêng tắm gội để nhanh khỏi bệnh hay không.

F0 có nên kiêng tắm gội, có phải nếu cứ cố tắm thì rất dễ trở nặng?

Nói về vấn đề này trên Zing, Ths. BS Nguyễn Quốc Thái (TT Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai – Hà Nội) chia sẻ: Đến nay, chúng ta chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định việc tắm sau khi nhiễm Covid-19 sẽ khiến tình hình trở nặng.

Khi thành F0, nhiều người có triệu chứng sốt. Khi đó, nhiệt độ cơ thể sẽ cao hơn bình thường. Lúc này, nếu bạn tắm nước mát với nhiệt độ bình thường thì sẽ thấy lạnh hơn chút. Nếu thấy tắm nước lạnh khó chịu thì bạn chuyển sang tắm nước ấm nóng là được.

Bạn cũng không cần phải quá băn khoăn việc tắm nước nóng hay lạnh, miễn sao cơ thể thấy thoải mái là được. Song, cần lưu ý rằng nếu tắm nước lạnh mà bị rùng mình thì nên chuyển sang nước nóng nhé.

Hơn nữa, bạn cũng không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lanhj, không ngâm người lâu trong nước. Sau khi tắm xong thì nên lau khô người ngay để tránh bị mất nhiệt. Đồng thời, khi tắm thì bạn nên tránh nơi nhiều gió vì rất dễ sốc nhiệt. Nếu được hãy thêm vào nước tắm ít vỏ bưởi, lá bưởi, sả để cơ thể thấy dễ chịu hơn.

Đồng tình với ý kiến này, BS. Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) cho hay: Chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân thì F0 càng không nên kiêng cữ. Bởi nếu vấn đề vệ sinh cá nhân không được đảm bảo thì có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng. Tốt hơn hết, F0 nên chú ý tắm rửa cẩn thận chứ không cần kiêng cữ.

Với chuyện gội đầu thì trong Sổ tay 100 câu hỏi – đáp về dịch cô vít của Học viện Quân y có đề cập như sau: Tóc dài, tóc rối… có thể là nơi chứa mầm bệnh lây qua nước bot của F0. Do đó, bạn nên cắt tóc ngắn, nữ giới nên búi tóc gọn gàng. Và nhớ là nên gội đầu hàng ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh bám trên tóc.

4

Ngoài chuyện tắm gội thì vấn đề ăn uống F0 có cần phải kiêng cữ gì không?

Có nhiều F0 lo lắng về việc ăn đồ ngọt, đồ bổ thì Covid-19 sẽ mạnh hơn nên nhiều F0 không dám ăn. Thế nhưng, trên thực tế theo BS. Khanh thì F0 không cần kiêng cữ gì về mặt ăn uống cả. Thậm chí, kể cả nếu ăn ốc, ăn cua, uống nước ngọt, trà sữa cũng không sao cả.

Điều người ta lo ở F0 là tình trạng biếng ăn vì mệt mỏi, mất vị giác chứ không phải chuyện nên hay không nên ăn thứ gì. Nếu thèm ăn được thì quá tốt, cứ ăn để cơ thể có năng lượng, dù là khi đang nhiễm hay đang trong giai đoạn phục hồi

Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn có sẵn vấn đề thì nên lưu ý với những món ‘chống chỉ định’ với các bệnh đó là được. Chứ nếu cứ sợ rồi kiêng cữ, không dám ăn nhiều thì coi chừng thiếu chất. Mà khi cơ thể thiếu chất thì sức đề kháng sẽ giảm. Khi đó, nguy cơ trở nặng hoăc lâu khỏi mới tăng lên. Hơn nữa, thiếu chất còn ảnh hưởng tới nồng độ SpO2 trong máu nữa.

Tương tự, những người béo phì cũng chỉ nên theo dõi sức khỏe chặt chẽ chứng không cần phải kiêng lúc này. Bởi, người béo phì cũng có thể thiếu chất nếu ăn kiêng quá đà. Nói chung, vẫn cần ăn uống đầy đủ, còn giảm cân là chuyện lâu dài, khi nào khỏe rồi tính sau.